Bộ Công Thương đề nghị các điểm bán hàng ở TP.HCM phải dự trữ hàng hóa ở mức độ cao nhất

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 14:48, 08/07/2021

Bộ Công Thương đề nghị doanh nghiệp, hợp tác xã phân phối tăng cường cung ứng hàng hóa cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam.

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đồng thời cũng là Phó trưởng ban thường trực, Ban Chỉ đạo - ông Trần Duy Đông vừa ký công văn hỏa tốc gửi doanh nghiệp, hợp tác xã phân phối đề nghị tăng cường cung ứng hàng hóa cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam.

214457761_543168393489979_4035581694660876731_n.jpg
Doanh nghiệp, hợp tác xã cần phân phối tăng cường cung ứng hàng hóa cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam - Ảnh: Tuyết Nhung

Ông Đông cho biết, tính đến 6 giờ ngày hôm nay (8.7), Việt Nam có tổng cộng 21.560 ca ghi nhận trong nước và 1.891 ca nhập cảnh, trong đó, TP.HCM có 8.151 ca, chiếm 37,8% số ca của cả nước. Trước diễn biến của dịch bệnh, để bảo đảm mục tiêu kép vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vừa quyết liệt phòng chống dịch bệnh, nhằm hỗ trợ TP.HCM và các tỉnh, thành phố phía Nam đảm bảo đủ, kịp thời hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân.

Lãnh đạo Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp, hợp tác xã phân phối truyền thống và hiện đại khẩn trương liên hệ với Sở Công Thương TP.HCM và các tỉnh, thành phố phía Nam để xây dựng kế hoạch, kịch bản, phương án vận chuyển, lưu thông, phân phối hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp phải cách ly, giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 của Thủ tướng về các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19.

Trong khi đó, các điểm bán hàng ở TP.HCM, các tỉnh phía Nam phải dự trữ, chuẩn bị lượng hàng hóa thiết yếu trong hệ thống đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân theo mức độ cao nhất của dịch COVID-19.

Bên cạnh các điểm bán hàng hiện có, Bộ Công Thương đề nghị tiếp tục mở thêm các điểm bán hàng cố định và lưu động tại các khu đông dân cư để kịp thời phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân, có phương án mở các điểm bán hàng mới trong trường hợp cơ sở phân phối bị đóng cửa do có ca nhiễm COVID-19 để kịp thời phục vụ người tiêu dùng cả trong điều kiện bình thường hay cách ly, giãn cách xã hội.

Cùng với đó là tiếp tục tăng cường thực hiện các phương thức bán hàng trực tuyến (thương mại điện tử, đi chợ hộ…), để phục vụ tối đa nhu cầu người dân trong điều kiện dịch bệnh phải thực hiện giãn cách, cách ly xã hội.

Tính đến ngày 7.7, TP.HCM có 2.833 điểm bán các mặt hàng thiết yếu như: lương thực thực phẩm, khẩu trang, nước rửa tay… Trong đó, danh sách bao gồm 111 chợ, 106 siêu thị, 2.616 cửa hàng tiện lợi.

Cụ thể, quận 1 có 135 điểm, quận 3 có 74 điểm, quận 4 có 58 điểm, quận 5 có 69 điểm, quận 6 có 74 điểm, quận 7 có 168 điểm, quận 8 có 112 điểm, quận 10 có 86 điểm, quận 11 có 52 điểm, quận 12 có 165 điểm, quận Tân Bình có 194 điểm, quận Bình Thạnh có 224 điểm, quận Gò Vấp có 183 điểm, quận Phú Nhuận có 78 điểm, quận Tân Bình có 177 điểm, quận Tân Phú có 149 điểm, huyện Bình Chánh 114 điểm, huyện Cần Giờ 10 điểm, Củ Chi 75 điểm, Hóc Môn 88 điểm, Nhà Bè 60 điểm và TP.Thủ Đức 488 điểm.

Trong buổi họp báo chiều 7.7, ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, khẳng định: "Thành phố không lo thiếu thực phẩm. Nguồn cung hàng hóa cho thành phố sẽ luôn được đảm bảo, không để xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng khi ba chợ đầu mối dừng hoạt động".

Ông Vũ cũng cho rằng các doanh nghiệp bình ổn cũng như các đơn vị của TP đã tăng dự trữ gấp ba lần so với bình thường, với mức hơn 120.000 tấn hàng trong khi nhu cầu thực tế chỉ khoảng 5.000-6.000 tấn/ngày.

Bài và Ảnh: Tuyết Nhung