Ông Dương Ngọc Dũng đã mắc nhiều sai lầm khi 'mách nước' cho Tổng thống Obama
Giáo dục - Ngày đăng : 11:20, 07/06/2016
Tôi là Phật tử Mật Quang Minh, tác giả bài viết “Độc giả không đồng tình việc ngăn Tổng thống Obama thắp hương ở chùa Ngọc Hoàng". Tôi có đôi lời muốn chia sẻ với những luận điểm mà độc giả Thiên Lang dành cho bài viết của tác giả Phạm Đức Dũng.
Trước tiên, tôi hoan hỷ khi BBT báo điện tử Một Thế Giới đã tiếp thu ý kiến bạn đọc và tiếp tục đăng đàn để làm rõ đâu là thực chất vấn đề. Hoan hỷ quý báo đã công khai minh bạch và làm tròn trách nhiệm người làm báo của mình. Đồng thời, tôi cảm ơn độc giả Thiên Lang đã có phản hồi qua bài viết Cần làm rõ ý Tổng thống Obama thắp hương lễ Phật thì không tốt về sau . Mục đích đối luận ở đây không nhằm phân định thắng thua nhưng cần minh định rõ ràng để đạo Phật tránh bị ô nhiễm, xen tạp với những tín ngưỡng văn hóa dân gian.
Đức Phật đã từng dạy: “Này các Tỳ kheo! tâm dua vậy, với Đạo trái nghịch, vậy nên phải dùng tâm ngay thẳng. Phải biết tâm dua vậy chỉ để dối gạt. Người vào Đạo thời không làm vậy. Vậy nên các người hãy dùng tâm đoan chánh ngay thẳng làm gốc” (Trích Kinh Chánh Hạnh). Đồng thời, trong Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm Tàm quý, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, 1997, tr.295) đã viết “Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: Có hai hạng người này ở trong chúng Như Lai mà lại khởi lên sự phỉ báng. Thế nào là hai người? Là pháp sai nói là pháp đúng; nói pháp đúng là pháp sai. Đó là hai người phỉ báng Như Lai”.
Phật tử Mật Quang Minh xin tiếp tục trao đổi với độc giả Thiên Lang về những quan điểm trái chiều xung quanh những giải thích sai lầm về tri kiến Phật đà, thông qua bài báo “Người hướng dẫn ông Obama ở chùa Ngọc Hoàng kể gì?”
Thứ nhất, xét về vai trò người hướng dẫn Tổng Thống Obama:
Ông Dương Ngọc Dũng là tiến sĩ tôn giáo, vì vậy những phát biểu của ông tiến sĩ sẽ ảnh hưởng lớn đến các quan niệm về tôn giáo, do vậy nên phát biểu những gì đi vào thực nghĩa tôn giáo. Như vậy mới là đúng trách nhiệm của mình. Những gì là tín ngưỡng dân gian thuộc về phạm trù văn hóa không nên bàn tới ở đây.
Vấn đề bạn Thiên Lang đưa ra bằng cụm từ: “the people believe that…” để bao che cho việc ông Dương Ngọc Dũng đưa ra những lập luận sai chánh kiến Phật môn, gieo rắc mê tín là không hợp lý. Nếu đứng cương vị một người bình thường, không có chuyên môn về tôn giáo và học hàm tiến sỹ khoa tôn giáo thì có thể chấp nhận được vì nghe theo tin đồn “người dân tin rằng”. Ở đây, ông tiến sỹ tôn giáo đã được học để trang bị kiến thức thì không thể đánh đồng như những người không có chuyên môn. Hơn nữa, việc giới thiệu các tri thức Phật học liên quan đến chùa Ngọc Hoàng với Tổng thống cần có sự phù hợp với tính quốc độ, dân tộc và thời đại. Trong khi đó, ông Dương Ngọc Dũng đã dựa trên kiến thức hiểu biết về Phật học của mình đã đánh đồng với văn hóa dân gian, mang nặng màu sắc mê tín dị đoan để giải thích sai quan điểm và chủ trương đổi mới và hội nhập của nhà nước Việt Nam đang trong thời kì hội nhập: cụ thể là bài trừ mê tín dị đoan, nâng cao ý thức văn hóa, văn minh trong tín ngưỡng của nhân dân, đặc biệt vấn đề bình đẳng giới luôn được quan tâm.
Tôi thấy bài viết Độc giả chất vấn Người hướng dẫn ông Obama ở chùa Ngọc Hoàng của ông Phạm Đức Dũng là sự nhìn nhận, suy nghĩ về bản chất chân thật của sự vật hiện tượng dựa lăng kính Phật Đà, theo Thánh giáo lượng, có luận cứ, luận chứng rõ ràng. Còn sự phản hồi của Thiên Lang về bài viết của Phạm Đức Dũng đều là ý chủ quan của mình. Nếu là một người có trí tuệ về Phật pháp cần dựa trên thánh giáo lượng, luận điểm, luận chứng, luận cứ nhà Phật để chứng minh sự nhận định của mình là đúng.
Đức Phật đã dạy: “Này các tỳ kheo, tâm ý của mình không đáng tin cậy. Đừng tin vào tâm ý của mình khi chưa đắc Thánh quả!” (Trích kinh Tứ thập nhị chương)”. Là tỳ kheo đã và đang tu tập mà đức Phật còn dạy vậy huống chi là người không tu tập thì tâm ý chủ quan sẽ nguy hại biết chứng nào?
Một trong những ý chủ quan nguy hại mà Thiên Lang lại khẳng định như sau: “Độc giả lại một lần nữa hiểu lầm chữ “không tốt về sau” mà ông Dũng dùng. Đối tượng không tốt ở đây chính là tôn giáo của ông Obama. Obama theo đạo Tin lành, vốn cấm các hình thức lễ bái thờ phụng với các vị thần khác ngoài Chúa. Ông Dũng là một người am tường về tôn giáo nên nhắc nhở Obama, có thể chỉ vì ngoại giao mà ông Obama phạm phải điều luật của đạo mình”. Vậy những suy nghĩ chủ quan của Thiên Lang đã đảm bảo tính đúng đắn chưa? Thiên Lang còn có cho rằng độc giả Dũng là “quá nghiêm trọng” nữa không?
Thứ hai, sự hiểu biết và giải thích chưa chuẩn:
“Thứ hai, độc giả lại một lần nữa hiểu lầm chữ “không tốt về sau” mà ông Dũng dùng. Đối tượng không tốt ở đây chính là tôn giáo của ông Obama. Obama theo đạo Tin lành, vốn cấm các hình thức lễ bái thờ phụng với các vị thần khác ngoài Chúa. Ông Dũng là một người am tường về tôn giáo nên nhắc nhở Obama, vì có thể chỉ vì ngoại giao mà ông Obama phạm phải điều luật của đạo mình. “Không tốt về sau” ở đây chính là trong sinh hoạt Tin lành của ông Obama sau này. Đây là một lời khuyến cáo, ông Obama hoàn toàn có thể quyết định làm hay không. Và thực tế đoạn clip đó không có nên cũng không biết ông Obama có thắp hương không” (Hết trích).
TS. Dũng hiểu như vậy thì quá sai lầm và không có hiểu biết. Trong khi những hoạt động của Tổng thống Obama tại Việt Nam không ngoài vấn đề ngoại giao, có câu “nhập gia tùy tục, đáo giang tùy khúc”. Chuyện ông Obama có cắm nhang hay không, không có liên quan gì đến vấn đề tâm linh, đó chỉ là hoạt động xã giao, ngoại giao khi một chính khách đến địa phương sở tại đều sẽ làm. Do sự hiểu sai lầm của tiến sỹ Dương Ngọc Dũng về tôn giáo nên ông ấy mới ngăn cản tổng thống Obama khi ông ấy muốn thắp nhang, bởi vì đức Phật đã xác quyết: “tất cả chúng sanh đều có Phật tánh” và “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”. Mặc dù ông Obama theo đạo Tin Lành nhưng phật tánh trong ông vẫn có thể hiện hữu. Nếu ông tiến sỹ Dũng thông hiểu tôn giáo thì phải hiểu được điều này, và vấn đề tự do tín ngưỡng, kính ngưỡng đạo Phật, tôn kính đức Phật, một bậc toàn giác làm sao lại “không tốt về sau” được?
Độc giả Thiên Lang cho rằng “việc thắp hương hay quì lạy vốn dĩ cũng không được qui định ngay từ đầu, mà trong thời kỳ Phật giáo phát triển mới đưa thêm vào. Lễ lạy cũng không phải công đức vô thượng nếu người lạy không thành tâm và ngược lại người thành tâm vẫn có thể có phước đức chứ không chỉ hình thức. Với tinh thần từ bi bác ái và tôn trọng tôn giáo của đức Phật, ta có thể nghĩ rằng Phật không thể nào câu chấp những lễ nghi hình thức như vậy nếu nó khiến người lễ bái gặp tội đối với tôn giáo của chính họ” (Hết trích).
Qua đây có thể thấy Thiên Lang chưa hiểu rõ được nghi thức lễ lạy trong Phật giáo. Đây là một trong những hoạt động tâm linh đều có ý nghĩa công đức. Lạy Phật không vì van xin tha tội, không vì cầu mong ban ân, chỉ vì quí kính một đấng lòng từ bi tràn trề, trí giác ngộ viên mãn. Vì quí kính công đức trí tuệ của Phật nên chúng ta lạyi. Lạy Phật để thấy mình còn thấp thỏi ti tiện, bỏ hết những thói ngạo mạn cống cao. Quí kính gương cao cả của Phật để mình noi theo. Phước đức lạy Phật là tại chỗ đó.
Lạy Phật vì dẹp ngã mạn - Bản chất con người chúng ta lúc nào cũng tự cao tự đắc, vênh váo nghênh ngang. Đó là tánh xấu khiến mọi người chán ghét, tiêu mòn công đức. Phật tử biết được cái dở này, kính lạy Phật, Bồ-tát, các bậc tôn túc, để diệt trừ tâm ngã mạn của mình. Kính lạy các ngài là tự mình thấy không bì kịp các ngài, biết mình thấp thì tánh ngạo mạn từ từ biến mất. Khi lạy các ngài không mong một ân sủng nào, chỉ vì một lòng kính trọng đức hạnh của các ngài, tự thấy mình hèn hạ thấp thỏi, thế là mọi công đức từ đó phát sanh. Bởi đứa ăn trộm thì phục kẻ ăn trộm giỏi, chàng võ sĩ thì nể tay vô địch, kính trọng Phật, Bồ-tát, các bậc tôn túc tự nhiên chúng ta có dự phần trong ấy rồi. Quả như câu nói "kính thầy mới được làm thầy". Chúng ta muốn dẹp bỏ những tánh xấu, tập tành đức hạnh, kính lễ những bậc đức hạnh là điều cần thiết vậy.
Lạy Phật vì noi gương - Kính lạy Phật, chính vì chúng ta muốn học đòi noi theo gương của Phật. Tại sao chúng ta phải học đòi theo gương đức Phật? Bởi vì, Phật đã đầy đủ mọi công đức, trí tuệ từ bi viên mãn, nên chúng ta phải học theo. Đây chúng tôi đơn cử một công hạnh nhỏ xíu của Phật, thử xem chúng ta có theo kịp không? Chắc hẳn Phật tử chúng ta đều nhớ câu chuyện: Một hôm, đức Phật một mình mang bình bát vào thôn xóm khất thực, bỗng có một người ngoại đạo biết Phật và biết rõ đi đến đâu ắt đệ tử của chúng đều bỏ đạo qui kính Phật. Nổi tức, ông đi theo sau lưng Phật la mắng đủ điều, Phật vẫn chậm rãi tiến bước đều đều không một lời đối đáp. Đến đầu đường, ông ta chạy đón trước mặt Phật, chặn lại hỏi: Cù-đàm thua ta chưa? Phật ung dung trải tọa cụ xuống đất, ngồi kiết già đọc bài kệ:
Kẻ hơn thì thêm oán
Người thua ngủ chẳng yên
Hơn thua hai đều xả
Ấy được an ổn ngủ.
(Kinh Trung A-hàm)
Vấn đề giải thích ba cây hương biểu trưng cho “tinh, thần, khí” của ông TS Dương Ngọc Dũng là sai với chánh kiến Phật đà, còn nếu ông tiến sỹ Dũng luận giải ba cây hương thể hiện những biểu tượng khác như Tam bảo, Bồ đề tâm, Tánh không, Xả ly hay Giới - Định - Tuệ thì không ai nói gì cả. Bạn Thiên Lang không tập trung vào điểm không đúng theo quỹ đạo chánh kiến của tiến sĩ Dũng để nhìn rõ sự sai lệch trong nhận thức Phật môn của ông Dương Ngọc Dũng ấy như vậy không đúng với tinh thần đối luận. Bản thân độc giả Thiên Long cho rằng: "Nhiều ý kiến còn cho rằng 5 nén hương là ngũ hàng, 7 hay 9 tượng trưng cho hồn vía, hay số lẻ là số may mắn… Rõ ràng, ý nghĩa của hương và việc đốt hương vẫn chưa được thống nhất”. Bạn không giải thích theo quan điểm về tri kiến Phật môn, mà sử dụng đem những quan niệm dân gian, tà kiến để bao biện. Điều này mỗi Phật tử khi đọc đều nhận thấy sai lầm.
Trong “Kinh lời dạy cuối cùng của đức Phật” đã nêu rõ “Này các đệ tử, hý luận chỉ làm cho tâm trí rối loạn. Người xuất gia mà sống hý luận thì không thể đạt được tuệ giác giải thoát. Vì thế các vị phải nhanh chóng từ bỏ vĩnh viễn tâm lý hý luận, vô ích. Diệt trừ các hý luận tạp loạn mới có thể đạt được an lạc tịch diệt”. Vì vậy khi giải thích các vấn đề về Phật học, độc giả Thiên Lang nên tuân thủ trên nền tri kiến của Phật đà để đi đúng quỹ đạo chánh pháp. Để tránh cho nhiều Phật tử mắc phải những tri kiến sai lầm. Đức Phật cũng chỉ rõ trong Kinh Chánh Kiến “Người đời thường nghiêng về hai khuynh hướng nhận thức, một là có, hai là không. Đây là hai quan niệm vướng mắc vào cái tri giác sai lầm. Vì vướng vào tri giác sai lầm đó cho nên mới kẹt vào hoặc “ý niệm có”, hoặc “ý niệm không.” Này Tán-đà Ca-chiên-diên! Phần lớn người đời đều bị kẹt vào chấp mắc và bảo thủ. Người không bị kẹt vào chấp và thủ thì không còn nắm giữ và vọng tưởng về cái ngã nữa”.
Qua bài phân tích đối luận của độc giả Thiên Lang, có nhiều kiến thức chưa đúng, nhằm bao biện cho những lời giải thích sai lầm của tiến sĩ tôn giáo Dương Ngọc Dũng theo quan điểm tri kiến Phật đà. Điều này nếu không luận rõ sẽ khiến nhiều người hiểu sai lầm về Phật học, từ đó lồng ghép yếu tố mê tín.
Lời cuối, Phật tử Mật Quang Minh xin trích lại lời dạy của đức Phật Thích Ca trong “Kinh Lời dạy cuối cùng của đức Phật: "Này các đệ tử, có trí tuệ thì không có tham trước, luôn luôn tự tỉnh thức và tự dò xét, nhờ đó người ấy có khả năng giải thoát trong giáo pháp của Như Lai. Nếu không có trí tuệ thì không xứng danh là bậc xuất gia. Trí tuệ là chiếc thuyền vững chắc vượt qua biển sanh tử, là ngọn đèn sáng chói trong hắc ám vô minh, là dược liệu thần y của mọi bịnh tật và là lưỡi búa bén chặt đứt cây phiền não. Vì thế, các vị cần trau dồi tuệ giác “Văn, Tư, Tu” để tăng trưởng lợi ích. Người có trí tuệ soi chiếu thì dẫu là mắt thịt vẫn là người chánh kiến, thấy rõ bản chất mọi vật”.
Mật Quang Minh