Gần 70% người không có triệu chứng trong 20.000 ca COVID-19, Bộ Y tế áp dụng chiến lược mới

Sự kiện - Ngày đăng : 19:31, 13/07/2021

Giảm thời gian nằm viện với bệnh nhân không triệu chứng thuộc chiến lược mới trong cách ly, điều trị COVID-19 của Bộ Y tế.

btr 13

GS.TS Nguyễn Thanh Long- Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì cuộc họp

Cuối giờ chiều 13.7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long có cuộc làm việc với Bộ phận thường trực phòng chống dịch của Bộ tại TP.HCM cùng các chuyên gia để đánh giá diễn biến đợt dịch thứ 4 và thảo luận các nội dung chuyên môn về điều trị, cách ly, xét nghiệm… trên địa bàn thành phố và một số địa phương khu vực miền Nam.

Giảm thời gian nằm viện với bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng

Các chuyên gia đánh giá, biến thể Delta có khả năng lây lan nhanh và nhiều trong những ngày đầu do việc đào thải mầm bệnh ở nồng độ rất cao.

Vì thế, việc áp dụng các test nhanh để sàng lọc, phát hiện sớm các trường hợp bệnh (F0) là cần thiết và phù hợp với tình hình dịch hiện nay. Thực tế cũng đã được đánh giá, chứng minh qua đợt dịch tại Bắc Giang, Bắc Ninh và hiện tại là với TP.HCM.

Kết quả nghiên cứu của khoảng 20.000 bệnh nhân cho thấy có gần 70% người không ghi nhận triệu chứng. Các trường hợp bệnh nhân có diễn biến nặng xảy ra sau 7 – 10 ngày từ khi phát hiện dương tính với SARS-CoV-2.

Căn cứ diễn biến của nồng độ vi rút và diễn biến lâm sàng, Bộ Y tế quyết định giảm thời gian điều trị và cách ly với bệnh nhân COVID-19. Cụ thể:

Với các trường hợp mắc COVID-19 không có triệu chứng đang được chăm sóc, điều trị tại các cơ sở y tế, sẽ xét nghiệm RT-PCR vào ngày thứ 9 và ngày thứ 10.

Nếu 2 lần xét nghiệm có kết quả âm tính hoặc 2 lần xét nghiệm dương tính nhưng chỉ số nồng độ vi rút thấp (giá trị CT >=30), thì được xuất viện và không phải thực hiện cách ly vì khả năng lây ra cộng đồng hầu như không có. Song, các trường hợp này vẫn phải theo dõi, giám sát y tế tại nơi lưu trú trong 14 ngày.

Với trường hợp dương tính SARS-CoV-2 phát hiện tại cộng đồng, nếu giá trị CT>=30 thì chuyển đến cơ sở y tế và lấy mẫu xét nghiệm lần 2 sau 24 giờ. Nếu kết quả xét nghiệm lần 2 âm tính hoặc dương tính nhưng giá trị CT>=30 thì bệnh nhân được xuất viện và thực hiện theo dõi, giám sát y tế như trên.

btr131

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và các đại biểu tại điểm cầu Bộ Y tế

Bộ Y tế cũng đã tổng kết hơn 400 trường hợp tái dương tính với COVID-19 sau khi ra viện và không ghi nhận trường hợp nào lây lan ra cộng đồng. Vì vậy, Bộ Y tế khuyến cáo, nếu các địa phương phát hiện trường hợp tái dương tính trong cộng đồng thì không phải thực hiện các biện pháp cách ly, xử lý ổ dịch. Các trường hợp này cần tiếp tục theo dõi y tế, nếu xuất hiện triệu chứng thì liên hệ ngay với cơ sở y tế để được chăm sóc, theo dõi.

Điều chỉnh thời gian cách ly xuống còn 14 ngày

Về vấn đề cách ly, căn cứ thực tiễn, tham khảo các khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Mỹ và trao đổi với các địa phương, Bộ Y tế quyết định giảm thời gian cách ly xuống 14 ngày với mọi hình thức cách ly (cách ly tập trung, cách ly tại nhà) cho các đối tượng là người nhập cảnh và các trường hợp F1.

Thế nhưng, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm việc quản lý, giám sát cách ly và bàn giao, theo dõi y tế sau cách ly theo quy định.

Tiếp tục tăng cường năng lực điều trị

Về điều trị, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường năng lực điều trị và thiết lập các cơ sở hồi sức tích cực (ICU) tại các bệnh viện điều trị COVID-19.

Bộ Y tế đã cử đoàn công tác của Bệnh viện Bạch Mai vào Đồng Nai để thiết lập Trung tâm ICU tại đây để thu dung điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch khu vực miền Đông Nam bộ. Với miền Tây Nam bộ, Bộ Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ thiết lập Trung tâm ICU để thu dung điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch của khu vực này.

Anh son

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cùng các chuyên gia của Bộ Y tế tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh

Bộ Y tế lưu ý, với các bệnh nhân nặng, nguy kịch, các cơ sở y tế phải liên hệ ngay Bộ phận thường trực tại TP.HCM để có hỗ trợ chuyên môn kịp thời.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã cử đoàn công tác của Bệnh viện Trung ương Huế vào Đồng Tháp hỗ trợ điều trị và 7 tổ công tác thường trực đặc biệt của Bộ tại các tỉnh miền Nam và miền Trung vẫn đang tiếp tục hỗ trợ các địa phương phòng chống dịch.

Thứ trưởng Bộ Y tế: Thí điểm cách ly F0 tại nhà ở TP.HCM

Trưa 13.7, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế, cho biết để hỗ trợ chống dịch COVID-19 tại TP.HCM, cơ quan này sẽ sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể và chi tiết về việc thí điểm cách ly, điều trị F0 tại nhà ở TP.HCM.

Theo vị lãnh đạo này, một số F0 có thể được thí điểm cách ly tại nhà gồm nhân viên y tế mắc COVID-19, các bệnh nhân sau thời gian cách ly và không còn khả năng lây nhiễm; những người trẻ, khỏe, có thể tự theo dõi sức khỏe tại nhà.

Phương án cách ly F0 tại nhà trước mắt được triển khai thí điểm tại TP.HCM. Dự kiến hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế được ban hành vào hôm nay (13.7).

Ngày 1.7, tại cuộc họp trực tuyến của Bộ phận thường trực đặc biệt, Thứ trưởng Sơn cho biết trong đợt dịch Covid-19 bùng phát ở Bắc Giang, Bộ Y tế đã thay đổi nhiều chiến lược, với đợt dịch tại TP.HCM thì phải thay đổi quyết liệt hơn. Về trang thiết bị, test nhanh hay nhân lực y tế, nếu TP.HCM thiếu, Bộ Y tế sẵn sàng hỗ trợ ngay.

Là một trong những chuyên gia đầu tiên đề xuất phương án điều trị F0 tại nhà, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, đánh giá trong đợt dịch này cơ quan chức năng cần chú trọng đến công tác điều trị, không để hệ thống bệnh viện quá tải mà bỏ hết các dịch vụ chăm sóc bệnh lý cấp thiết khác. Vì thế, ông cho rằng ngành y tế cần sớm phân loại F0 để có hình thức chăm sóc, theo dõi phù hợp.

"Không nên coi tất cả người dương tính với SARS-CoV-2 đều là bệnh nhân. Bệnh viện chỉ tiếp nhận những người thực sự cần chăm sóc y tế, khoảng tối đa là 20% số người dương tính", ông nói.

Để làm được điều đó, chuyên gia này cho rằng Bộ Y tế cần có kế hoạch đầy đủ, hướng dẫn khoa học chi tiết và quy trình kết nối trong và ngoài bệnh viện thông suốt, sử dụng toàn bộ nhân lực thầy thuốc tư nhân, y tế cơ sở, người tình nguyện, áp dụng công nghệ thông tin, phương tiện chuyên chở và các phương tiện cấp cứu cơ bản. Đặc biệt, phương pháp này cần có sự tham gia đắc lực của người dân.

Theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị mới cho bệnh nhân mắc COVID-19 cập nhật lần thứ 5 của Bộ Y tế, về tiêu chuẩn xuất viện, người bệnh cần có đủ các tiêu chuẩn: Hết sốt, triệu chứng lâm sàng cải thiện, toàn trạng tốt, dấu hiệu sinh tồn ổn định, chức năng cơ quan bình thường, xét nghiệm máu trở về bình thường, X-quang phổi cải thiện.

Ngoài ra, người bệnh được xuất viện khi đã qua cách ly tập trung tại cơ sở y tế tối thiểu 14 ngày từ thời điểm có triệu chứng lâm sàng đầu tiên, đồng thời những người này phải có tối thiểu 2 mẫu bệnh phẩm liên tiếp (cách nhau 48-72 giờ) có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 theo phương pháp RT-PCR; thời gian từ khi lấy mẫu bệnh phẩm cuối cùng tới khi ra viện không quá 24 giờ.

Sau khi xuất viện, người bệnh cần được cách ly tại nhà dưới sự giám sát của y tế cơ sở thêm 14 ngày và theo dõi thân nhiệt 2 lần/ngày. Nếu thân nhiệt cao hơn 38 độ C ở hai lần đo liên tiếp hoặc có dấu hiệu bất thường khác, người bệnh phải đến khám lại ngay tại các cơ sở y tế.

Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - Nguyễn Hữu Hưng cho biết cách ly, điều trị F0 tại nhà là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn.

"Chúng tôi cũng sẽ thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Còn điều kiện cách ly tại nhà cũng như vấn đề liên quan thì TP.HCM sẽ triển khai", ông Nguyễn Hữu Hưng nói.

Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhận định đây là vấn đề nhiều người dân quan tâm. Ngay cả khi Bộ Y tế chưa có yêu cầu, TP.HCM cũng đã chuẩn bị cân nhắc để có thể cách ly F0 tại nhà.

P.V