Thu hút đầu tư cho các loại hình dự án khác nhau vào khu công nghệ cao
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 19:18, 09/07/2021
Thuận lợi cho việc thu hút đầu tư
Theo Bộ KH-CN, sự ra đời của Luật Công nghệ cao năm 2008 đã thể chế hóa các chính sách lớn về ứng dụng và phát triển công nghệ cao ở nước ta, trong đó việc thúc đẩy sự phát triển công nghệ cao được tập trung chủ yếu thông qua một số nhiệm vụ chủ chốt, trong đó có tập trung nguồn lực xây dựng và phát triển các khu công nghệ cao, các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...
Từ sau khi Luật Công nghệ cao ra đời đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã tiếp tục quyết định thành lập thêm Khu Công nghệ cao Đà Nẵng (năm 2002) và Khu Công nghệ cao công nghệ sinh học Đồng Nai (năm 2016).
Về phát triển hạ tầng kỹ thuật, Bộ KH-CN cho biết trong thời gian qua, các khu công nghệ cao về cơ bản đã được quan tâm tăng cường đầu tư xây dựng, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, thuận lợi cho việc thu hút đầu tư.
Về thu hút đầu tư, đến thời điểm hiện tại, 3 Khu công nghệ cao quốc gia đã thu hút được 286 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó khoảng 1/4 là các dự án FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 13 tỉ USD. Đến nay, 3 Khu Công nghệ cao quốc gia đã thu hút thành công nhiều tập đoàn lớn, uy tín trên thế giới và trong nước tới đầu tư dự án vào/trong khu công nghệ cao như Intel, Samsung, Nidec, Hanwha, FPT, VNPT, Vingroup ….
Về hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khu công nghệ cao, tổng giá trị sản xuất năm 2019 đạt gần 20 tỉ USD. Năm 2020 mặc dù có ảnh hưởng COVID-19 nhưng giá trị sản xuất vẫn đạt được hơn 21 tỉ USD cả năm.
Ngoài ra, Bộ KH-CN cho biết trong những năm qua, các khu công nghệ cao cũng đã rất quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng KH-CN, tạo dựng môi trường thuận lợi cho các hoạt động R&D, đào tạo nhân lực công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao và khởi nghiệp...
Phục vụ mục tiêu phát triển khu công nghệ cao
Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 24.3.2020 của Chính phủ về việc thông qua đề nghị xây dựng Nghị định quy định về khu công nghệ cao và ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ về việc thời hạn trình Nghị định quy định về khu công nghệ cao, Bộ KH-CN đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về khu công nghệ cao...
Dự thảo Nghị định gồm 7 Chương, 33 điều. Với nội dung “Quy hoạch xây dựng, giải phóng mặt bằng, quản lý đất đai, xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội khu công nghệ cao” đã quy định cụ thể về nguồn vốn đầu tư xây dựng khu công nghệ cao; quy hoạch xây dựng khu công nghệ cao; bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư...
Đối với các loại hình hoạt động trong khu công nghệ cao, dự thảo Nghị định của Bộ KH-CN nêu rõ: “Các loại hình hoạt động phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ của khu công nghệ cao, bao gồm nghiên cứu và triển khai, phát triển công nghệ cao; đào tạo nhân lực công nghệ cao; ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao...”.
Theo Bộ KH-CN, tại dự thảo Nghị định này, việc cụ thể hóa các loại hình hoạt động trong khu công nghệ cao (các hoạt động này thể hiện dưới hình thức dự án đầu tư), cũng như làm rõ khung tiêu chí đối với từng loại hình, tiêu chí cụ thể với một số loại hình (giao Bộ KH-CN quy định một số tiêu chí cụ thể) sẽ đảm bảo đủ hành lang pháp lý thu hút đầu tư cho các loại hình dự án khác nhau vào khu công nghệ cao, phục vụ mục tiêu phát triển khu công nghệ cao...