Đôi vợ chồng trẻ nơi tâm dịch rơi nước mắt mỗi khi điện thoại cho con

Sự kiện - Ngày đăng : 19:56, 16/07/2021

Vợ đi cách ly, còn chồng phải trực chiến nơi tâm dịch COVID-19 để cứu bệnh nhân nặng và nguy kịch. Mỗi lần điện thoại nghe con hỏi: “Khi nào ba mẹ về với con” là vợ chồng anh lại rơi nước mắt.

Dịch bệnh COVID-19 tại TP.HCM ngày càng phức tạp, từ hơn 1 tháng qua, bác sĩ trẻ Trần Chánh Xuân– Giám đốc Bệnh viện Điều trị COVID-19 Củ Chi không được gặp con, vì phải túc trực 24/24 tại đây. Tranh thủ những lúc rảnh, anh liền điện thoại về thăm con, mỗi lần gọi bé đều hỏi:“ Khi nào ba mẹ về với con”. Mỗi lần như thế, anh phải khựng lại một lát rồi nói với con: “Ráng ít bữa nữa ba mẹ về, con ở nhà ngoan nhé”.

doi-vo-chong-bac-si-tre-noi-tam-dch-roi-nuoc-mat-moi-khi-dien-thoai-cho-con-hinh-anh(1).png
Bác sĩ Trần Chánh Xuân– Giám đốc Bệnh viện Điều trị COVID-19 Củ Chi ( áo xanh) đang hội chẩn với các đồng nghiệp về  một ca mắc COVID-19 nặng - Ảnh: PV

Sau thời gian công tác ở Bệnh viện quận Thủ Đức (nay là Bệnh viện TP. Thủ Đức), bác sĩ Xuân được điều về làm Phó giám đốc Bệnh viện huyện Củ Chi. Đến tháng 2.2020, Bệnh viện Dã chiến Củ Chi được thành lập để thực hiện việc thu dung và điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, bác sĩ Xuân được điều về đây kiêm nhiệm chức vụ phó giám đốc Bệnh viện Dã chiến Củ Chi. Lúc này anh như con thoi, phải qua lại giữa 2 bệnh viện.

Tuy nhiên, đến ngày 12.6 vừa qua, khi tình hình dịch COVID-19 ở TP.HCM trở nên phức tạp, Bệnh viện huyện Củ Chi đã được chuyển đổi công năng thành Bệnh viện Điều trị COVID-19 Củ Chi, bác sĩ Xuân bất đắc dĩ trở thành người nắm 2 bệnh viện điều trị COVID-19. Vì thế nhiều người gọi anh là “bác sĩ COVID-19”.

Thời gian này, bác sĩ Xuân buộc phải túc trực 24/24 tại Bệnh viện Điều trị COVID-19 Củ Chi trong tình trạng “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Thế là suốt hơn 1 tháng qua, anh không được gặp các con của mình.

Vị bác sĩ trẻ này cho biết, anh có 2 cháu, cháu trai lớn chỉ mới 9 tuổi, còn cháu gái nhỏ mới 4 tuổi. Vợ anh cũng là một bác sĩ công tác tại một bệnh viện ở TP.HCM, nhưng cách đây 2 tuần bệnh viện này có ca mắc COVID-19, vợ anh trở thành F1 buộc phải cách ly tập trung.

Từ đó, 2 đứa con nhỏ của anh đã không được gần gũi cha mẹ, các cháu phải tự làm quen với những ngày không cha, không mẹ. Tuy nhiên, cũng rất may có người thân hỗ trợ, trông nom giúp, chứ không thì vợ chồng anh cũng chẳng biết phải xoay sở thế nào.

“Tranh thủ lúc rảnh, tôi gọi điện thoại về cho con thì cháu lớn liền hỏi: “Khi nào ba mẹ về với con”. Những lúc như vậy, tôi khựng lại, ứa nước mắt rồi liền nói: “Ráng ít bữa nữa ba mẹ về, con ở nhà ngoan nhé”, bác sĩ Xuân chia sẻ.

Nói với con như thế, chứ bác sĩ Xuân thừa biết rằng, cuộc chiến chống dịch COVID-19 lần này còn kéo dài, đầy cam go và phức tạp, chưa biết khi nào kết thúc. Anh là người “đứng mũi chịu sào” ở Bệnh viện Điều trị COVID-19 Củ Chi càng có trách nhiệm hơn.

Dịch bệnh COVID- 19 tại TP.HCM trong những ngày qua phức tạp, số ca mắc chuyển đến bệnh viện liên tục tăng, nhất là những bệnh nặng và nguy kịch khiến bác sĩ Xuân và các đồng nghiệp ở đây gần như kiệt sức, không có thời gian để ăn uống, chứ nói gì đến chuyện lo cho gia đình.

Bác sĩ Xuân cho biết, đến ngày 16.7, Bệnh viện Điều trị COVID-19 Củ Chi đang điều trị gần 800 bệnh nhân mắc COVID-19, trong đó có trong đó có 55 bệnh nhân và rất nặng, 12 bệnh nhân nguy kịch.

“Nhớ tụi nhỏ lắm, vì hơn cả tháng qua chưa được gặp mặt, nhưng công việc như một guồng quay, có muốn về thăm con cũng không được. Giờ đây, anh em phải dồn sức để cứu chữa bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân COVID-19 nặng. Mỗi bệnh nhân COVID-19 qua cơn nguy kịch chính là niềm vui, niềm an ủi lớn nhất của những anh em bác sĩ ở đây”, bác sĩ Xuân chia sẻ.

Có thể nói, chưa bao giờ các nhân viên y tế ở TP.HCM phải hy sinh và vắt kiệt cả sức mình như lúc này. Tuy nhiên, những chiến sĩ áo trắng này vẫn luôn lăn xả, hết mình vì bệnh nhân, chiến đấu như những chiến binh quả cảm để mong giành lại sự sống cho những bệnh nhân mắc COVID-19 đang “nghìn cân treo sợi tóc”.

“Giờ đây tôi chỉ cầu mong những bệnh nhân mắc COVID-19 nặng sớm hồi phục và được xuất viện, dịch bệnh được đẩy lùi. Người dân được trở lại cuộc sống bình thường, guồng máy xã hội hoạt động trở lại, các y bác sĩ chống dịch được trở về sum họp với gia đình”, bác sĩ Xuân nói.

Hồ Quang