TP.HCM: Ngày thứ 10, nếu F0 không triệu chứng âm tính sẽ cho xuất viện

Thông tin Y học - Ngày đăng : 14:14, 19/07/2021

Nhằm nhanh chóng giải tỏa bệnh bệnh nhân F0 không triệu chứng, TP.HCM quyết định thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên vào ngày thứ 10, nếu bệnh nhân âm tính sẽ cho xuất viện.

Ngày 19.7, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho hay, TP đã có hướng dẫn xét nghiệm nhanh kháng nguyên đối với các F0 không triệu chứng, bệnh nhẹ vào ngày thứ 10, nếu có kết quả âm tính sẽ cho xuất viện để giảm áp lực cho cơ sở điều trị.

tphcm-ngay-thu-10-neu-f-khong-trieu-chung-am-tinh-se-cho-xuat-vien-hinh-anh(1).png
Một cơ sở xét nghiệm vi rút SARS- CoV-2 tại TP.HCM- Ảnh: PV

Theo đó, tại công văn khẩn số 4694/SYT-NVY gửi các đơn vị có liên quan, Sở Y tế TP.HCM đã hướng dẫn thực hiện xét nghiệm đối với các trường hợp F0 không có triệu chứng để tiến hành cho xuất viện. Cụ thể, các trường hợp F0 không có triệu chứng đang được điều trị cách ly tại các bệnh viện thu dung điều trị COVID-19 sẽ được thực hiện xét nghiệm RT-PCR vào ngày thứ 8. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính hoặc dương tính nhưng có tải lượng vi rút thấp (giá trị CT ≥ 30) thì sẽ được tiến hành thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-COV-2 vào ngày thứ 10. Nếu kết quả xét nghiệm nhanh này âm tính, người bệnh sẽ được cho xuất viện và cách ly theo dõi tại nhà và phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19.

Trước đó Sở Y tế TP cũng đã có quy định đối với những F0 không triệu chứng đang điều trị tại bệnh viện, có thể xuất viện vào ngày thứ 10 khi đảm bảo kết quả xét nghiệm bằng RT - PCR 2 lần liên tiếp (cách nhau ít nhất 24 giờ) âm tính với SARS-CoV-2 hoặc có nồng độ vi rút thấp (giá trị CT ≥ 30).

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP, việc thay đổi này là phù hợp với tình hình thực tế số ca mắc COVID-19 đang ngày càng tăng. Với kết quả nghiệm này thứ 8 với RT-PCR âm tính hoặc dương tính với nồng độ vi rút thấp thì F0 không triệu chứng đã được đánh giá là có nguy cơ lây nhiễm thấp cho người khác. Sau 2 ngày, đến ngày thứ 10 sử dụng thêm xét nghiệm kháng nguyên nhanh sẽ vừa giúp đánh giá lại khả năng lây nhiễm của bệnh nhân vừa rút ngắn thời gian bệnh nhân phải chờ kết quả xét nghiệm bằng RT-PCR.

Hồ Quang