Thời điểm vàng với nhiều cơ hội trong thị trường Edtech Việt Nam

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 20:38, 15/07/2021

Năm 2021, thời điểm vàng với nhiều cơ hội trong thị trường Edtech Việt Nam khi chúng ta đang có nhiều mô hình khác nhau liên quan đến công nghệ giáo dục.

Edtech – Mảnh đất màu mỡ

Chia sẻ tại Hội thảo trực tuyến “Ứng dụng công nghệ 4.0 trong giáo dục” diễn ra trong khuôn khổ Edtech Festival 2021, ông Nguyễn Trí Hiển (CEO Công ty CP Công nghệ giáo dục Thiên Hà Xanh) cho biết công nghệ giáo dục là một khái niệm không thể tách rời giữa Công nghệ và Giáo dục, là một thực thể đan xen tạo ra thị trường mới, giúp chuyển giao tri thức, chuyển giao KH-CN một cách tốt hơn, giúp nâng cao năng lực của người học…

Theo ông Hiển, thị trường công nghệ giáo dục đang bước sang giai đoạn thứ 5 – giai đoạn vàng của những đơn vị mong muốn đầu tư và phát triển liên quan đến công nghệ giáo dục. Thời điểm hiện nay, thị trường công nghệ giáo dục tạo được sự đột phá khi 100% người dân và người học đều hiểu được việc đào tạo từ xa, cũng như ứng dụng hình thức dạy học online… Đặc biệt, hàng loạt chính sách về giáo dục của Chính phủ đều hướng tới phát triển giáo dục số.

thoi-diem-vang-voi-nhieu-co-hoi-trong-thi-truong-edtech-viet-nam.jpg
Các diễn giả chia sẻ tại Hội thảo 

Ông Hiển nhận định năm 2021 là thời điểm vàng với nhiều cơ hội trong thị trường Edtech Việt Nam khi chúng ta đang có nhiều mô hình khác nhau liên quan đến công nghệ giáo dục, điển hình như đưa các sản phẩm từ thị trường quốc tế vào Việt Nam; startup, đầu tư startup… với nhiều dạng sản phẩm (nền tảng, nền tảng số)…

Hiện nay, tất cả hạ tầng đã được đáp ứng khi 3 nhà mạng lớn đồng loạt phát sóng thử nghiệm thương mại 5G, mở ra thị trường mới cho nội dung số; Microsoft hỗ trợ Việt Nam đưa ra các máy tính 4G cho thị trường. Đáng chú ý, Chính phủ đang đẩy mạnh về chuyển đổi số; lên các kế hoạch hỗ trợ và công nhận kết quả học online. Đặc biệt, người dân và người học đã làm quen và sẵn sàng cho chuyển đổi số giáo dục.

thoi-diem-vang-voi-nhieu-co-hoi-trong-thi-truong-edtech-viet-nam-anh-3.jpg
Khám phá lịch sử kiến trúc Chùa Một Cột qua các công nghệ hiện đại - Ảnh chụp màn hình

Đổi mới học liệu sử dụng KH-CN

Cũng tại Hội thảo, ông Vũ Duy Thành (Giám đốc WiTEK Solutions) chia sẻ: “Trong quá trình học Thạc sĩ tại Phần Lan - đất nước có nền giáo dục phát triển cao, tôi thấy rằng họ có những đổi mới về mặt KH-CN cũng như có sự đầu tư về học liệu rất cao”.

Quay trở về Việt Nam với sự đau đáu “Làm thế nào để học sinh, sinh viên Việt Nam có thể tiếp cận nền giáo dục với học liệu cùng các công nghệ mới trong giáo dục?”, nên trong quá trình tìm hiểu, WiTEK đã áp dụng những công nghệ như công nghệ 360, công nghệ VR (thực tế ảo)… để đổi mới và phát triển, cải thiện những học liệu mà hiện giờ Việt Nam đang còn thiếu.

Theo ông Thành, ở Việt Nam, học liệu vẫn đang được sử dụng một cách rất truyền thống, chủ yếu đến từ sách giáo khoa hoặc slide do giáo viên tự chuẩn bị; ngoài ra, các học liệu trên các nền tảng học trực tuyến hiện giờ vẫn còn thiếu và yếu, chưa có sự phân hóa cụ thể mà chỉ dừng lại ở các video hoặc slide trình bày… Như vậy, sự tương tác ở trong những học liệu đó chưa cao.

thoi-diem-vang-voi-nhieu-co-hoi-trong-thi-truong-edtech-viet-nam-anh-4.jpg
Dự án Phục dựng Mộc bản triều Nguyễn - Ảnh chụp màn hình

Vì vậy, ông Thành cho rằng việc số hóa bài giảng ở dạng 3D/3D tương tác giúp hình ảnh hiển thị trong bài giảng được sắc nét, độ chân thật cao, có thể giúp người học truy cập ở mọi nơi với mọi thiết bị, có thể tích hợp trong hệ thống học trực tuyến hoặc sử dụng trong các bài giảng offline, đặc biệt mang tính tương tác cao.

Được biết, tại Việt Nam, nhóm SEN Heritage đã nghiên cứu phát triển chương trình du lịch ảo khám phá lịch sử kiến trúc Chùa Một Cột. Ngoài ra, WiTEK cũng đang thực hiện dự án Phục dựng Mộc bản triều Nguyễn.

Theo chia sẻ từ ông Thành, hiện WiTEK đã tiến hành phục dựng được khoảng 30 Mộc bản triều Nguyễn nhằm phục vụ quá trình giảng dạy môn Lịch sử cho các Trường đại học. Tất cả được làm hết sức chi tiết và số hóa nhằm lưu giữ cho tương lai, việc số hóa cũng giúp cho học sinh trải nghiệm được các tư liệu lịch sử ở mọi nơi, có sự trực quan, tương tác quan…

thoi-diem-vang-voi-nhieu-co-hoi-trong-thi-truong-edtech-viet-nam-2-.jpg
Diễn giả chia sẻ tại Hội thảo

Phải chuyển sang một nền giáo dục chia sẻ

TS. Mai Văn Tỉnh (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ) nhấn mạnh: “Chúng ta phải chuyển sang một nền kinh tế chia sẻ, một nền văn hóa chia sẻ, một nền giáo dục chia sẻ, học thuật chia sẻ”.

Theo thầy Tỉnh, thị trường công nghệ giáo dục đang rất sôi động, học liệu số đang phát triển và đó là công nghệ giáo dục; nhưng giáo dục công nghệ của Việt Nam còn quá chậm. Thầy Tỉnh cho rằng việc cản trở lớn nhất hiện nay lại đến từ đội ngũ giáo viên, về khoảng cách công nghệ giữa thế hệ thầy và thế hệ trò.

Dưới góc nhìn của TS. Tôn Quang Cường (Trưởng phòng KH-CN Giáo dục, Đại học Giáo dục) thì việc học là một quá trình, người học có thể tiếp cận kiến thức từ nhiều nguồn. Và để làm cho việc học trở nên thú vị hơn thì việc học phải công khai, minh bạch, có nhiều nền tảng công nghệ, áp dụng các học liệu số. Trong thời gian tới, việc học trong bối cảnh chuyển đổi số sẽ huy động rất nhiều lực lượng tham gia, không chỉ dừng lại trong khuôn khổ giữa thầy và trò.

Ngoài ra, thầy Cường nhấn mạnh tới vai trò của phụ huynh khi tham gia học tập cùng con. Trong giai đoạn giãn cách xã hội vì dịch COVID-19, chính các bậc phụ huynh đã tham gia học tập cùng các con một cách rất tích cực. Lúc này, chúng ta mới thấy rõ vai trò, vị thế của giáo dục gia đình khi bậc cha mẹ cùng thầy cô giáo tìm kiếm những học liệu, điều kiện học tập tốt nhất cho các con…

Trước đó, theo chia sẻ của ông Đỗ Nguyên Hưng (Trưởng Làng Edtech Techfest), trong quá trình gắn kết, sự trao đổi, hợp tác hai chiều giúp cho hệ thống giáo dục của Việt Nam được chuyển đổi số một cách toàn diện. Trong bối cảnh COVID-19 bùng phát, sức ép chuyển đổi số trong ngành giáo dục là rất lớn; và chúng ta vẫn đang nghiên cứu, trang bị, cập nhật những cơ sở học liệu số, thay đổi hình thức giảng dạy, quản lý giáo dục.

Thu Anh