Chuyên gia chỉ cách tự điều trị COVID-19 tại nhà an toàn, hiệu quả và nhận biết khi bệnh trở nặng
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 08:01, 14/07/2021
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ (Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, Mỹ; cố vấn khoa học Ruy Băng Tím), nhận định: “Nếu chúng ta vẫn giữ phương pháp cũ là tập trung điều trị F0 thì sẽ sớm làm hệ thống y tế quá tải, tốn kém tiền bạc và chất lượng sinh hoạt/điều trị trong khu cách ly cũng sẽ bị giảm sút nghiêm trọng.
Nhìn chung, ở từng giai đoạn dịch, dựa vào số lượng người mắc COVID-19, khả năng của hệ thống Y tế và ý thức cộng đồng, chúng ta cần linh hoạt trong việc điều trị để đạt được hiệu quả cao nhất và an toàn nhất. Tôi tán thành phương án đưa F0 bệnh nhẹ, không biểu hiện bệnh tự điều trị và cách ly ở nhà, nhưng mong là mọi người cần thực hiện một cách có trách nhiệm cho bản thân, gia đình và xã hội”.
Theo Bộ Y tế, kết quả nghiên cứu của khoảng 20.000 bệnh nhân cho thấy có gần 70% người không ghi nhận triệu chứng. Các trường hợp bệnh nhân có diễn biến nặng xảy ra sau 7 – 10 ngày từ khi phát hiện dương tính với SARS-CoV-2.
Căn cứ diễn biến của nồng độ vi rút và diễn biến lâm sàng, Bộ Y tế quyết định giảm thời gian điều trị và cách ly với bệnh nhân COVID-19. Cụ thể:
Với các trường hợp mắc COVID-19 không có triệu chứng đang được chăm sóc, điều trị tại các cơ sở y tế, sẽ xét nghiệm RT-PCR vào ngày thứ 9 và ngày thứ 10.
Nếu 2 lần xét nghiệm có kết quả âm tính hoặc 2 lần xét nghiệm dương tính nhưng chỉ số nồng độ vi rút thấp (giá trị CT >=30), thì được xuất viện và không phải thực hiện cách ly vì khả năng lây ra cộng đồng hầu như không có. Song, các trường hợp này vẫn phải theo dõi, giám sát y tế tại nơi lưu trú trong 14 ngày.
Với trường hợp dương tính SARS-CoV-2 phát hiện tại cộng đồng, nếu giá trị CT>=30 thì chuyển đến cơ sở y tế và lấy mẫu xét nghiệm lần 2 sau 24 giờ. Nếu kết quả xét nghiệm lần 2 âm tính hoặc dương tính nhưng giá trị CT>=30 thì bệnh nhân được xuất viện và thực hiện theo dõi, giám sát y tế như trên.
Bộ Y tế cũng đã tổng kết hơn 400 trường hợp tái dương tính với COVID-19 sau khi ra viện và không ghi nhận trường hợp nào lây lan ra cộng đồng. Vì vậy, Bộ Y tế khuyến cáo, nếu các địa phương phát hiện trường hợp tái dương tính trong cộng đồng thì không phải thực hiện các biện pháp cách ly, xử lý ổ dịch. Các trường hợp này cần tiếp tục theo dõi y tế, nếu xuất hiện triệu chứng thì liên hệ ngay với cơ sở y tế để được chăm sóc, theo dõi.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ cho biết, với tỉ lệ người bệnh nhẹ khi mắc COVID-19 là khá cao, việc đưa F0 về nhà tự điều trị sẽ làm nhẹ gánh rất đáng kể cho hệ thống y tế hiện nay. Thế nhưng theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ, để phương án này hiệu quả và an toàn với cộng đồng thì người mắc COVID-19 cần thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm trong việc tự điều trị ở nhà và đảm bảo 3 điểm chính:
1. Giảm tối đa lây nhiễm COVID-19 cho người xung quanh.
2. Tự chăm sóc bản thân để hồi phục.
3. Quan sát triệu chứng bệnh để biết cần đi cấp cứu khi nào.
1. Giảm tối đa lây nhiễm COVID-19 cho người xung quanh
Để giảm tối đa lây nhiễm thêm cho người xung quanh thì người tự điều trị COVID-19 cần thực hiện như sau:
- Nếu có thể sắp xếp thì hãy ở trong một căn phòng riêng trong thời gian tự điều trị để cách ly với những người trong nhà (chưa bị nhiễm) và vật nuôi trong nhà (vì chúng có thể là trở thành vật mang vi rút). Nếu có thể, bạn nên sử dụng phòng tắm riêng. Nếu bạn cần tiếp xúc với người nhà hoặc vật nuôi thì hãy rửa tay trước đó và đeo khẩu trang.
- Thông báo với những người đã tiếp xúc gần với bạn trong khoảng thời gian bạn nghi ngờ đã mắc COVID-19, để họ cũng phải cẩn thận đi xét nghiệm và đề phòng lây nhiễm cho người khác. Bạn nên nhớ rằng hầu hết người mắc COVID-19 có thể bắt đầu lây vi rút từ 48 giờ sau khi nhiễm, thời gian này thường không có triệu chứng và kết quả xét nghiệm thường âm tính.
- Hạn chế tối đa đi ra khỏi phòng, khỏi nhà nếu không thật sự cần thiết và tuyệt đối không sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
- Nên ho hoặc hỉ mũi bằng khăn giấy để hạn chế các dịch phát tán ra môi trường, sau đó bỏ vào thùng rác có lót nylon (để tránh thấm ra ngoài), thùng rác nên có nắp đậy.
- Rửa tay thường xuyên với xà bông và nước trong ít nhất 20 giây hoặc làm sạch tay bằng dung dịch sát trùng tay chứa cồn với nồng độ cồn tối thiểu 60%.
- Không dùng chung đồ dùng cá nhân, chén dĩa. Nếu được thì trong thời gian điều trị sử dụng chén dĩa, đũa muỗng loại dùng 1 lần rồi bỏ.
- Lau sạch tất cả các bề mặt thường xuyên chạm vào, như kệ bếp, mặt bàn và tay nắm cửa bằng dung dịch tẩy trùng hoặc cồn (>60%).
2. Tự chăm sóc bản thân để hồi phục
Bạn cần lưu ý:
- Bệnh COVID-19 là do virus SARS-CoV-2 gây ra. Cũng như hầu hết các loại bệnh do các vi rút khác gây ra thì việc điều trị chủ yếu là “điều trị hỗ trợ”. Nói cách khác, bạn cố gắng “làm dịu”, “làm nhẹ” các triệu chứng khó chịu, để cơ thể có thời gian củng cố hệ miễn dịch mà chiến đấu với vi rút. Hầu hết các trường hợp nhẹ tự điều trị COVID-19 sẽ bắt đầu hồi phục và khỏe lại sau 2 tuần.
- Thường trong thời gian 2 tuần kể từ ngày nhiễm vi rút, những người mắc COVID-19 có các triệu chứng từ nhẹ đến bệnh nặng. Những người có triệu chứng nhẹ thì có khả năng tự chăm sóc và phục hồi, còn những người có những triệu chứng nặng thì cần sự hỗ trợ của dịch vụ y tế chuyên nghiệp (sẽ nói ở phần sau).
Những triệu chứng nhẹ mà người mắc COVID-19 có thể tự điều trị ở nhà:
- Sốt hoặc ớn lạnh
- Ho
- Mệt mỏi
- Đau nhức cơ hoặc toàn cơ thể
- Đau đầu
- Mất vị giác
- Đau họng
- Nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi
- Buồn nôn hoặc nôn mửa
- Tiêu chảy
Cách tự điều trị ở nhà như sau:
- Nghỉ ngơi và cung cấp đủ nước cho cơ thể.
- Sử dụng thuốc hạ sốt, giảm đau thông thường nếu cần như bị sốt cao trên 39 độ C (ví dụ như thuốc có chứa acetaminophen, xem kỹ liều lượng sử dụng, không nên sử dụng quá 3,000 milligrams trong 1 ngày).
- Bổ sung các loại vitamin và khoáng chất cho cơ thể bằng trái cây tươi (cam, chanh, rau tươi,…). Nếu khó ăn, khó tiêu thì có thể ăn cháo và chia ra làm nhiều bữa ăn (mỗi lần ăn 1 ít).
- Bổ sung vitamin D bằng cách phơi nắng mỗi ngày 5-10 phút, uống sữa, ăn trứng,…
- Phương pháp xông hơi có thể làm dịu đau họng và mở đường hô hấp, giúp bạn thở dễ dàng hơn.
3. Cách nhận biết khi bệnh trở nặng
Tỉ lệ người bệnh bị trở nặng tỉ lệ thuận với độ tuổi, tăng nguy cơ với người có bệnh nền (tiểu đường, thận, phổi, ung thư,…) và nam giới bị nặng nhiều hơn nữ giới. Khi bệnh trở nặng, bệnh nhân COVID-19 rất cần sự hỗ trợ của nhân viên y tế và các thiết bị hỗ trợ chuyên nghiệp như máy trợ thở, máy lọc máu, các thuốc đặc trị,… Các triệu chứng cảnh báo nguy hiểm và cần đi cấp cứu là:
- Cảm thấy rất khó thở.
- Đau dai dẳng hoặc cảm giác có áp lực trong lồng ngực.
- Không thể tỉnh táo.
- Da, môi hoặc móng tay màu nhợt nhạt, mất sức sống.
Ngoài Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ, Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Trưởng khoa Nhiễm - Nội thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, chuyên gia về dịch tễ học tại TP.HCM) đưa ra một số lời khuyên cho F0 cách ly ở nhà:
- Tuyệt đối không được ra khỏi nhà khi chưa có sự cho phép của người quản lý, thường phải xét nghiệm âm tính vài lần. Thường ngày 14 mới cần xét nghiệm.
- Không để lây thêm cho các thành viên khác cho gia đình, nếu trong nhà có người nguy cơ bệnh sẽ nặng thì chuyển người này đi nơi khác hay không nên cách ly tại nhà.
- Nếu cả nhà đều là F0 thì cách ly tại nhà các đối tượng không nguy cơ là dễ nhất.
- Giữ khoảng cách với người trong nhà ít nhất 2m, không ăn chung, không ngủ chung, không nghỉ ngơi sinh hoạt chung. Khi được tiếp tế phải giữ khoảng cách và cả hai cùng đeo khẩu trang, tấm che giọt bắn.
- Ở một mình trong phòng thì không cần thiết luôn đeo khẩu trang.
- Làm vệ sinh bề mặt nơi ngồi làm việc, phòng ốc phải thông thoáng.
- Ăn sạch, uống sạch rất quan trọng, nếu không chú ý sẽ bị nhiễm thêm tác nhân gây bệnh khác.
- Nhà vệ sinh phải thật sạch vì nơi này là tác nhân gây bệnh khác. Khi đi vệ sinh phải đeo khẩu trang, rửa tay sạch sau khi đi vệ sinh.
- Uống đủ nước, ăn đủ chất, ngủ đủ giấc, sinh hoạt điều độ, cố gắng vận động dù không gian hẹp.
- Tham vấn sức khỏe ngành y tế khi có bất cứ lo lắng gì.
- Các nhà xung quanh xì xào kỳ thị gì kệ họ, bình tĩnh mà thực hiện mọi việc sẽ qua. Con vi rút từ cơ thể mình không thể tự nhiên qua phòng bên cạnh thì làm sao qua nhà họ được, cũng đừng trách cứ họ làm gì.
'Tận dụng trường học đang bỏ trống làm nơi tạm trú cho F0 không thể ở nhà'
Anh Cao Xuân Minh (chủ phòng khám đa khoa ở quận 11, TP.HCM) cho rằng có thể tận dụng các trường học ở TP.HCM để các F0 tạm trú nếu họ không thể ở nhà vì chật chội hay sợ lây cho con nhỏ, người già. Cụ thể như sau: “Để F0 ở nhà là một thay đổi lớn trong chống dịch. Tuy nhiên không phải F0 nào cũng có thể ở nhà khi mà nhà quá chật, nhiều người ở, có con nhỏ, người già yếu. Họ cần 1 nơi để 'tị nạn' tạm thời trong 14 ngày thì đi đâu?
Mỗi phường của TP.HCM đều có 1 trường mẫu giáo, 1 trường tiểu học, 1 trường trung học cơ sở.
Chỉ cần ghép 2-3 cái bàn học, có thể thành chỗ nằm cho 1 F0, mỗi phòng học có thể ở được từ 2 - 3 F0. Tự chuẩn bị đầy đủ đồ cá nhân mình đem vào, có ghế bố thì càng tốt. Chính quyền đảm bảo đầy đủ điện nước, Wi-Fi là vô tư.
Các trường đều có căn tin, là nơi tiếp tế khẩu phần ăn cho F0, sân trường rộng có thể tạo vùng đệm để người thân để đồ tiếp tế. Ở trường, F0 không cần phải mặc thiết bị bảo hộ cá nhân thường xuyên, chỉ cần đeo khẩu trang thường trực.
Hướng dẫn cho F0 tự theo dõi sức khoẻ của mình. F0 có thể chăm sóc lẫn nhau, tự dọn dẹp sạch sẽ mọi thứ gom lại để mỗi ngày rác y tế đến gom chuyển đi.
Xây dựng tủ thuốc thông thường hạ sốt, vitamin kèm hướng dẫn dùng khi cần để F0 có thể tự xử lý.
F0 chuyển biến xấu thì lực lượng y tế chuyển vào bệnh viện.
Mỗi ngày lực lượng y tế quận phun thuốc sát trùng chung quanh và trong trường. Các bệnh viện chỉ tập trung điều trị các ca nặng”.
Được sự chấp thuận của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, TP.HCM chính thức thí điểm cách ly, điều trị F0 với 2 nhóm đối tượng.
Thứ nhất là trường hợp không có triệu chứng đang điều trị tại bệnh viện. Trường hợp xét nghiệm PCR ngày thứ 10 có kết quả âm tính hoặc còn dương tính nhưng tải lượng virus thấp, không còn khả năng lây nhiễm (hoặc rất thấp) thì chuyển về cách ly tại nhà. Tiếp tục xét nghiệm PCR tại nhà vào ngày 14 và 21.
Thứ hai là F0 không triệu chứng, trường hợp này được thí điểm áp dụng với nhân viên y tế bị lây nhiễm, được cách ly tại nhà khi có đủ điều kiện tương tự F1.
Với khu vực nguy cơ rất cao (nơi phong tỏa), thành phố áp dụng cách ly các trường hợp F1 tại nhà. Nhà có cách ly F1 phải treo biển báo bên ngoài, lập hàng rào mềm ngăn cách. Toàn bộ thành viên trong nhà không được ra ngoài.
F1 hạn chế tiếp xúc, phải được bố trí khu vực riêng/phòng riêng nếu có thể. F1 phải sử dụng đồ dùng riêng, ăn riêng, thùng đựng rác riêng; khử khuẩn khu vực vệ sinh chung sau mỗi lần F1 sử dụng.
Việc quản lý, giám sát F1 cách ly tại nhà phải thực hiện nghiêm trong và sau thời gian cách ly; chất thải y tế lây nhiễm phải được tổ chức thu gom, vận chuyển để xử lý theo quy định.
Trường hợp F1 tại khu tập thể, chung cư có F0 tại nhà thì đưa toàn bộ F1 đi cách ly tập trung. Với trường hợp nhiều F1 lưu trú tại một khu vực phong tỏa như nhà trọ, ký túc xá, khu dân cư… cần áp dụng cách ly y tế tập trung khu vực này.
Trường hợp mật độ người cách ly quá đông thì xem xét giảm bớt bằng cách đưa ra khu cách ly tập trung. Thành phố bố trí, cung cấp nhu yếu phẩm thiết yếu trực tiếp cho F1 và theo dõi, giám sát hàng ngày.
Trường hợp F1 ở vùng nguy cơ rất cao nhưng không đủ điều kiện theo tiêu chí của Bộ Y tế để cách ly tại nhà (có ca F0 tại nhà ở vùng lõi của ổ dịch như khu nhà trọ, khu dân cư, ký túc xá…), ngành y tế sẽ chuyển cách ly tập trung, xét nghiệm PCR ngày thứ 7 thay vì ngày 14 như trước đây. Trường hợp âm tính thì xem xét chuyển về cách ly tại nơi lưu trú. Y tế địa phương được giao theo dõi những trường hợp này.
Với khu vực nguy cơ cao, F1 được áp dụng cách ly tại nhà theo hướng dẫn tại Công văn 5152 của Bộ Y tế.
Riêng về cơ sở vật chất, trang thiết bị, ngành y tế không áp dụng yêu cầu phải có phòng riêng để nhân viên y tế khám, lấy mẫu, theo dõi sức khỏe; có thể xem xét cho phép cách ly F1 tại căn hộ chung cư, tập thể nếu có phòng cách ly riêng, khép kín.
Tuy nhiên, nếu có F0 tại nhà thì phải đưa toàn bộ F1 đi cách ly tập trung. Nếu tất cả hoặc nhiều thành viên trong nhà được xác định là F1, có thể xem xét cách ly tất cả thành viên tại nhà, không yêu cầu có phòng cách ly riêng cho mỗi thành viên.
Các khu vực khác (nguy cơ thấp hơn), áp dụng cách ly F1 tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Riêng về cơ sở vật chất, trang thiết bị, ngành y tế không áp dụng yêu cầu phải có phòng riêng để nhân viên y tế khám, lấy mẫu, theo dõi sức khỏe. Nếu tất cả hoặc nhiều thành viên trong nhà được xác định là F1, có thể xem xét cách ly tất cả thành viên tại nhà, không yêu cầu có phòng cách ly riêng.
Sở Y tế TP.HCM yêu cầu ngành y tế địa phương tổ chức đội theo dõi sức khỏe hàng ngày với F0 cách ly tại nhà; tổ chức đường dây nóng tiếp nhận thông tin trường hợp bệnh nhân xuất hiện triệu chứng, khẩn trương đưa vào bệnh viện điều trị.Với trường hợp F1 được theo dõi tại nhà, ngành y tế yêu cầu xét nghiệm PCR theo quy định như trường hợp cách ly tập trung.