TP.HCM ghi nhận 1.693 ca COVID-19 trong 24 giờ

Sự kiện - Ngày đăng : 19:35, 07/07/2021

Từ 6 giờ ngày 6.7 đến 6 giờ ngày 7.7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM ghi nhận 1.693 ca mắc COVID-19.

Theo Chủ tịch TP.HCM - Nguyễn Thành Phong, từ 27.4 đến 18 giờ ngày 6.7, TP.HCM ghi nhận 7.385 ca mắc COVID-19 với 45 bệnh nhân tử vong.

Điều đáng sợ là từ 6 giờ ngày 6.7 đến 6 giờ ngày 7.7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM ghi nhận 1.693 ca mắc COVID-19; phần lớn là ở khu vực cách ly, khu phong tỏa; 212 ca tầm soát, sàng lọc tại bệnh viện; 682 trường hợp đang điều tra bổ sung thông tin.

TP.HCM đang điều trị 7.118 người mắc COVID-19, trong đó có 335 bệnh nhân nặng tại 11 bệnh viện, 8 trường hợp cần can thiệp ECMO. TP.HCM hiện cách ly, phong tỏa 157 địa điểm. Trong đó, quận 7 đã áp dụng Chỉ thị số 16 toàn bộ phường Tân Thuận Đông, một phần phường Tân Thuận Tây và một phần Phường Bình Thuận (không bao gồm khu chế xuất Tân Thuận).

TP.HCM cũng đẩy mạnh công tác lấy mẫu xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là các địa phương có nguy cơ rất cao. Hiện TP.HCM có 2.000 đội lấy mẫu, với 1.200 đội chính và 800 đội dự phòng. Tổng công suất lấy mẫu của TP.HCM đạt 1,3 triệu mẫu/ngày.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, tính từ 18 giờ ngày 6.7 đến 18 giờ ngày 7.7, TP.HCM ghi nhận 766 ca mắc COVID-19 mới là BN22072-BN22341, BN22395-BN22741, BN22923-BN23071.

766 ca mắc COVID-19 mới bao gồm 580 trường hợp là các tiếp xúc được truy vết, đã cách ly hoặc trong khu vực phong tỏa và 186 người đang điều tra dịch tễ.

Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27.4 đến nay, TP.HCM đã có tổng cộng 8.151 ca mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố, cao nhất cả nước.

Tại cuộc họp ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 chiều 7.7, ông Nguyễn Thành Phong cho biết từ 0 giờ ngày 9.7, TP.HCM sẽ phong tỏa toàn thành phố theo Chỉ thị 16/2020 của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian 2 tuần, bắt đầu từ 0 giờ ngày 9.7.

Ông Nguyễn Thành Phong nói: "TP cần phải quyết liệt hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa. Phải xem đây là cuộc chiến thật sự, hy sinh lợi ích ngắn hạn để đảm bảo cho sự phát triển lâu dài, đảm bảo an toàn và sức khỏe của người dân. TP dự kiến sẽ áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trong 15 ngày trên địa bàn TP.HCM, từ 0 giờ ngày 9.7.2021".

Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nhằm thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, được ban hành ngày 31.3.2020 và có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

Chỉ thị 16 quy định địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc: Gia đình cách ly với gia đình; thôn bản cách ly với thôn bản; xã cách ly với xã; huyện cách ly với huyện; tỉnh cách ly với tỉnh; phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn; đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.

Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu; làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động...

Ngoài ra, người dân cần thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng. Dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng.

Hạn chế tối đa việc di chuyển từ địa bàn, khu vực này sang địa bàn, khu vực khác. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị nhà nước bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà.

Chỉ những trường hợp thật sự cần thiết, như trực chiến đấu, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới đến làm việc tại công sở, đồng thời tăng cường tổ chức họp trực tuyến.

Người đứng đầu chịu trách nhiệm về việc cán bộ, nhân viên lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch tại công sở.

Dừng việc di chuyển từ vùng có dịch đến các địa phương khác, trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất.

TP.HCM đã làm việc với các chuỗi cung ứng, hệ thống doanh nghiệp để gia tăng hàng hóa đáp ứng nhu cầu của người dân thông qua các kênh mua bán hiện đại, giao dịch qua thương mại điện tử, đảm bảo nguồn cung ứng dồi dào và tăng thời gian hoạt động của các điểm bán hàng. Người dân không nên lo lắng về việc thiếu hụt lương thực, thực phẩm trong tất cả các tình huống. Hạn chế di chuyển và tập trung đông người tại các khu vực mua sắm để đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch.

P.V