Cần Thơ: UBND H.Phong Điền giải thích lý do khu tái định cư triển khai chậm
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 15:01, 14/07/2021
Mục tiêu dự án khu TĐC H.Phong Điền, TP.Cần Thơ để tạo quỹ đất nền TĐC cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án và phục vụ TĐC tại chỗ trên địa bàn huyện. Thế nhưng, chính một số cán bộ, đảng viên lại không chấp nhận giá đền bù để bàn giao mặt bằng.
Ngày 30.10.2019, UBND TP.Cần Thơ đã ban hành quyết định phê duyệt dự án khu TĐC Phong Điền. Theo đó, diện tích khu đất thực hiện dự án khoảng 4,8 hecta với 284 nền. Địa điểm xây dựng tại xã Mỹ Khánh, H.Phong Điền (phía bắc tiếp giáp với kinh thủy lợi, phía nam tiếp giáp với đường Nguyễn Văn Cừ, phía đông tiếp giáp với khu D - khu di tích lịch sử lộ Vòng Cung, phía tây tiếp giáp với đất của dân).
Mục tiêu đầu tư xây dựng dự án là đảm bảo xây dựng đồng bộ công trình hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch được phê duyệt, đáp ứng nhu cầu của địa phương, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra dự án còn sắp xếp, bố trí ổn định dân cư cho các khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai (khu vực bị sạt lở) góp phần ổn định và nâng cao đời sống của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại do thiên tai gây ra góp phần giảm nghèo, bảo vệ môi trường, chỉnh trang đô thị. Đây cũng là dự án tạo quỹ đất để khai thác nguồn thu cho ngân sách. Dự án có tổng mức đầu tư là hơn 126 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách TP, thời gian thực hiện dự án từ năm 2019-2023.
Sau đó, căn cứ vào biến động giá đất trên thị trường, ngày 28.6.2021, UBND TP.Cần Thơ đã ban hành Quyết định số 1367 về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án khu TĐC Phong Điền. UBND TP.Cần Thơ cũng đã quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ sung dự án khu TĐC Phong Điền với tổng mức đầu tư hơn 171 tỉ đồng. Trong đó, cơ cấu nguồn vốn từ giai đoạn 2019 - 2020 là 60,8 tỉ đồng, còn giai đoạn 2021 - 2023 hơn 110 tỉ đồng…
Đây là khu vực nông thôn, nhưng giá đất ở tiếp giáp đường Nguyễn Văn Cừ được áp giá đền bù đến 5,7 triệu đồng/m2, đất cây lâu năm 3,57 tỉ đồng/1.000m2; còn tận sâu vào trong cũng đền đất cây lâu năm với giá thấp nhất là 740 triệu đồng/1.000m2. Mức giá khá cao và sát với giá thị trường.
Ngày 1.7.2021, Ban Quản lý dự án và phát triển quỹ đất H.Phong Điền đã ban hành báo cáo về việc thực hiện dự án công tác bồi thường hỗ trợ và TĐC dự án khu TĐC Phong Điền. Theo đó, dự án khu TĐC Phong Điền có tổng số 40 hộ bị ảnh hưởng. Trong đó, có 37 hộ bị ảnh hưởng về đất và 3 hộ bị ảnh hưởng nhà, vật kiến trúc. UBND H.Phong Điền đã ban hành quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và TĐC cho 37 hộ với tổng số tiền 88 tỉ đồng.
Tuy nhiên, đến thời điểm này mới có 13 hộ nhận tiền với tổng số tiền hơn 37 tỉ đồng (tương đương diện tích 1,5 hecta, tức chỉ khoảng 30% diện tích dự án), 24 hộ chưa nhận tiền với tổng kinh phí dự trù là hơn 50 tỉ đồng. Trong số đó, có 4 hồ sơ do cán bộ đảng viên đứng tên và 14 hồ sơ có người thân là đảng viên...). Còn có 3 hộ đã hoàn thiện hồ sơ cơ sở pháp lý, đang niêm yết sẽ trình phê duyệt trong tháng 7.2021...
Trao đổi với PV về việc vì sao một số cán bộ đảng viên hoặc người thân của đảng viên không chấp hành bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án, ông Nguyễn Trung Nghĩa - Chủ tịch UBND H.Phong Điền cho biết: “Đối với các hộ này, UBND H.Phong Điền đã giao cho Hội đồng Bồi thường tổng hợp và báo cáo với Huyện ủy về trường hợp là đảng viên mà không chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. UBND huyện đã báo cáo xong đang chờ giải quyết của Huyện ủy.
Ngoài ra, có 8 hộ đại điện khiếu nại về giá đất, đề nghị TĐC… thì huyện đã mời 8 hộ dân này gặp gỡ đối thoại và đã giải quyết khiếu nại lần đầu theo quy định. H.Phong Điền cũng đã tuyên truyền, vận động người dân chấp hành quy định của Nhà nước, nhận tiền và giao mặt bằng để thực hiện dự án. Đến nay, theo quy định pháp luật thì vẫn còn thời gian khiếu nại, H.Phong Điền đang theo dõi việc khiếu nại của người dân lên cấp trên như thế nào và sẽ báo cáo TP”.
Một lý do khác mà nhiều hộ đưa ra để khiếu nại, là theo họ, có người trước đây phải mua đất với giá 3-4 tỉ đồng/công (1.000m2), nhưng giờ Nhà nước chỉ đền bù gần 1,5 tỉ đồng/công là thiệt thòi cho họ. Nhưng điều khá bất ngờ là khi họ đưa ra hợp đồng mua bán đất trước đây, thì giá thể hiện trong đó chỉ vài trăm triệu đồng/công nhằm… trốn thuế.
Thông thường, khi giao dịch mua bán nhà đất, người bán phải nộp thuế thu nhập cá nhân là 2% tính trên giá trị chuyển nhượng ghi trên hợp đồng công chứng. Trường hợp giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá do UBND cấp tỉnh quy định thì sẽ nộp thuế theo giá do UBND cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng. Và họ chỉ ghi giá trên hợp đồng từ bằng đến cao hơn chút ít so với giá đất Nhà nước quy định.
Ông Nghĩa cho biết huyện cũng đã nắm thông tin trong thời gian qua có hiện tượng khi giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì người bán và người mua không ghi đúng với giá thực tế chuyển nhượng trên hợp đồng nhằm mục đích để né thuế. Giờ người dân không nhận tiền đền bù vì cho rằng giá bồi thường thấp. Nhưng thực tế, giá bồi thường cơ bản phù hợp với tình hình chung vào thời điểm đơn vị tư vấn đã khảo sát thu thập được thông tin ở khu vực dự án này.
Ông Nghĩa cũng cho biết thêm: “Với tinh thần chung thì huyện cũng đã giao chính quyền xã Mỹ Khánh tiếp tục tuyên truyền, vận đồng người dân khu vực dự án này là TĐC nhằm giải quyết phúc lợi công cộng, chứ không có vấn đề thương mại ở đây. Dự án nhằm phục vụ cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi các công trình trên địa bàn huyện trong thời gian qua mà chưa được bố trí nền TĐC. Huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và quy định của chính quyền địa phương trong thời gian tới”.