Phật giáo đến Việt Nam bắt nguồn từ Trung Quốc hay Ấn Độ?

Giáo dục - Ngày đăng : 08:32, 09/05/2016

Việt Nam nằm ở một vị trí địa lý đặc biệt. Ngay từ buổi đầu khi các tôn giáo và tư tưởng phương Đông được thành lập, Việt Nam đã là vùng trung tâm thương mại, kinh tế, văn hóa lớn nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc.

Theo Hán thư, những năm đầu Công nguyên, trong khi Thương Ngô (quận có vị trí thuộc Quảng Tây và Quảng Đông ngày nay) chỉ có 146.160 người thì Cửu Chân (Ninh Bình đến Hà Tĩnh) có 166.013 người và Giao Chỉ (vùng đồng bằng sông Hồng) dân số lên đến 746.237 người. Có dân số đông đảo cùng vị trí địa lý thuận lợi, Giao Chỉ với những trung tâm như Mê Linh (Hà Nội), Luy Lâu rồi đến Long Biên (Bắc Ninh) trong đó nổi bật là Luy Lâu chính là nơi các thương nhân phương Tây hay phương Nam đều phải ghé qua trước khi muốn đến Trung Quốc (theo Việt Nam Phật giáo sử luận). Sự giao lưu kinh tế từ sớm dẫn đến sự giao lưu văn hóa, tạo cho Giao Chỉ và sau này là Đại Việt có một nền văn hóa đa dạng và chịu ảnh hưởng từ nhiều nơi.
Một trong những tôn giáo du nhập vào Việt Nam sớm nhất là Phật giáo. Khác với nhiều tư tưởng cho rằng Phật giáo Việt Nam truyền trực tiếp từ Trung Quốc, nhiều nguồn sử liệu cho thấy Phật giáo truyền vào Việt Nam trực tiếp từ Ấn Độ ngay từ những năm đầu Công nguyên.
Để biết Phật giáo có ảnh hưởng đến văn hóa Việt Nam như thế nào, ta cần xem xét những phong tục, tập quán và nếp sống của người Việt cổ 2000 năm trước. Cứ liệu và sử liệu về thời này khá ít và rời rạc nên dựa vào những ghi chép và những chứng cớ còn sót lại, chúng ta chỉ có thể phác họa một bức tranh chung nhất về xã hội người Việt. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, người Việt có tục xăm mình, cắt tóc ngắn, sống thành từng cộng đồng nhỏ với Lạc Hầu, Lạc Tướng đứng đầu. Ngay cả sau thời Triệu Đà rồi nhà Hán đô hộ, mô hình này vẫn còn đứng vững từ cấp huyện trở xuống. Đến khi Mã Viện đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng thì các Lạc Tướng mới mất đi quyền lục của mình, tuy nhiên hình thức hào trưởng địa phương vẫn còn mạnh mẽ đến tận thời Ngô – Đinh. Người Việt cũng có những tập tục về hôn nhân, ma chay.

Cho rằng người chết vẫn còn linh hồn để tồn tại ở một thế giới khác, họ hình thành tập tục chôn cất với đồ tùy táng đi theo. Quan niệm thần thánh lớn nhất là ông Trời, người có thể nghe thấu mọi thứ và làm được mọi thứ. Tuy nhiên vũ trụ không sinh ra từ ông, vũ trụ vốn có từ trước, với sự sắp xếp của Thần Trụ trời mà trở nên trật tự. Thế giới có thần mây, mưa, sấm, chớp, có tục thờ đá, Sơn Tinh, Thủy Tinh. Có thể thấy xã hội Việt cổ là một xã hội đa thần rõ rệt. Tập quán thờ cúng ông bà tổ tiên, những người vĩ đại cũng đã có từ lâu với đền thờ những bậc anh hùng, thần tiên, dị nhân… những phong tục này có lẽ khác với phong tục người Hán mà Nhâm Diên, Sĩ Nhiếp dạy dân Việt sau này. Bên cạnh đó, dù đã tiếp xúc với người Hán và nền văn hóa Hán, các học thuyết Khổng giáo, Đạo giáo vẫn chưa phát triển ở Giao Chỉ. Theo Việt Nam Phật giáo sử luận Thiền Uyển tập anh, Trung Quốc vẫn thừa nhận đây là vùng nằm rìa, với phong tục và tập quán riêng biệt.
Đạo Phật xuất hiện ở Việt Nam từ xa xưa trong các truyền thuyết và cổ tích. Lĩnh Nam Chích Quái (viết vào thời Trần và hiệu chỉnh thời Lê) có chép truyện Chử Đồng tử và Man Nương, trong đó Chử Đồng Tử, sống vào thười Hùng vương được một vị tăng là Ngưỡng Quang truyền phép, còn Man Nương thì vô tình thụ thai Phật với một vị sư từ Ấn Độ tên là Khâu Đà La vào thời Sĩ Nhiếp làm thái thú Giao Chỉ.
Những vị học Phật được ghi chép đầu tiên ở Giao Chỉ phải kể đến Mâu Tử và Khương Tăng Hội. Mâu Tử (hay Mâu Bác) sinh khoảng 165-170. Ông vốn là người quận Thương Ngô (Quảng Tây, Trung Quốc ngày nay). Thuở nhỏ học đạo Khổng, Lão, có tài nhưng không ra làm quan. Đến khi Hán Linh Đế qua đời (189), thiên hạ đại loạn, nhiều người phương Bắc chạy xuống Giao Châu, trong đó có mẹ con Mâu Tử. Tại Luy Lâu (Bắc Ninh), Mâu Tử gặp được đạo Phật ở đây và chuyên tâm học Phật. Nhiều năm sau, ông viết Lý Hoặc Luận (lý giải những điều còn nghi hoặc về đạo Phật), dùng tư tưởng của mình để đối đáp với những người cho rằng ông bỏ đạo của thánh hiền (Khổng giáo, Lão giáo) để học thứ đạo của man di. Lý Hoặc Luận được xem là trước tác đầu tiên bằng chữ Hán về Phật giáo, trong khi chính Mâu Tử lại học Phật ở Giao Chỉ.

Thực tế, vào thời Mâu Tử, Luy Lâu là một trong ba trung tâm Phật giáo lớn nhất Trung Quốc. Hai nơi còn lại là Lạc Dương và Bành Thành. Lạc Dương nổi lên là trung tâm Phật giáo trong thời Hán Minh Đế (58 – 75) khi ông cho một đoàn đi Ấn Độ thỉnh kinh Phật đem truyền bá vào Trung Quốc. Nhiều ý kiến cho rằng trung tâm Lạc Dương xuất phát từ trung tâm Bành Thành và trung tâm Bành Thành chịu ảnh hưởng từ Luy Lâu. Trước đó, Phật giáo đã xuất hiện ở Trung Quốc từ trước Công nguyên nhưng vẫn còn rời rạc và nhỏ lẻ, đến thời Hán Minh Đế mới được cắm rễ thực sự. Nhiều học giả cho rằng đạo Phật trước thời Hán Minh Đế và cả sau này truyền bá sang Trung Quốc bằng đường biển, điều đó khiến cho việc Luy Lâu được tiếp xúc với Phật giáo Ấn Độ sớm hơn là điều dễ hiểu. Mâu Tử học Phật ở Luy Lâu càng chứng tỏ Luy Lâu phải có hệ thống Phật giáo phát triển từ trước đó. Trong Lý Hoặc Luận, Mâu Tử đã miêu tả về thói hư tật xấu của tăng đoàn Giao Chỉ, trong thời gian đó nhà Hán vẫn chưa có tăng đoàn, và suốt thời Hán vẫn chưa cho phép người Trung Quốc chính thức xuất gia quy y tam bảo. Mặc dù chưa có ghi chép chính thức về những người đầu tiên mang Phật giáo vào Việt Nam, nhưng sự xuất hiện của các tăng sĩ Ấn Độ vẫn được đề cập đến, trong đó nổi bật là Ma Ha Kỳ Vực và Khâu Đà La đến Giao Chỉ trong khoảng 169 – 189 hay Chi Cương Lương Tiếp dịch kinh ở đây vào 255.
Một trong những vị tăng gốc Giao Chỉ nổi tiếng đầu tiên là Khương Tăng Hội, người vẫn còn đang tranh cãi liệu có phải là tổ của thiền tông Việt Nam hay không. Khương Tăng Hội có cha mẹ là người nước Khương Cư (Uzbekistan), đến Giao Chỉ buôn bán và sinh ra ông ở đây. Ông lớn lên và xuất gia ở Giao Chỉ, đến năm 247 thì đến kinh đô Kiến nghiệp của Ngô và truyền đạo ở đây. Khương Tăng Hội có nhiều trước tác và bản dịch về Phật giáo nổi tiếng và có giá trị đến sau này. Cuối thế kỷ VI, Đàm Thiên khi tâu với Tùy Văn Đế về việc vua muốn độ Phật ở Giao Chỉ rằng: “Một phương Giao Châu, đường thông Thiên Trúc, Phật pháp lúc mới tới, thì Giang Đông chưa có, mà Luy Lâu lại dựng chùa hơn hai mươi ngôi, độ Tăng hơn 500 người, dịch kinh 15 quyển, vì nó có trước vậy. Vào lúc ấy, thì đã có Khâu ni danh, Ma Ha Kỳ Vực, Khương Tăng Hội, Chi Cương Lương, Mâu Bác tại đó.” Có thể thấy, Khương Tăng Hội chính là người đem Phật giáo truyền vào phía Nam Trung Quốc, trong thời kỳ Luy Lâu – Giao Chỉ đã phát triển Phật giáo rất mạnh.
Mặc dù những người học Phật, những cao tăng đầu tiên ở Giao Chỉ được nhắc đến trong sử sách từ cuối thế kỷ II trở đi, nhưng nhiều bằng chứng cho thấy Phật giáo đã được truyền bá sang đây nhiều năm trước từ chính những nhà sư Ấn Độ. Sự phát triển của Phật giáo ở Giao Chỉ bắt đầu từ sớm và mạnh mẽ, tạo nên một sự ảnh hưởng văn hóa lớn đối với người dân bản địa sau này.

Thiên Lang