Thủ tướng: Không để TP.HCM lúng túng, bị động, đến hết tháng 7 phải tiêm ít nhất khoảng 2 triệu liều vắc xin
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 05:30, 12/07/2021
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm tới Thành phố nói chung và tình hình thực hiện Chỉ thị 16 nói riêng.
Đến giờ này, tình hình thực tế tiếp tục khẳng định, đây là quyết định khó khăn nhưng đúng đắn, cần thiết, được thực hiện từng bước có hiệu quả, nhận được sự đồng tình của Trung ương, sự ủng hộ của nhân dân, của doanh nghiệp, sự tham gia, hưởng ứng, góp ý của các nhà khoa học, chuyên gia.
Thủ tướng khẳng định, tình hình càng khó khăn càng khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng và đóng góp của TP.HCM với cả nước. Trong 3 tháng 5 ngày kể từ Chính phủ được kiện toàn, Chính phủ, Thủ tướng đã có 3 cuộc làm việc trực tiếp và 2 cuộc làm việc trực tuyến với Thành phố.
“Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội chuyển lời qua tôi để động vên, hỏi thăm, chia sẻ và đánh giá rất cao nỗ lực, cố gắng của Thành phố vượt qua khó khăn, thử thách thời gian qua, nhất là cấp ủy, chính quyền và đặc biệt là sự vào cuộc của nhân dân, của doanh nghiệp; đánh giá rất cao TP.HCM trong thực hiện 2 nhiệm vụ vừa chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội”, Thủ tướng nêu rõ.
Trong 6 tháng đầu năm, Thành phố đạt tăng trưởng 5,46%, thu ngân sách đạt 57,7%, tổng đầu tư toàn xã hội tăng 6%... Văn hóa, xã hội, đời sống nhân dân được chú trọng và tăng cường; trật tự an toàn xã hội được kiểm soát, cơ bản ổn định; quốc phòng, an ninh, đối ngoại được tăng cường; tổ chức Đảng và hệ thống chính trị được củng cố; tổ chức tốt cuôc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp; tổ chức thành công kỳ thi THPT trong điều kiện rất khó khăn, xử lý kịp thời, phù hợp, hiệu quả các sự cố xảy ra.
Đặc biệt, trong 3 ngày qua, việc thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg rất nghiêm túc, như thực tế Thủ tướng và đoàn công tác được chứng kiến.
Có được kết quả này là nhờ Thành phố đã chấp hành nghiêm, có hiệu quả sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương; sự nỗ lực, cố gắng vượt qua khó khăn, thách thức của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của MTTQ và các đoàn thể chính trị; tranh thủ được sự vào cuộc, ủng hộ, chia sẻ của nhân dân Thành phố và các địa phương khác, kiều bào ta ở nước ngoài; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các bộ, các ngành, các địa phương; sự chia sẻ, ủng hộ, vào cuộc, chung tay góp sức của các doanh nghiệp.
Theo Thủ tướng, 5 nguyên nhân này khẳng định sự tốt đẹp của chế độ ta khi gặp khó khăn, thử thách. Tuy nhiên, dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, biến chủng virus mới lây lan rất nhanh, rất nguy hiểm, công tác chống dịch lần này chưa có tiền lệ, không tránh khỏi những bị động, lúng túng nhất định. Việc thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg tác động toàn bộ tới đời sống nhân dân, hoạt động của doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội của các tỉnh xung quanh và cả nước. Do đó, Thủ tướng mong muốn sự chia sẻ của đồng bào, của nhân dân với TP Hồ Chí Minh, với Chính phủ.
Quyết tâm kiềm chế, ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh
Trong thời gian tới, TP.HCM cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, bất cập để thực hiện thành công giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.
Mục tiêu ưu tiên lúc này là tập trung kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh để trở lại trạng thái bình thường, phát triển kinh tế xã hội; chăm lo sức khỏe, bảo vệ tính mạng nhân dân là trên hết, trước hết; không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu các nhu yếu phẩm cần thiết; hạn chế tối đa các ca tử vong; thực hiện tiếp cận vaccine bình đẳng theo thứ tự ưu tiên được quy định tại Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ; không để xảy ra tiêu cực, thiếu công bằng, mất trật tự an toàn xã hội, không để đời sống người dân bị đảo lộn nhiều.
Thủ tướng và các thành viên đoàn công tác, lãnh đạo TP.HCM tại cuộc họp đồng lòng nhất trí khẳng định quyết tâm kiềm chế, ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh, vì “cả nước đang hy vọng, đang trông đợi, đang tin tưởng vào TP.HCM”.
Thủ tướng nhấn mạnh các tư tưởng chỉ đạo lớn trong thời gian tới
Thứ nhất, càng khó khăn, phức tạp, nhạy cảm càng phải giữ đúng nguyên tắc, đoàn kết thống nhất, phát huy trí tuệ tập thể, lắng nghe ý kiến của nhau, kể cả ý kiến phản biện, đưa ra giải pháp phù hợp tình hình. Hết sức bình tĩnh, xem xét kỹ lưỡng trước khi đưa ra các quyết định, trên tinh thần tất cả vì lợi ích của nhân dân, của quốc gia dân tộc.
Thứ hai, các diễn biến dịch và công tác phòng, chống dịch là chưa có tiền lệ, nên phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, bổ sung mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội, có kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển, không cực đoan, không phiến diện.
Thứ ba, tích cực tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp chia sẻ, hưởng ứng, cộng đồng trách nhiệm, phát huy tối đa tính sáng tạo, chủ động.
Thứ tư, xem khó khăn, thách thức là động lực để phấn đấu, vượt qua, khẳng định và trưởng thành.
Thứ năm, tranh thủ tối đa sự phối hợp, giúp đỡ, ủng hộ của các bộ, ngành, cơ quan, doanh nghiệp, nhân dân, tổ chức tiếp nhận sự hỗ trợ một cách trật tự, khoa học, sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí.
Thứ sáu, chống dịch hiệu quả để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, sản xuất kinh doanh để phục vụ chống dịch.
Không để Thành phố lúng túng, bị động
Về nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ rất chia sẻ với những khó khăn của Thành phố, của nhân dân trong chống dịch, thực hiện Chỉ thị 16 và chia sẻ với những hành động, giúp đỡ, động viên phù hợp, hiệu quả.
Thứ hai, phải kiên trì thực hiện các giải pháp đúng hướng đang được triển khai.
Thứ ba, tổ chức thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết 68 của Chính phủ về hỗ trợ những người gặp khó khăn, nhất là người lao động mất việc, người bán vé số, lượm ve chai, người lang thang, người yếu thế... Chỉ đạo hệ thống chính trị cơ sở, phối hợp với các tổ COVID-19 cộng đồng rà soát kỹ, nắm thật chắc, dứt khoát không bỏ sót những người cần hỗ trợ.
Thứ tư, thành lập các trung tâm cứu trợ, các đường dây nóng qua điện thoại, qua mạng internet để tiếp nhận các đề nghị của người dân, tổ chức các xe bán hàng lưu động vào từng ngõ hẻm, những nơi khó khăn về cung ứng hàng hóa để phục vụ kịp thời người dân.
Thứ năm, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các cấp, vận động nhân dân thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg.
Thứ sáu, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả việc điều trị, cứu chữa bệnh nhân và kiểm soát chặt chẽ, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện, khu cách ly, khu phong tỏa, kiểm soát tốt sau cách ly. Tăng cường trang thiết bị, nhân lực cho các ca cấp cứu, nhất là những người bị bệnh nền, hạn chế tối đa các ca tử vong.
Thứ bảy, quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ tuyến đầu như các y bác sĩ, công an, quân đội, những người làm nhiệm vụ tiếp xúc trực tiếp với nguy cơ dịch bệnh, trong đó có các nhà báo…
Thứ tám, rút kinh nghiệm, tổ chức tiêm vắc xin an toàn, kịp thời, hiệu quả, bảo đảm đúng quy trình chống dịch. Thủ tướng nêu rõ, trước mắt ưu tiên khoảng 25% tổng số vaccine phòng COVID-19 của cả nước cho TP.HCM, phấn đấu đến hết tháng 7.2021 tiêm ít nhất khoảng 2 triệu liều cho người dân Thành phố.
Thứ chín, xét nghiệm thần tốc nhưng phải bảo đảm an toàn, hiệu quả, xác định được ổ dịch mới để khoanh vùng, dập dịch, giãn cách rộng, phong tỏa hẹp. Thủ tướng đánh giá cao sáng kiến của Thành phố phát động thi đua “xanh hóa” bản đồ chống dịch (với các vùng đỏ, vùng vàng, vùng xanh theo mức nguy cơ).
Thứ mười, động viên, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích, cách làm hay, mô hình tốt, phê bình, kiểm điểm, xử lý những nơi, những cá nhân làm chưa tốt, vi phạm quy định.
Mười một, chuẩn bị phương án ứng phó cao hơn với dịch bệnh, đặc biệt không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác như một số nước đã tiêm vaccine nhưng dịch bệnh vẫn bùng phát phức tạp; tiếp tục bình tĩnh, kiên trì thực hiện các giải pháp đã được xác định đúng, lãnh đạo quyết đoán, đúng phương pháp, hiệu quả.
Mười hai, Thủ tướng đã phân công các Bộ trưởng trực tiếp làm việc với TP Hồ Chí Minh, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phải quyết định, xử lý ngay các vướng mắc, kiến nghị của Thành phố.
Bộ trưởng Bộ Y tế chuẩn bị nguồn lực con người, trang thiết bị, cơ chế chính sách, thiếu phải bổ sung.
Bộ trưởng Bộ GTVT bảo đảm lưu thông hàng hóa, vận tải; lắng nghe ý kiến các chuyên gia để có phương án phân luồng tuyến cho phù hợp nhất.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lo cung ứng thực phẩm, sản phẩm nông nghiệp, lưu thông nông sản.
Bộ trưởng Công Thương phải lo các nhu yếu phẩm thiết yếu khác.
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn tổ chức thực hiện việc hỗ trợ và bổ sung các đối tượng cần hỗ trợ.
“Không để Thành phố lúng túng, bị động vì thiếu hàng hóa và gặp khó khăn trong lưu thông hàng hóa”, Thủ tướng dứt khoát.
Mười ba, kêu gọi người dân, doanh nghiệp chia sẻ, ủng hộ với cấp ủy, chính quyền các cấp về các biện pháp phòng, chống dịch mạnh hơn, quyết liệt hơn trước đây.
Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của công tác truyền thông, quan trọng nhất là không để khủng hoảng truyền thông, thông tin kịp thời, chính xác, khách quan, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, truyền cảm hứng, động viên nhân dân cùng vào cuộc, đồng hành, hưởng ứng với hệ thống chính trị, không để kẻ xấu xuyên tạc, chống phá, lợi dụng.
Thủ tướng yêu cầu Thành phố tổ chức thực hiện thật tốt các giải pháp phòng, chống dịch. “Trung ương luôn rất quan tâm, Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng luôn luôn bên cạnh các đồng chí, giải quyết các kiến nghị nhanh nhất, tốt nhất có thể. Các đồng chí gọi, chúng tôi trả lời”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Bày tỏ cảm ơn sự quan tâm đặc biệt của Trung ương, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên khẳng định cuộc chiến đấu này chỉ có một con đường là chiến thắng và Thành phố quyết tâm tổ chức thực hiện thành công kế hoạch đã đề ra.
Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi tặng Thành phố 500.000 găng tay y tế, góp phần cùng Thành phố chống dịch hiệu quả hơn.