Nữ bác sĩ về hưu trở lại cứu bệnh nhân khi TP.HCM bùng dịch COVID-19
Thông tin Y học - Ngày đăng : 20:08, 11/07/2021
Bà là Nguyễn Thị Kim Tùng - người từng có quãng thời gian gần 30 năm gắn bó với “đại gia đình” Bệnh viện Chợ Rẫy. Dù đã về hưu,
bà Kim Tùng không thể ngồi yên để tận hưởng phút an nhàn của tuổi già khi nhìn thấy hàng trăm y bác sĩ trẻ thuộc lực lượng tình nguyện của Bệnh viện Chợ Rẫy lại hối hả lên đường chi viện cho các bệnh viện điều trị COVID-19 trên địa bàn TP.HCM, với quyết tâm chung tay cùng TP sớm chặn đứng dịch bệnh.
Đã lớn tuổi, mặt đầy những nếp nhăn nhưng nữ bác sĩ này vẫn thể hiện một tinh thần đầy nhiệt huyết, luôn hết lòng vì người bệnh.
Ngày ngày, tại Khoa thận nhân tạo, Bệnh viện Chợ Rẫy, bà Kim Tùng lại cùng các đồng nghiệp trẻ đi thăm khám cho các bệnh nhân.
Ở khoa này, những bệnh nhân suy thận phải chạy thận nhân tạo thường có sức đề kháng kém, thường lớn tuổi và có nhiều nhiều bệnh lý nền kèm theo, nên là những đối tượng rất dễ gặp biến chứng nặng nếu chẳng may nhiễm vi rút SARS-CoV-2. Vì thế, ngoài việc thăm khám, theo dõi sức khỏe, bà còn dành nhiều thời gian để cùng đồng nghiệp động viên, hướng dẫn và nhắc nhở các bệnh nhân chạy thận bảo vệ mình trước những mối nguy cơ.
"Dù biết rằng vai trò của mình cũng chỉ là rất nhỏ, tôi vẫn muốn đóng góp một chút công sức để đền ơn đáp nghĩa với những thế hệ đi trước đã có công xây dựng ngành y tế Việt Nam cũng như tạo nên thương hiệu Bệnh viện Chợ Rẫy ngày nay”, bà Kim Tùng nói.
Với gần 30 năm công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bà Kim Tùng đã làm việc qua nhiều thời giám đốc nên vẫn luôn theo dõi sát sao các công việc tại đây. Với bà, Bệnh viện Chợ Rẫy giống như mái ấm gia đình của mình. Bà xem đồng nghiệp là anh chị em, còn bệnh nhân là những người cha, chú, anh, chị, con, cháu của mình.
Trước tình hình COVID-19 bùng phát mạnh, TP.HCM cũng như cả nước đang chung tay chống dịch một cách triệt để và lực lượng của Bệnh viện Chợ Rẫy được điều phối đi nhiều nơi để hỗ trợ kiểm soát dịch bệnh.
“Với tôi, TP.HCM cũng giống như quê cha đất tổ. Tôi rất đau lòng trước tình hình dịch bệnh càng ngày càng lan rộng ở thành phố. Vì thế, tôi cũng muốn góp chút ít công sức cho nơi mình đang sinh sống, mong sao dịch bệnh qua nhanh và không để lại những hậu quả quá nặng nề”, bà tâm sự.
Bà Kim Tùng vẫn vậy, nhân từ, đầy nhiệt huyết và luôn hết lòng vì người bệnh. Dù bà Tùng đã cống hiến tuổi thanh xuân để cùng bệnh viện thực hiện nhiệm vụ cứu chữa người và về hưu, song trước tình huống cấp bách, khi đồng nghiệp, bệnh viện và người dân cần, trái tim người thầy thuốc trong bà lại vang lên những nhịp đập thôi thúc…