TP.HCM: Hàng hoá dồi dào, người dân không cần dồn dập mua sắm

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 12:22, 07/07/2021

Nguồn hàng hóa của TP.HCM vẫn được duy trì ổn định, không có tình trạng thiếu hụt hàng hóa. Vì vậy, người dân không cần dồn dập mua sắm để hạn chế dịch bệnh.

Từ hôm qua tới nay, thông tin số lượng chợ và siêu thị phải tạm đóng cửa tăng lên do dịch COVID-19 khiến khách hàng đổ xô đến mua sắm tại các siêu thị còn hoạt động tại TP.HCM.

Tại nhiều siêu thị, tất cả quầy thu ngân đều hoạt động hết công suất, với hàng người chờ đến lượt thanh toán dài hàng chục mét. Nhiều người dân mất tới một tiếng đồng hồ để thanh toán. Đến tối 6.7, các kệ hàng rau củ quả, thịt gà, thịt heo, mì gói... tại các siêu thị đã trống trơn.

Nhiều người dân cho biết do các chợ tự phát và chợ truyền thống đã đóng cửa nên họ chuyển sang đi siêu thị mua thực phẩm dự trữ trong nhiều ngày. Trong khi đó, các website, ứng dụng mua hàng của một số siêu thị và ứng dụng đi chợ hộ chỉ cho cho phép đặt mua rất ít loại thực phẩm tươi sống. Do đó, dù lo sợ dịch bệnh song nhiều người vẫn tới siêu thị mua thực phẩm để dự trữ.

Trước tình trạng này, sáng 7.7, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) khẳng định hàng hóa tại hệ thống này hiện rất nhiều, không bao giờ thiếu. Các hệ thống bán lẻ của siêu thị này cũng hoạt động xuyên suốt, nên khuyến cáo người dân không nên mua sắm dồn dập, tụ tập quá đông sẽ đẩy nguy cơ bệnh dịch lên cao và có thể gây tắc nghẽn các kênh mua sắm.

Theo Saigon Co.op, đơn vị này đã tiến hành tăng trữ lượng hàng hóa thiết yếu và nâng cao mức độ chống dịch tại toàn bộ hệ thống bán lẻ và kêu gọi sự phối hợp của người dân thực hiện hướng dẫn các biện pháp an toàn khi đến siêu thị.

hang-hoa-sieu-thi-khong-thieu.jpg
Hàng hoá đầy ắp trên kệ ở các siêu thị - Ảnh: TT

“Hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food…. đã tăng lượng dự trữ nhằm đảm bảo sẽ cung cấp đều đặn với giá cả bình ổn ra thị trường trong tối thiểu 6 tháng tới. Các mặt hàng nhu yếu phẩm như đường, gạo, dầu ăn, muối, nước mắm, dầu ăn, thịt, trứng, rau củ quả, thực phẩm khô và đặc biệt là các mặt hàng chống dịch như các loại gel, nước rửa tay, xà bông, khẩu trang vải sát khuẩn không thiếu, tất cả mặt hàng đã tăng gấp 3 -5 lần.

Do đó, người dân có thể yên tâm không bao giờ thiếu hàng hóa trong suốt thời gian giãn cách. Người dân nên ưu tiên sử dụng các kênh online, đặt hàng nhu yếu có chọn lọc, hạn chế đặt dồn dập nhiều đơn hàng một lúc vào các khu giờ cao điểm sẽ dễ gây tắc nghẽn.

Trong bối cảnh hiện nay, rõ ràng là lượng lương thực thực phẩm không hề thiếu, thậm chí rất phong phú nhưng do tâm lý đám đông dồn dập đổ dồn về các kênh mua sắm khiến siêu thị, cửa hàng, các trang bán hàng online đều quá tải cục bộ, tắc nghẽn. Có thể nói, chính việc tụ tập đông người không cần thiết và thiếu ý thức tuân thủ các biện pháp giãn cách, 5K của người dân trong thời gian qua đã góp phần đẩy số lượng ca nhiễm trong cộng đồng tăng cao, đồng thời cũng làm các chợ, siêu thị phải liên tiếp đóng cửa”, đại diện Saigon Co.op thông tin.

Trong khi đó, báo cáo mới nhất từ Sở Công Thương TP.HCM cũng cho thấy hiện nay, nguồn hàng hóa của TP.HCM vẫn được duy trì ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, không có tình trạng thiếu hụt hàng hóa.

Về nguồn hàng hóa, bên cạnh việc duy trì nguồn cung ứng từ các tỉnh, thành về TP.HCM một cách an toàn, ổn định thì Sở Công Thương TP.HCM tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường, vận hành ổn định chuỗi cung ứng hàng hóa qua các kênh phân phối hiện đại và truyền thống.

Trong đó, tăng cường năng lực cung ứng của các chợ truyền thống, hệ thống phân phối hiện đại, đồng thời siết chặt quản lý, đảm bảo các biện pháp an toàn trong phòng, chống dịch.

Trong quá trình hoạt động, việc mở cửa trở lại các điểm bán đang ngưng hoạt động phải được đánh giá kỹ và thực hiện theo đúng hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM.

Hồ Đông