Campuchia nhận thêm 4 triệu liều vắc xin Trung Quốc, tiêm chủng hơn 4,79 triệu người nhưng số ca COVID-19 vẫn tăng cao
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 17:15, 10/07/2021
Quốc vụ khanh Bộ Y tế Campuchia - bà Youk Sambath cho biết nước này vừa nhận thêm 3 triệu liều vắc xin Sinovac và 1 triệu liều vắc xin Sinopharm.
Từ ngày 7.2 đến ngày 6.7, Campuchia đã nhận được 12 triệu liều vắc xin COVID-19. Trong đó, 2,2 triệu liều là vắc xin Sinopharm; 324.000 liều vắc xin AstraZeneca và 9,5 triệu liều được chính phủ đặt hàng, chủ yếu là Sinovac.
Theo tờ Khmer Times, Campuchia đã tiêm chủng cho hơn 4,79 triệu người, chiếm hơn 47,93% theo kế hoạch bao phủ vắc xin cho 10 triệu người. Dù vậy, số ca mắc COVID-19 ở Campuchia vẫn tăng cao với tổng số bệnh nhân từ trước đến nay gần 60.000.
Thêm một ngày nữa, số ca mắc COVID-19 hàng ngày ở Campuchia gần 1.000. Số bệnh nhân tăng vọt trong 2 tuần qua, không có dấu hiệu giảm bớt.
Campuchia hôm nay công bố 933 trường hợp mắc COVID-19 mới và dường như không có dấu hiệu kết thúc làn sóng ca bệnh lẫn tử vong cao tăng cao.
Điều này đồng nghĩa tổng số ca mắc COVID-19 ở Campuchia hiện là 59.978, khác xa so với trước khi xảy ra sự cố ngày 20.2, khi cả nước chỉ ghi nhận tổng số 500 trường hợp.
Campuchia cũng công bố thêm 26 người chết vì COVID-19, nâng tổng số ca lên 881, cho thấy sự trở lại của con số tử vong nhiều của một vài ngày trước.
Đã có sự bùng nổ về số bệnh nhân chết vì COVID-19 được báo cáo trong 2 tuần qua với hơn 30% số ca tử vong của Campuchia trong giai đoạn này.
Khoảng thời gian kéo dài với số ca COVID-19 tăng cao khiến các nhà quan sát cho rằng chính phủ phải sớm có hành động dứt khoát, nếu không Campuchia có thể sớm phải đối mặt với số lượng bệnh nhân lớn hơn như các nước láng giềng Đông Nam Á, chẳng hạn Thái Lan.
Theo đó, tin tức các hoạt động và việc kinh doanh 'rủi ro cao' ở thủ đô Phnom Penh bị đình chỉ trong 14 ngày nữa kể từ hôm nay chắc chắn là động thái đáng hoan nghênh, nhưng các biện pháp hà khắc hơn có thể đang được thực hiện với nước này.
Điều cần quan tâm là số lượng lớn các ca mắc COVID-19 nhập khẩu đang tích lũy hàng ngày. Nổi bật là 200 trường hợp được báo cáo hôm nay, làm dấy lên lo ngại về các biến thể Alpha từ Anh và Delta từ Ấn Độ mà họ mang đến Campuchia.
Thủ tướng Campuchia - Hun Sen đã chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch COVID-19 tại các khu vực biên giới, đặc biệt ở những nơi giáp Thái Lan, nhằm ngăn chặn biến thể Delta xâm nhập.
Tại cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng Campuchia ngày 9.7, Thủ tướng Hun Sen đã bày tỏ sự lo ngại trước thực trạng số ca COVID-19 là lao động nhập cảnh từ Thái Lan, hầu hết qua cửa khẩu hai tỉnh Banteay Meanchey và Oddar Meanchey của Campuchia.
Thủ tướng Hun Sen đánh giá: “Trước đây chỉ có từ 20 đến 30 ca mắc COVID-19 trong số 1.000 lao động từ Thái Lan nhập cảnh, nhưng tình hình hiện nay đã khác, khi có hơn 100 ca COVID-19 trong số 300 lao động nhập cảnh và sau đó lên đến gần 200 ca trong số 500 lao động nhập cảnh”.
Căn cứ diễn biến dịch bệnh, Thủ tướng Hun Sen chỉ đạo cơ quan chức năng trong nước tăng cường kiểm dịch tại biên giới Campuchia - Thái Lan để ngăn chặn sự lây nhiễm của biến thể Delta trong lúc Alpha vẫn đang lây lan trong cộng đồng tại Campuchia. Thủ tướng Hun Sen cảnh báo: “Nếu chúng ta không thể ngăn chặn biến thể Delta xâm nhập cộng đồng, đó sẽ là thảm họa thực sự”.
Thông tin chi tiết về nguồn gốc của những ca COVID-19 nhập khẩu này vẫn chưa được công bố, song với việc các nước láng giềng của Campuchia báo cáo gia tăng bệnh nhân thì dự báo có vẻ không khả quan.
Đến nay, Campuchia ghi nhận 55.683 ca mắc COVID-19 cộng đồng và 4.295 trường hợp nhập khẩu.
743 người khỏi bệnh được công bố ngày hôm nay. Tổng số ca mắc COVID-19 đang hoạt động đã tăng nhẹ trở lại lên 7.430, từ khoảng 5.000 vào đầu tuần trước.
Tất cả hoạt động và việc kinh doanh 'rủi ro cao' bị đình chỉ ở Phnom Penh trong 14 ngày
Chính quyền Phnom Penh đã đưa ra quyết định đình chỉ tất cả các hoạt động và kinh doanh có "rủi ro cao" ở thủ đô Campuchia trong 14 ngày nữa kể từ 0 giờ ngày 10.7 đến ngày 23.7. Cụ thể là:
Trường học, bao gồm cả trường dạy nghề công lập và tư thục.
Các loại hình kinh doanh như karaoke, quán bar, vũ trường, vườn bia và sòng bạc, resort, bảo tàng và khu vui chơi, mát xa, rạp chiếu phim, rạp nghệ thuật, câu lạc bộ thể dục, thể thao.
Các cuộc tụ tập lớn riêng tư từ 15 người trở lên cũng tạm thời bị cấm, nhưng có một số trường hợp ngoại lệ.
Tụ tập các thành viên trong gia đình và họ hàng sống tại một khu nhà ở hoặc khu nhà trọ.
Tổ chức tang lễ theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Động thái này diễn ra sau khi số ca tiếp tục tăng ở Phnom Penh và các tỉnh.
Bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà được yêu cầu vứt rác đúng cách
Bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại nhà được yêu cầu vứt bỏ tất cả thùng rác của họ đúng cách để không lây nhiễm cho những người thu gom rác và những người xung quanh.
Thống đốc Phnom Penh - ông Khuong Sreng đã cho biết, dù chính phủ cho phép người dân phục hồi sức khỏe tại nhà, nhưng điều quan trọng không kém là họ phải chịu trách nhiệm đủ để không lây bệnh cho người khác và cũng phải vứt rác đúng cách.
Ông Khuong Sreng cho biết bệnh nhân COVID-19 phải vứt rác riêng và cũng phải đảm bảo rằng họ không để lẫn đồ đạc cùng thùng rác của mình với những người khác trong nhà.
“Tất cả thùng rác, túi đựng rác COVID-19 phải được khử trùng hoàn toàn và đựng bên trong một gói màu vàng để người thu gom rác xử lý an toàn khi mang về để tiêu hủy. Vui lòng tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn của chính quyền địa phương và y tế khi vứt bỏ thùng rác đã qua sử dụng”, ông Khuong Sreng nói thêm.
Thống đốc Phnom Penh nói nhà chức trách sẽ cung cấp một gói hàng hóa 15 kg để các bệnh nhân COVID-19 có thể ở trong nhà ít nhất 5 ngày trước khi mang ra ngoài cho nhân viên vệ sinh thu gom.
Ông nói thêm: “Những người được điều trị tại nhà không nên vứt rác một cách vô trách nhiệm hàng ngày mà phải theo hướng dẫn”.
Những người không tuân theo các hướng dẫn được đưa ra và truyền bệnh cho người khác sẽ phải đối mặt với hậu quả gồm cả việc khởi kiện theo quy định của pháp luật.
Tại Phnom Penh, khoảng 3.000 tấn rác được thu gom mỗi ngày.
Sự kiện ngày 20.0 liên quan người Trung Quốc
Đến trước ngày 20.2.2021, Campuchia chỉ ghi nhận 500 ca mắc COVID-19 và không có người tử vong. Thế nhưng, tình hình diễn biến xấu nhanh chóng từ ngày 20.2 khi xuất hiện ổ dịch bắt nguồn từ một nhóm cộng đồng người Trung Quốc ở đảo Koh Pich, Thủ đô Phnom Penh, trong đó có ca dương tính với SARS-CoV-2 trốn cách ly ra ngoài.
Hôm 20.2, Campuchia công bố đợt bùng phát dịch COVID-19 trong cộng đồng sau khi phát hiện 32 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Đợt bùng phát dịch COVID-19 này được cho là có liên quan tới nhóm du khách Trung Quốc trốn cách ly.
Sau khi truy vết, các nhà chức trách Campuchia phát hiện 4 người Trung Quốc đã hối lộ cho nhân viên bảo vệ khách sạn Sokha ở Phnom Penh để ra ngoài vài ngày trước.
Họ đã lưu trú ở một số khu vực xung quanh Thủ đô Phnom Penh của Campuchia trong vài ngày. Hai người trong số đó mắc COVID -19.
Hôm 22.2, hãng tin Khmer Times cho biết ổ dịch COVID-19 tại cộng đồng người Trung Quốc ở đảo Koh Pich đã tăng lên 78 ca tính dương tính với SARS-CoV-2 chỉ sau 2 ngày kể từ khi phát hiện ca đầu tiên.
Thủ tướng Hun Sen lúc đó cho biết tình hình "rất tồi tệ", đồng thời hy vọng nó có thể được kiểm soát. Dù vậy, ông đã kêu gọi người dân không phân biệt đối xử với công dân Trung Quốc vì đợt bùng phát dịch này. Ông Hun Sen yêu cầu người dân đeo khẩu trang và thực hiện quy tắc giãn cách xã hội.
Theo nhà lãnh đạo Campuchia, đợt bùng phát dịch COVID-19 trong cộng đồng lần này bắt nguồn từ một hộp đêm hiện đã bị đóng cửa.
Đến ngày 11.3, Campuchia ghi nhận ca tử vong đầu tiên do COVID-19, cũng liên quan người Trung Quốc, hơn 1 năm kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Bộ Y tế nước này cho biết một người đàn ông Campuchia 50 tuổi đã chết vì coronavirus tại Bệnh viện Hữu nghị Khmer X- Xô Viết Khmer ở Thủ đô Phnom Penh lúc 10 giờ 40 sáng 11.3.
Được chẩn đoán nhiễm COVID-19 vào ngày 27.2, người chết là tài xế (ở thành phố biển Sihanoukville) cho một công dân Trung Quốc cũng bị nhiễm bệnh. Cả hai trường hợp đều liên quan đến một đợt bùng phát ở Campuchia được gọi là "sự kiện ngày 20.2".
Ngay sau đó, các nhà chức trách đã phong tỏa khoảng 20 điểm nóng xung quanh Phnom Penh, đóng cửa một số trường học và thiết lập "lệnh cấm có giới hạn" với thể thao. Họ cũng đã ra lệnh đóng cửa các tụ điểm giải trí, với tâm chấn của đợt bùng phát COVID-19 được xác định là một hộp đêm.