Tiêm mũi vắc xin thứ 3 để chống COVID-19 có tác dụng thế nào?
Quốc tế - Ngày đăng : 11:15, 10/07/2021
Pfizer và BioNTech đã thông báo rằng mũi vắc xin thứ 3 của họ sẽ được tiêm sau liều thứ 2 là 6 tháng để bảo đảm “mức độ bảo vệ cao nhất” ở những người đã được tiêm chủng. Người phát ngôn của hãng Pfizer chia sẻ với CNN rằng công ty đã có kế hoạch nộp đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp liều vắc xin tăng cường lên Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) vào tháng 8 tới.
Chỉ vài giờ sau khi thông báo của hãng Pfizer, FDA và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã ra tuyên bố chung rằng người Mỹ hiện chưa cần tiêm thêm liều vắc xin vì những người đã được tiêm chủng đầy đủ có nguy cơ lây nhiễm thấp, ngay cả từ biến chủng Delta. Trong khi đó những người chưa tiêm phòng nên “tiêm phòng càng sớm càng tốt để bảo vệ cộng đồng”.
Tuyên bố cho biết: “Chúng tôi đã chuẩn bị các liều vắc xin tăng cường nếu khoa học chứng minh rằng chúng cần thiết. Nhưng hiện nay mọi bằng chứng chưa rõ ràng và vẫn còn nhiều điều cần tìm hiểu về nhu cầu tiêm thêm liều tăng cường. Chúng tôi tôn trọng những gì công ty dược phẩm đang làm nhưng người dân Mỹ nên nghe theo lời khuyên từ CDC và FDA”.
Giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia, tiến sĩ Anthony Fauci nói với CNN hôm 9.7: “Thông điệp rất rõ ràng. CDC và FDA nói rằng nếu bạn đã được tiêm chủng đầy đủ vào thời điểm này, bạn không cần tiêm nhắc lại”.
Ông Fauci cũng cho biết Giám đốc điều hành Pfizer Albert Bourla đã xin lỗi ông vì không báo trước việc công ty đang có kế hoạch xin cấp phép liều tiêm thứ 3.
Một số bằng chứng thực tế về khả năng miễn dịch suy giảm với vắc xin COVID-19 của hãng Pfizer đã xuất hiện ở Isarel. Chính phủ Israel cho biết tính đến ngày 6.6, vắc xin có khả năng bảo vệ 64% chống lại COVID-19 với những người không có triệu chứng và triệu chứng nhẹ, hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh nặng và phải nhập viện.
Khi nói đến việc liệu có cần việc tiêm thêm các liều tăng cường để giúp cơ thể con người chống lại các biến thể mới hay không, Schaffner, một quan chức y tế cho biết vắc xin Pfizer và các loại khác đã được chứng minh là vẫn đảm bảo mức độ hiệu quả nên những người đã tiêm chủng đầy đủ không nên quá lo lắng.
Trong tương lai, một số người có thể được hưởng lợi từ việc tiêm liều vắc xin tăng cường. Schaffner cho biết những bệnh nhân thuộc nhóm này chiếm từ 2 - 4% dân số Mỹ. Ví dụ những người cấy ghép nội tạng có thể không phản ứng đầy đủ với vắc xin COVID-19 vì họ dùng thuốc ức chế hệ thống miễn dịch. Điều đó có thể làm giảm hiệu quả của với vắc xin.
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Annals of Intenal Medicine, liều thứ 3 của vắc xin COVID-19 có thể giúp tăng mức độ kháng thể ở một số người được ghép nội tạng, những người không có phản ứng mạnh mẽ với việc tiêm chủng tiêu chuẩn.
Một nghiên cứu cho thấy một số bệnh nhân không có kháng thể sau khi được tiêm đầy đủ 2 liều vắc xin, thì 1/3 trong số họ cho thấy sự gia tăng kháng thể sau liều thứ 3 và những người có kháng thể thấp khi tiêm 2 liều đã tăng lên đáng kể sau khi tiêm liều thứ 3.
Nhưng không có nhiều dữ liệu về việc tiêm chủng ở những người bị suy giảm miễn dịch vì các công ty dược phẩm khi thử nghiệm lâm sàng vắc xin COVID-19 đã loại trừ những người đang dùng thuốc ức chế miễn dịch do những nguy cơ tiềm ẩn.
Trong cuộc họp vào tháng trước, hội đồng ACIP của CDC đã thảo luận các vấn đề về nhóm người có nguy cơ cao mắc COVID-19 gồm bệnh nhân suy giảm miễn dịch, những người đang phải điều trị dài hạn, người lớn tuổi và nhân viên y tế có thể được hưởng lợi từ việc tiêm liều vắc xin tăng cường hơn những người bình thường.
Tiến sĩ Camille Kotton, thành viên ACIP, người chăm sóc bệnh nhân suy giảm miễn dịch tại Bệnh viện đa khoa Massachusetts cho biết: Cá nhân tôi thấy một số người đã tử vong sau khi tiêm 2 liều vắc xin mRNA bởi vì chúng tôi tin rằng họ bị suy giảm miễn dịch và không được bảo vệ đầy đủ. Do vậy đối với tôi, liều vắc xin tăng cường là điều quan trọng mà chúng ta cần quan tâm và thực hiện càng nhanh càng tốt”.
Kotton cũng khuyến khích các đồng nghiệp trong hội đồng xem xét tiến hành các khuyến nghị về việc tiêm nhắc lại “ngay khi có đủ cơ sở khoa học để đưa ra quyết định”.
“Tôi sẽ đợi thêm những dữ liệu mới. Đây là một chủ đề nóng”, Kotton nhấn mạnh.