Chủ động nguồn vắc xin là nhiệm vụ chiến lược nặng nề và khó khăn

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 11:11, 13/07/2021

Nhà nước ưu tiên dành nguồn lực hợp lý về đầu tư cho việc chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc xin; sử dụng Quỹ vắc xin để dẫn dắt, kêu gọi các nguồn lực khác, kể cả các dự án hợp tác công tư để sản xuất vắc xin.

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo truyền đạt ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sau chuyến thăm và làm việc trực tiếp mới đây tại một số cơ sở sản xuất vắc xin, sinh phẩm y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

vac-xin-2.jpg
Có thể hợp tác công tư để sản xuất vắc xin COVID-19

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, để có thể thực hiện tốt mục tiêu kép, giải pháp căn cơ, lâu dài trong phòng chống dịch COVID-19 thời gian tới vẫn phải là "5K + vắc xin", trong đó vắc xin có ý nghĩa chiến lược, lâu dài và quyết định.

Tuy nhiên, thực trạng khan hiếm vắc xin trên toàn cầu đã gây rất nhiều khó khăn cho các nước nói chung và Việt Nam nói riêng trong việc tiếp cận, đàm phán và mua vắc xin.

Theo Thủ tướng, Việt Nam ở khu vực nhiệt đới gió mùa, về lâu dài, để chủ động phòng, chống mọi dịch bệnh có thể xuất hiện bất cứ lúc nào trong mọi tình huống, không thể không có vắc xin, phải quyết tâm thúc đẩy việc chuyển giao, nghiên cứu và sản xuất vắc xin trong nước.

Việc chủ động được nguồn vắc xin nói chung và vắc xin phòng, chống COVID-19 nói riêng sản xuất trong nước là một nhiệm vụ chiến lược, nặng nề, khó khăn cần được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và ưu tiên bố trí nguồn lực (cả nguồn lực tài chính và nguồn lực con người) để thực hiện.

Vắc xin có liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của con người cho nên có yêu cầu rất cao về mức độ an toàn và hiệu quả sử dụng. Do đó, nghiên cứu và sản xuất vắc xin trong nước là một nhiệm vụ chiến lược nhưng rất khó khăn, cần có quyết tâm rất cao, nỗ lực lớn và sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả của các Bộ, ngành liên quan.

Thủ tướng yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động chuyển giao, nghiên cứu, sản xuất vắc xin với phương châm 3 không: “Không nói không cơ chế, chính sách; không nói không có kinh phí; không nói không có vật tư, thiết bị, cơ sở vật chất”.

Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Kế hoạch chuyển giao, nghiên cứu, sản xuất công nhận vắc xin, trong đó có vắc xin phòng COVID-19 theo đúng quy trình, quy định bảo đảm kịp thời, an toàn và nghiên cứu đề xuất theo thủ tục rút gọn về mặt thời gian, báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách phục vụ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc xin để có thể sản xuất vắc xin trong nước sớm nhất phục vụ nhu cầu của nhân dân; trực tiếp làm việc với các tổ chức, doanh nghiệp có nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc xin trong nước để xử lý các vướng mắc về thủ tục, quy trình, cơ chế chính sách và giải quyết theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo các cơ quan liên quan xem xét, giải quyết.

“Nhà nước ưu tiên dành nguồn lực nhất định, hợp lý về đầu tư, cơ sở vật chất cho việc chuyển giao công nghệ, phát triển sản xuất vắc xin. Trong đó có việc sử dụng Quỹ vắc xin phòng chống COVID-19 để dẫn dắt, huy động, kêu gọi các nguồn lực hợp pháp khác với các hình thức thích hợp, kể cả các dự án hợp tác công tư, huy động mọi nguồn lực hợp pháp ngoài nguồn lực của nhà nước”, Thủ tướng nêu.

Tại tọa đàm về mở rộng nguồn tiếp cận vắc xin do trường Chính sách công và quản lý Fulbright tổ chức, TS Vũ Thành Tự Anh cho rằng làn sóng dịch thứ 4 với số ca nhiễm lớn gấp đôi so với ba làn sóng trước cộng lại, hơn thế đa số được phát hiện trong cộng đồng và các khu công nghiệp, cho thấy hiệu lực của những biện pháp chống dịch trước đây đã bị suy giảm đáng kể.

Điều này đòi hỏi một chiến lược phòng chống dịch hoàn toàn mới, trong đó vắc xin đóng vai trò quyết định trong chiến lược chuyển từ “phòng thủ” sang “tấn công” theo tuyên bố của Thủ tướng Chính phủ.

Thế nhưng, thực tế là cho đến nay, Việt Nam vẫn là một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin COVID-19 thấp nhất, mới chỉ đạt 1,3% dân số. Điều này tương phản với tỷ lệ 98% dân số muốn được tiêm vắc xin - là tỷ lệ cao nhất thế giới theo kết quả một cuộc khảo sát đăng trên The Lancet – một tạp chí y học hàng đầu.

Đẩy nhanh tốc độ tiếp cận vắc xin, vì vậy, phải trở thành ưu tiên chính sách hàng đầu của Việt Nam trong chiến lược chống COVID-19. Trong chiến lược này, Nhà nước đóng vai trò quyết định nhưng đồng thời cũng có nhiều không gian cho sự tham gia của khu vực doanh nghiệp và xã hội.

TS Nguyễn Thu Anh, Giám đốc quốc gia, Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam cho rằng Việt Nam cần đầu tư vào chiến lược nghiên cứu vắc xin bài bản, dài hạn, bởi lẽ dịch COVID-19 vẫn còn tồn tại rất lâu trên thế giới và cũng không phải là đại dịch duy nhất trong tương lai. Để thực hiện chiến lược này cần có chương trình đầu tư công lớn. Trong đó khuyến khích khối tư nhân tham gia đầu tư và tạo thuận lợi cho họ tiếp cận nguồn đầu tư công…

PGS.TS Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Chương trình Thạc sĩ Chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam nhận định hệ thống pháp luật cũng như quản trị nhà nước phải thay đổi. Cần tạo điều kiện hình thành các trung tâm nghiên cứu của tư nhân, nhưng phải được Nhà nước hỗ trợ, đầu tư và Nhà nước phải chấp nhận rủi ro có thể mất tiền.

Do đó, Nhà nước phải sáng tạo, dùng các công cụ mới. Có thể hình thành một đạo luật vắc xin từ nghiên cứu, tài trợ, cho đến lưu hành, đưa vào tiêm và sau tiêm. Không chỉ COVID-19 mà còn các dịch bệnh khác. Sức khỏe của nhân dân là sứ mệnh Nhà nước phải đảm bảo.

Trong ưu tiên đó, Nhà nước phải nâng đỡ những sáng tạo tư nhân. Thường thì tiền là của công, Nhà nước đầu tư cho việc sáng chế vắc xin nhưng bằng sáng chế là của tư nhân, cần cho họ quyền khai thác sở hữu trí tuệ đó để kiếm lãi, nhưng cần có cam kết chặt chẽ.

Lam Thanh