Kế hoạch hậu rút quân khỏi Afghanistan của Mỹ bị Nga cản trở

Quốc tế - Ngày đăng : 15:07, 08/07/2021

Nga, với ảnh hưởng kinh tế lẫn quân sự đáng kể tại Trung Á có thể cản trở nỗ lực tìm kiếm nơi đồn trú mới bên ngoài Afghanistan mà Nhà Trắng đang thực hiện.

Làm cách nào duy trì hoạt động chống khủng bố và bảo vệ an toàn cho hàng nghìn công dân Afghanistan từng hỗ trợ quân đội Mỹ là vấn đề Washington cần gấp rút giải quyết. Tính đến ngày 6.7, 90% kế hoạch rút quân đã được hoàn thành, cuối tuần trước lực lượng đóng ở căn cứ chính Bagram cũng đều rút đi.

Một số phương tiện truyền thông tiết lộ, Mỹ nhắm đến 6 quốc gia Trung Á có thể trở thành nơi đồn trú mới. Ngoại trưởng Antony Blinken hôm 1.7 vừa gặp người đồng cấp Tajikistan và Uzbekistan – 2 ứng viên có chung đường biên giới với Afghanistan, đảm bảo triển khai lực lượng nhanh chóng hơn đóng quân ở Trung Đông hay trên tàu sân bay ngoài vịnh Ba Tư.

Tình huống dùng căn cứ bên ngoài hỗ trợ hoạt động trên lãnh thổ Afghanistan từng xảy ra trước đây. Sau vụ khủng bố ngày 11.9, quân đội Mỹ được triển khai đến 2 căn cứ ở Uzbekistan và Kyrgyzstan. Chúng đều bị đóng cửa trong bối cảnh bất ổn và áp lực từ phía Nga.

Nhiều quốc gia Trung Á phụ thuộc Nga về kinh tế lẫn quân sự nên nếu muốn tìm nơi đồn trú mới, Mỹ có khả năng phải đạt thỏa thuận ngầm với Moscow.

Theo tướng về hưu David Petraeus – người từng chỉ huy các lực lượng Mỹ tại Afghanistan dưới thời Tổng thống Barack Obama: “Nga xem Trung Á như khu vực trong tầm ảnh hưởng của họ. Họ không chào đón thế lực khác, đặc biệt là Mỹ”.

Nhà nghiên cứu Temur Umarov thuộc Trung tâm Carnegie (Moscow) nhận định, khi tình hình kinh tế xấu đi và đại dịch COVID-19 còn hoành hành, Uzbekistan, Tajikistan, Kazakhstan - 3 nước Mỹ đang tiếp cận - khó đồng ý nhận công dân Afghanistan từng hỗ trợ quân đội Mỹ sang lánh nạn.

us.jpg
Mỹ đã hoàn thành 90% kế hoạch rút quân - Ảnh: Reuters

Trở ngại mà Washington đối mặt có thể thấy rõ ở Tajikistan. Nước này từng cho máy bay quân sự Mỹ dùng một sân bay làm điểm tiếp liệu phục vụ cho hoạt động sau vụ khủng bố 11.9, nhưng quan hệ song phương đang ngày một "băng giá". Tổng thống Emomali Rahmon từ năm 2002 đến nay chưa sang thăm Mỹ lần nào.

Về kinh tế, Tajikistan phụ thuộc Nga cùng Trung Quốc. Kiều hối của công dân Tajikistan làm việc tại Nga chiếm hơn 20% GDP năm 2020 đất nước, các khoản vay Trung Quốc cũng chiếm hơn 20% GDP.

Về quân sự, Tajikistan nằm trong Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO) lập ra từ thời Liên Xô và cho Nga đặt căn cứ trên lãnh thổ.

Nhà nghiên cứu Umarov đánh giá Nga, Trung có nhiều lý do để ngăn Mỹ đưa lực lượng đến Tajikistan hay bất cứ quốc gia Trung Á nào khác. 20 năm trước tất cả đều quan ngại chủ nghĩa khủng bố, nay khủng bố đã suy yếu nhường chỗ cho cạnh tranh nước lớn ngày càng gay gắt. Đặc biệt Moscow xem những gì Washington thực hiện ở Afghanistan là nỗ lực hòng làm xói mòn ảnh hưởng của họ.

“Các nước Trung Á sẽ không đặt mạo hiểm mối quan hệ lâu dài với Nga, Trung cho việc giúp đỡ Mỹ”, theo nhà nghiên cứu Umarov.

2 học giả Jeffrey Mankoff thuộc đại học Quốc phòng quốc gia Mỹ và Cyrus Newlin thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) phân tích dù biết rõ lực lượng Mỹ cùng đồng minh rút đi đem lại rủi ro cho an ninh khu vực, Nga và Trung Quốc đồng thời cũng nhìn ra cơ hội tận dụng khoảng trống nhằm xây dựng vị thế thế lực trung gian đàm phán ở khu vực.

Mỹ còn lựa chọn nào?

Trong số láng giềng còn lại của Afghanistan – Trung Quốc, Iran, Pakistan, Uzbekistan, Turkmenistan thì Mỹ có rất ít lựa chọn. Trung Quốc và Iran chắc chắn không được, Pakistan thì tuần trước từ chối thẳng thừng, Turkmenistan không hứng thú hợp tác với Mỹ và còn phụ thuộc Trung Quốc về kinh tế nhiều hơn các nước lân cận.

Uzbekistan là lựa chọn khả dĩ nhất: ít phụ thuộc Nga hay Trung Quốc về kinh tế, không phải thành viên CSTO, hiện chưa cho quân đội nước ngoài nào đồn trú trên lãnh thổ, Tổng thống Shavkat Mirziyoyev nối lại quan hệ với Mỹ và vừa công du Washington gần đây.

Ngoài ra, Uzbekistan cũng từng cho quân Mỹ đồn trú giai đoạn 2001 - 2005. Giai đoạn 2013 - 2015 họ còn cho NATO đặt văn phòng liên lạc tại Trung Á.

Tất nhiên, việc cho Mỹ đồn trú ở thời điểm hiện tại sẽ nhận phải áp lực lớn từ Nga cùng Trung Quốc, đồng thời vấp phải sự phản kháng từ người dân trong nước vốn không muốn can thiệp tình hình Afghanistan. Luật hiện hành không cho nước ngoài lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ Uzbekistan cũng đem lại cản trở lớn.

Thậm chí, khi đồng ý thì Uzbekistan nhiều khả năng sẽ giới hạn hoạt động của quân đội Mỹ. Xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp cũng là vấn đề cần quan tâm đến, theo tướng Petraeus.

us1.jpg
Mỹ không có nhiều lựa chọn - Ảnh: Google Maps

Nhà Trắng có thể nhìn xa hơn, chẳng hạn Kyrgyzstan – quốc gia không có chung biên giới với Afghanistan nhưng từng cho Mỹ đồn trú. Nhưng nước này có một số điểm bất lợi tương tự Tajikistan: phụ thuộc Nga và Trung Quốc về kinh tế, thành viên CSTO, cho Nga đặt căn cứ trên lãnh thổ. Ngoài ra, chính trị ở Kyrgyzstan cũng bất ổn với 3 cuộc cách mạng trong vòng 15 năm qua.

Để thuyết phục quốc gia Trung Á nào đó cho phép đồn trú, Washington có thể tận dụng đòn bẩy kinh tế cùng uy tín quốc tế – ví dụ như giúp Uzbekistan trở thành thành viên Tổ chức Thương mại thế giới. Nhà nghiên cứu Umarov chỉ rằng cách duy nhất Washington sử dụng được chính là chứng minh hợp tác với Mỹ đem lại lợi chính trị lẫn kinh tế đủ sức bù đắp thiệt hại do làm mất lòng Nga, Trung.

Cẩm Bình