TP.HCM chưa định mở lại chợ truyền thống vì nguy cơ lây nhiễm COVID-19 rất cao

Sự kiện - Ngày đăng : 21:30, 13/07/2021

Tại buổi họp báo về tình hình dịch bệnh COVID-19 ở TP.HCM chiều 13.7, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM - Nguyễn Nguyên Phương cho biết lượng hàng về thành phố chủ yếu là thực phẩm tươi sống, khoảng 1.900 tấn, tăng 100 tấn so với hôm qua.

Theo Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, lượng nhu yếu phẩm thiết yếu trong 24 giờ qua đã tăng nhờ triển khai được điểm tập kết hàng hóa ở Thủ Đức để đưa về các chợ truyền thống và lượng hàng này đã góp phần giảm tải cho nguồn hàng về TP.HCM.

Những ngày qua, các hệ thống phân phối hiện đại tăng lên khoảng 1,5 - 5 lần lượng hàng hóa. Hệ thống phân phối, hôm qua 68/234 chợ hoạt động, nay còn 59 chợ. Siêu thị thì đến nay có 6 siêu thị tạm dừng hoạt động (hôm qua là 4) nên việc cung ứng gặp nhiều khó khăn.

Sở Công thương đang vận động khai thác các nguồn lực xã hội, trong đó Viettel Post và Việt Nam Post đã tích cực hỗ trợ, đăng ký đưa các bưu cục ở địa phương thành điểm bán hàng lưu động, còn Sở sẽ hỗ trợ đưa hàng hóa đến phục vụ người dân. Viettel Post đăng ký 34 điểm, Việt Nam Post đăng ký 200 điểm bán hàng.

nguyen-phuoeng.jpeg
Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM tại buổi họp báo - Ảnh: TTBC

Trả lời thông tin người dân phản ánh đặt hàng online ở các siêu thị từ 1-3 ngày, thậm chí 5 ngày vẫn không nhận được hàng, rồi bị siêu thị hủy đơn, ông Nguyễn Nguyên Phương cho hay, hiện có một số thời điểm xảy ra tình trạng quá tải.

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, phần mềm thương mại điện tử của các siêu thị không trục trặc gì, vấn đề chính là hậu cần phục vụ cho đơn hàng online đó gặp khó khăn, do liên quan đến các trường hợp lây nhiễm, phải cách ly tập trung với F1, theo dõi tại nhà với F2.

Nhiều người lao động ở các siêu thị là người từ các tỉnh thành bạn, khi giãn cách xã hội thì đi lại khó khăn, nên lực lượng hậu cần giảm. Chợ truyền thống ngừng hoạt động cũng dồn gánh nặng lên các kênh siêu thị, nên có thời điểm không đáp ứng được yêu cầu. Giải pháp là Sở đã cung cấp số điện thoại của người đại diện các kênh phân phối, để nếu người dân không đặt được hàng hóa có thể gọi để xử lý. Các siêu thị cũng tiết kiệm thời gian bằng cách lên các combo để người dân đặt mua. Trong điều kiện hiện nay, ông Phương cũng mong sự sẻ chia từ người tiêu dùng.

Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, với các siêu thị lớn có kho dự trữ dồi dào thì rất khó có tình trạng thiếu hàng hóa. Những ngày qua, ngành công thương đã phải huy động các cửa hàng tiện lợi để phục vụ thêm thực phẩm tươi sống. Những cửa hàng ngày không có, hoặc kho dự trữ rất hạn chế nên những thời điểm người dân đi mua hàng nhiều sẽ khó đáp ứng kịp thời.

Một giải pháp nữa là tăng cường bán lưu động. Các địa phương cũng chọn các chợ truyền thống đang tạm dừng hoạt động, tận dụng cơ sở vật chất của chợ rồi chọn 2-10 tiểu thương có kinh nghiệm kinh doanh mặt hàng thực phẩm tươi sống, có xét nghiệm âm tính để bố trí giãn cách rộng trong chợ, phát phiếu cho người dân mua hàng.

Theo Sở Công thương, chợ truyền thống hiện phân cấp cho quận, huyện quản lý, nếu cho các chợ truyền thống hoạt động trở lại sẽ có khả năng dịch bệnh lây lan cao tại các chợ truyền thống, nhất là ở 3 chợ đầu mối như thời gian qua. Mỗi đêm lượng người giao dịch ở đây rất lớn, rồi tỏa về 234 chợ truyền thống và các chợ nhỏ lẻ ở các tỉnh thành bạn, nên nguy cơ lây nhiễm rất cao, rất nguy hiểm.

Từ tình hình thực tế, các quận huyện sẽ quyết định tạm dừng hoạt động chợ. Theo đó, với các chợ phát hiện ca mắc COVID-19 thì dừng hoạt động và triển khai quy trình y tế. Các chợ qua kiểm tra các tiêu chí an toàn thấy nguy cơ cao và điều kiện hoạt động không đáp ứng được thì phải có hướng khắc phục để tiếp tục hoạt động.

Trường hợp không thể khắc phục được thì phải báo Sở Công thương phối hợp kiểm tra rà soát. Sở đã có hướng dẫn rõ, nhưng hiện nguy cơ lây nhiễm ở các chợ vẫn cao, nên hiện chưa có phương án mở lại. Từ đó, Sở đang tính đến phương án chọn một số tiểu thương tiếp tục bán hàng, phát phiếu đi chợ cho người dân.

Tú Viên