Thêm một biến chủng COVID-19 bộc lộ độc tính trước lo ngại của thế giới
Quốc tế - Ngày đăng : 15:58, 12/07/2021
Cho đến nay, WHO đã ghi nhận 11 biến chủng COVID-19 trong đó có 4 chủng đáng lưu tâm là Alpha, Beta, Gama và Delta. Còn có 7 biến chủng khác được quan tâm ở mức thấp hơn là Epsilon, Zeta, Eta, Theta, Iota, Kappa, Lambda
Nhưng các biến chủng ít được quan tâm giờ đang khiến cho thế giới trở nên đâu đầu hơn. Chẳng hạn như biến chủng Kappa
Lần đầu tiên được phát hiện vào tháng 1. 2020 bởi Ấn Độ, biến chủng Kappa được chỉ định là một biến chủng chỉ ở mức “đáng quan tâm” chứ không phải “đáng lo ngại” như Alpha, Beta, Gama hay Delta và được WHO xác định là B.1.167.1.
Theo các chuyên gia, biến chủng Kappa là một dòng vi rút đột biến kép. Đột biến kép vì nó bao gồm hai loại vi rút. Đột biến E484Q, giống với đột biến E484K được xác định trong các biến chủng “đáng lo ngại” đang lây lan nhanh ở Brazil và Nam Phi.
Nó cũng chứa đột biến L452R, cho phép vi rút trốn tránh sự phòng thủ tự nhiên gắn với hệ thống miễn dịch của chúng ta. Khả năng trung hòa kháng thể của biến chủng Kappa có thể làm giảm một chút hiệu quả đối với cả vắc xin và khả năng miễn dịch được tạo ra từ các bệnh nhiễm trùng tự nhiên.
Một số triệu chứng ban đầu của biến chủng này bao gồm phát ban khắp cơ thể, sốt cao, ho, chảy nước mũi, đỏ và chảy nước mắt.
Hiện bang Uttar Pradesh đã ghi nhận 2 trường hợp mắc biến chủng Kappa, trong đó 1 người tử vong là nam giới, 66 tuổi, không có lịch sử đi lại. 2 ca này được phát hiện sau khi các chuyên gia y tế tiến hành giải trình tự gene đối với 109 mẫu xét nghiệm. Trong số này, 107 mẫu xét nghiệm mắc biến chủng Delta và 2 mẫu mắc biến chủng Kappa. Trước đó, cũng tại bang này đã ghi nhận 2 trường hợp đầu tiên mắc biến chủng Delta Plus.
Tiến sĩ Amresh Kumar Singh, Trưởng khoa Vi trùng học Trường Cao đẳng Y tế Baba Raghav Das (quận Gorakhpur, bang Uttar Pradesh) cho biết, biến chủng Kappa và Delta cùng một họ vi rút, mức độ nguy hiểm tương tự nhau. Biến chủng này đang gây “báo động đỏ”, khiến giới y khoa toàn cầu thúc đẩy tiến hành giải trình tự gene để giám sát sự lây lan.
Người mắc biến chủng Kappa có triệu chứng tương tự triệu chứng ban đầu của bệnh sởi và xuất hiện 1-2 ngày sau khi mắc. Tuy nhiên, người mắc biến chủng Kappa không có hiện tượng bệnh lý ngoài da như sởi. Hiện Ấn Độ chưa xác định được tốc độ lây nhiễm biến chủng Kappa.
Trước đó, biến chủng Lambda dù chỉ trong nhóm “đáng quan tâm” nhưng cũng khiến nhiều nước lo lắng vì được cho là sẽ lây lan nhanh hơn so với các biến thể ban đầu của COVID-19. Hiệu quả của vắc xin COVID-19 cũng được báo cáo là giảm tính hiệu quả với biến thể Lambda dù các nhà nghiên cứu yêu cầu nhiều nghiên cứu hơn.