Nếu Tổng thống Obama muốn quy y đạo Phật thì chẳng ai có quyền ngăn cản
Giáo dục - Ngày đăng : 09:11, 05/06/2016
Tôi là Phạm Đức Dũng, tác giả bài viết “Độc giả chất vấn Người hướng dẫn ông Obama ở chùa Ngọc Hoàng ”. Tôi có đôi lời muốn chia sẻ với những luận điểm mà độc giả Thiên Lang dành cho bài viết của mình. Đầu tiên, tôi rất vui khi BBT báo điện tử Một Thế Giới đã tiếp thu ý kiến bạn đọc và tiếp tục đăng đàn để làm rõ đâu là thực chất vấn đề. Tôi có lời cảm ơn độc giả Thiên Lang đã quá mục qua bài viết và phản hồi, điều này thể hiện Thiên Lang là người có quan tâm đến lĩnh vực Phật học.
Đến nay vấn đề tôi đặt ra cho tiến sĩ Dương Ngọc Dũng, cũng như bài viết đạo hữu Mật Quang Minh bây giờ đã một tuần trôi qua mà ông ấy vẫn “im hơi lặng tiếng”. Như vậy, đối tượng bài viết là một tiến sỹ tôn giáo đã hoàn toàn không có phản bác gì trong đối luận về tôn giáo và để cho một bạn đọc là Thiên Lang cất công viết ra như vậy khiến tôi thấy ngại giùm cho “khổ chủ” là ông ấy.
1/ Nếu như ông Dương Ngọc Dũng là một tiến sỹ tôn giáo thì nên phát biểu những gì đi vào thực nghĩa tôn giáo. Như vậy mới là đúng trách nhiệm của mình. Những gì là tín ngưỡng dân gian thuộc về phạm trù văn hóa không nên bàn tới ở đây. Không ít những hình thức tín ngưỡng dân gian như hầu đồng, xin xăm, cúng sao, giải hạn…hoàn toàn là những điều mơ hồ, không phù hợp với lẽ tự nhiên, không có cơ sở khoa học mà có thể xếp vào dạng mê tín dị đoan.
Lẽ nào việc cầu nguyện trong đạo Phật không có gì hay ho, Chánh Kiến theo lời Phật hay sao mà phải mượn một hình thức tín ngưỡng dân gian lấp vào đây? Chưa nói đến vấn đề Chánh Kiến, việc phát biểu một vấn đề với một Tổng thống thế này cần có sự phù hợp với tính Quốc Độ, Dân Tộc và Thời Đại. Ông Dương Ngọc Dũng phát biểu như thế khác nào ngầm bảo Nhà Nước không làm tốt công tác quản lý tuyên truyền Kế Hoạch Hóa Gia Đình, Bình Đẳng Giới, Bài Trừ Mê Tín Dị Đoan? Trình bày vấn đề với một người thường và với lãnh đạo một quốc gia phải khác nhau chứ. Tôi không biết Tổng Thống Obama nghĩ gì về đạo Phật, nhưng trong mười phút đó, ông ấy được hướng dẫn về đạo Phật từ một người là Tiến Sỹ Tôn Giáo hẳn hoi thì những lời đó có sức ảnh hưởng không nhỏ. Làm sao Thiên Lang biết được Tổng Thống có dựa vào phương tiện khác để tìm hiểu không? Nếu như ông ta để lại những hiểu lầm đáng tiếc thì e khó có cơ hội lần thứ hai để mà cứu vãn. “Tiền trách Kỷ, Hậu trách Nhân” chứ sao lại cho rằng tùy người khác hiểu sao thì hiểu?
2/ Như ý tôi đã nói, lời nói của Ts. Dương Ngọc Dũng làm “khẳng định chúng sanh ở các tôn giáo khác bị ngăn ngại khi muốn tìm hiểu và bày tỏ lòng ngưỡng mộ với Đức Phật”. Ông ta đã phạm vào Tự Do Tôn Giáo và Tự Do Tín Ngưỡng. Tổng Thống Obama bày tỏ ý định muốn thắp hương là một việc làm theo ý nguyện của ông ấy chứ không bị ai thúc ép. Đây là một việc làm hoàn toàn tự do. Lẽ nào Ts. Dương Ngọc Dũng sợ rằng Tổng Thống sẽ chịu những hình thức đối xử nặng nề như ở thời Trung Cổ hay sao? Không chỉ thắp hương, mà kể cả hôm đó Tổng Thống muốn quy y Đạo Phật cũng hoàn toàn là ý nguyện của Ngài. Kể cả một Mục Sư Tin Lành cũng không thể ngăn cản một người đi tìm hiểu tôn giáo khác theo ý nguyện của họ, phù hợp Hiến Pháp và Pháp Luật, chứ đừng nói là ông Dương Ngọc Dũng. Nước Mỹ là một nước đề cao Nhân Quyền chứ không phải Thần Quyền mà để cho người khác “hù dọa” là tốt hay không tốt về sau. Nếu biết “không tốt về sau” thì sao ngay từ đầu ông Dương Ngọc Dũng không ngăn cản Tổng Thống bước chân vào một ngôi chùa Phật Giáo luôn?
Tôi cho rằng hành động tìm hiểu một ngôi chùa Phật Giáo của Tổng Thống Obama thể hiện tinh thần văn minh tự do Tôn Giáo rất đáng học hỏi của người Mỹ. Là hành động xóa tan sự ngần ngại của người ở tôn giáo khác khi muốn tìm hiểu Phật Giáo, kể cả ở chiều ngược lại. Ông Dương Ngọc Dũng có hoan hỷ với tinh thần này chăng hay ngăn cản Tổng Thống “đáo giang tùy khúc, nhập gia tùy tục”? Lại nữa, đạo Phật là đạo đề cao “Tự Giác, Giác Tha, Giác Hạnh Viên Mãn” thì tự mình thắp hương tốt hơn nhờ người khác làm giùm mình chứ.
Ngoài ra, tôi không viết điều này khiến người khác “không hiểu đạo Phật” như Thiên Lang “kết luận vội vàng”. Đơn giản là điều này khiến họ không phát huy được tinh thần Tự Giác của nhà Phật, tăng trưởng mặc cảm khi mình thuộc về một tôn giáo khác. Đạo Phật đúng là không chấp hình thức nhưng đạo Phật không phải đạo làm giùm, tu giùm. Điều mà Thiên Làng cho rằng thuộc về quan niệm dân gian và suy tưởng của ông, không phải điều Phật dạy: "Hãy sống, tự mình làm hòn đảo cho chính mình, này các Tỳ kheo, hãy nương tựa với chính mình, không nương tựa một ai khác. Hãy lấy pháp làm hòn đảo, hãy lấy pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một ai khác". (Kinh Tương Ưng III)
3/ Thiên Lang cho rằng thắp hương vốn phát triển vào thời kỳ sau này nhưng người Phật Tử hoàn toàn có thể “Y Nghĩa bất Y Ngữ” mà dẫn luận về Phật Học. làm sao liên hệ đến Phật Pháp một cách rốt ráo chứ không phải mượn từ Đạo Giáo sang như ông Dương Ngọc Dũng đã trình bày.
4/ Tôi không chủ quan khi cho rằng ông Dũng nhầm lẫn danh từ “phái Hoa Tông” ở đây. Chính xác là cả bài viết rất khó có sự sai lệch so với những gì ông Dũng nói. Bởi lẽ khi tác giả phỏng vấn bài viết này xong sẽ có sự tham khảo với ông Dương Ngọc Dũng trước khi đăng đàn. Nếu thấy có sai sót thì trên cương vị của mình, ông Dũng phải chỉnh lý ngay trước khi thành bài. Nếu ông ấy không chỉnh lý thì chỉ có thể nhận định rằng tri kiến Phật Học ông ấy có sự khiếm khuyết nặng nề. Mà vấn đề cũng không phải là “tông phái”. Vấn đề nằm ở chữ “Hoa Tông” vốn không tồn tại trong các thuật ngữ về tông phái nhà Phật. Chỉ có “Hoa Nghiêm Tông”. Lẽ nào khi phiên dịch, chữ “Nghiêm” bị rơi đâu mất? Vấn đề về chữ Cao Tăng, Thạc Đức tôi dùng nếu Thiên Lang muốn phản bác vui lòng dựa trên luận cứ, luận chứng Phật Học rõ ràng hơn chứ không phải do ông cho rằng Cao Tăng bao gồm tất cả, Thạc Đức là từ sai. Những sai lầm của ông Dưỡng Ngọc Dũng về vấn đề học thuật không phải do tôi tự ý lập ngôn.
Cuối cùng, tôi muốn trao đổi với Thiên lang rằng, việc tôi gửi thư chất vấn đến Ts. Dương Ngọc Dũng không phải vì câu chấp, hơn thua với ông ta như ý của Thiên Lang hiểu. Nếu bỏ qua không minh định Chánh Kiến rõ ràng, e rằng dư luận bị định hướng sai lệch về Phật Pháp. Phật Pháp có còn là Phật Pháp không khi bị “hòa tan” với những quan kiến lầm lạc? Như Thầy tôi đã dạy, việc chỉ ra những sai lầm trong Phật Pháp thuộc về phạm trù “tác pháp chiếu quang”, hay trong kinh Đại Bát Niết Bàn, Đức Phật đã dạy: “Tỳ kheo giữ pháp thấy có người phá giới hủy hoại chánh pháp, bèn nên khu khiển, quở trách, cử tội. Tỳ kheo này là đệ tử của Như Lai, là chơn thật thanh văn. Nếu thấy mà bỏ qua, thời nên biết tỳ kheo này là người hại Phật pháp” (Kinh Đại bát Niết bàn, phẩm Trường thọ-Hòa thượng Thích Trí Tịnh dịch).
Nếu Thiên Lang có thể liên hệ với Ts. Dương Ngọc Dũng thì bản thân tôi càng hoan nghênh ông ấy lên tiếng để thể hiện trách nhiệm với cương vị của mình.
Phạm Đức Dũng