Trang bị máy tối tân phát hiện COVID-19 qua hơi thở tại Nhà QH để phục vụ kỳ họp thứ nhất

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 14:17, 17/07/2021

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 15 được khai mạc ngày 20.7, bế mạc vào ngày 31.7, rút ngắn 5 ngày làm việc so với dự kiến, đồng thời làm việc không nghỉ ngày thứ bảy.

Ngày 17.7, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bí thư Ban Cán sự đảng Chính phủ đã đồng chủ trì cuộc họp giữa Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự đảng Chính phủ nhằm thống nhất nội dung kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa 15.

hop-qh.jpg
Quốc hội sẽ rút ngắn 5 ngày làm việc tại kỳ họp thứ nhất

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự đảng Chính phủ thể hiện sự thống nhất cao về nội dung, cách thức tổ chức kỳ họp thứ nhất cũng như các báo cáo về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm, chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia…, đồng thời khẳng định Chính phủ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý từ Đảng đoàn Quốc hội trên tinh thần cầu thị và lắng nghe.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kỳ vọng kỳ họp thứ nhất Quốc hội 15 sẽ tiếp nối và thể hiện cao nhất khí thế từ thành công rất tốt đẹp của Đại hội 13 của Đảng và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 15 và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vừa qua, để thực hiện nhất quán quan điểm: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, thời gian qua đất nước vẫn đạt được nhiều thành tích, kết quả quan trọng về công tác xây dựng đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền, hệ thống chính trị; giữ vững được độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; thực hiện sâu rộng, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, đặc biệt là các hoạt động ngoại giao vắc xin; tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tương thân tương ái trong hoạn nạn dịch bệnh được phát huy cao độ. Những nội dung này sẽ được thể hiện rõ trong các báo cáo trình Quốc hội trong kỳ họp thứ nhất tới đây.

Đề cập đến công tác nhân sự, Thủ tướng khẳng định công tác này được tiến hành hết sức chặt chẽ, được lòng dân và cần được thể hiện nhất quán tại kỳ họp, không để các thế lực thù địch xuyên tạc, chống phá.

Liên quan đến chương trình họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Ban Cán sự đảng Chính phủ nhất trí cao với Đảng đoàn Quốc hội về chương trình họp và trong điều kiện “vừa chiến đấu với dịch bệnh, vừa bảo đảm sản xuất” và “chống dịch như chống giặc”.

Theo đó, việc rút ngắn thời gian kỳ họp là hợp lý và đã được tính toán kỹ để kỳ họp được tổ chức thực sự an toàn, ngắn gọn nhưng vẫn đảm bảo dân chủ, đúng Hiến pháp, pháp luật, phát huy cao nhất trí tuệ của các đại biểu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho biết Chính phủ đã xây dựng các phương án rất kỹ lưỡng để bảo đảm an ninh, an toàn cũng như bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh cho kỳ họp quan trọng này của Quốc hội, trên tinh thần, mức độ phương án như bảo đảm an toàn cho Đại hội lần thứ 13 của Đảng và cuộc bầu cử vừa qua.

“Tôi tin tưởng sâu sắc rằng, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan thuộc Chính phủ, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 15 sẽ diễn ra thành công tốt đẹp”, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết đây là cuộc họp theo thông lệ giữa Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự đảng Chính phủ trước mỗi kỳ họp của Quốc hội để rà soát các vấn đề tổ chức kỳ họp, thống nhất chương trình, nội dung và cách thức tổ chức kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 15.

Đến nay, công tác chuẩn bị nội dung kỳ họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội với Chính phủ, các bộ ngành và các cơ quan tư pháp được chuẩn bị chu đáo, công phu, kỹ lưỡng để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất.

Trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Chủ tịch Quốc hội cho biết Đảng đoàn Quốc hội đã làm việc với các cơ quan liên quan, báo cáo Bộ Chính trị và sẽ họp tập trung tại phòng họp Diên Hồng.

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 15 sẽ khai mạc ngày 20.7, bế mạc vào ngày 31.7, rút ngắn 5 ngày làm việc so với dự kiến, đồng thời làm việc không nghỉ ngày thứ bảy. Điều này nhằm tiết kiệm thời gian song vẫn đảm bảo các nội dung chương trình đề ra gồm công tác nhân sự và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm tới. Bộ Chính trị đã đồng ý phương án họp tập trung tại nhà Quốc hội.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng cho hay Bộ Y tế cũng vừa có văn bản trả lời Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các biện pháp bảo đảm an toàn phòng dịch tại kỳ họp thứ nhất.

Cụ thể, các đại biểu quốc hội đến từ địa phương có dịch sẽ được đưa đón riêng, ở nhà khách riêng và ngồi họp riêng một khu vực trong phòng họp Diên Hồng. Có phương án bố trí phương tiện tối tân như máy phát hiện COVID-19 qua hơi thở tại Nhà Quốc hội.

Đại diện cơ quan của Bộ Y tế và Văn phòng Quốc hội sẽ thường trực tại Nhà Quốc hội để xử lý các vấn đề phát sinh nếu có nhằm bảo đảm an toàn trong công tác phòng chống dịch bệnh cho kỳ họp.

Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết Văn phòng Quốc hội đã và đang thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 cho các đại biểu quốc hội, cán bộ tham gia phục vụ kỳ họp và phóng viên, báo chí tham gia tuyên truyền về kỳ họp.

Tính đến ngày 16.7 đã có 435/499 đại biểu quốc hội được tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Đối với 64 trường hợp còn lại, Văn phòng Quốc hội đang tiếp tục rà soát, xác minh để tiến hành tổ chức tiêm ngừa vắc xin bảo đảm an toàn cho các đại biểu.

Trước đó, trong cuộc bầu cử ngày 23.5, cử tri cả nước đã bầu đủ 500 đại biểu quốc hội khóa 15. Tuy nhiên, trong quá trình xem xét xác nhận tư cách người trúng cử theo quy định của pháp luật, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã quyết định không xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu quốc hội khóa 15 vì không bảo đảm tiêu chuẩn đại biểu quốc hội theo quy định của pháp luật đối với 1 trường hợp tại đơn vị bầu cử số 1 thuộc tỉnh Bình Dương.

Do đó, đã có 499 người trúng cử đại biểu quốc hội khóa 15 (đạt 99,8%). Trong đó đại biểu do các cơ quan, tổ chức ở trung ương giới thiệu có 194 người trúng cử; đại biểu do các cơ quan, tổ chức ở địa phương giới thiệu có 301 người trúng cử; đại biểu tự ứng cử có 4 người trúng cử.

Số đại biểu dự kiến hoạt động chuyên trách ở trung ương trúng cử là 126 người; số đại biểu hoạt động chuyên trách ở địa phương trúng cử là 67 người.

Về cơ cấu thành phần, đại biểu là phụ nữ: 151 người (tỷ lệ 30,26%); đại biểu là người dân tộc thiểu số: 89 người (tỷ lệ 17,84%); đại biểu trẻ dưới 40 tuổi: 47 người (tỷ lệ 9,42%); đại biểu là người ngoài Đảng: 14 người (tỷ lệ 2,81%); đại biểu khóa 14 tái cử hoặc đã từng là đại biểu quốc hội các khóa trước: 203 người (tỷ lệ 40,68%); đại biểu lần đầu tham gia Quốc hội: 296 người (tỷ lệ 59,32%).

Về trình độ chuyên môn, trên đại học: 392 người, tỷ lệ 78,56% (trong đó, tiến sĩ 144 người, thạc sĩ 248 người); đại học: 106 người (tỷ lệ 21,24%); dưới đại học: 1 người (tỷ lệ 0,20%). Về học hàm: Giáo sư 12 người (tỷ lệ 2,40%), phó giáo sư: 20 người (tỷ lệ 4%).

Cơ cấu thành phần đại biểu quốc hội khóa 15 đã giảm đại biểu kiêm nhiệm làm việc trong các cơ quan hành pháp, tư pháp, tăng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách. Lần đầu tiên trong các nhiệm kỳ quốc hội, tỷ lệ đại biểu quốc hội dự kiến hoạt động chuyên trách trúng cử cao, đạt 38,6% tổng số đại biểu.

Đặc biệt, lần đầu tiên trong 15 nhiệm kỳ quốc hội, tỷ lệ đại biểu quốc hội trúng cử là người dân tộc thiểu số đạt 17,84% - cao nhất từ trước đến nay và đây cũng là lần đầu tiên Quốc hội nước ta có thêm đại diện của 2 dân tộc thiểu số rất ít người là Lự và Brâu.

Lam Thanh