Mao Trạch Đông chê Mã Viện vấn đề 'giai cấp' khi đánh Hai Bà Trưng
Giáo dục - Ngày đăng : 20:31, 04/08/2016
Kỳ 1: Chu Ân Lai viếng đền Hai Bà Trưng, Mao Trạch Đông ca ngợi
Như kỳ trước đã đề cập, trong hàng ngàn năm qua các triều đình phương Bắc đều cho rằng Hai Bà Trưng là kẻ phản loạn và không thừa nhận những tội ác do Mã Viện gây ra sau khi ông ta dập tắt cuộc khởi nghĩa của hai nữ anh hùng.
Thế nhưng, các lãnh đạo Trung Quốc sau này lại phần nào phê bình những hành động của Mã Viện với người Việt.
Cụ thể, theo tờ Quang minh Nhật báo cho biết vào thời Cách mạng văn hóa, Mao Trạch Đông đã từng nhận xét về nhân vật Mã Viện như sau: "Dù Mã Viện không thể tách khỏi hạn chế giai cấp của mình, nhưng ông ta là một tướng tài, giỏi thao lược".
Bình luận của người sáng lập nước Trung Quốc hiện đại cho thấy ông vẫn "khen" Mã Viện là "tướng tài, giỏi thao lược" như quan điểm lâu nay của người phương Bắc. Tuy nhiên, Mao Trạch Đông lại nói là Mã Viện "không thể tách khỏi hạn chế giai cấp của mình". Có lẽ theo quan điểm giai cấp của Mao Trạch Đông thì Mã Viện nên đứng về người dân bị áp bức và nổi dậy chống những kẻ áp bức thì mới là thấm nhuần tư tưởng .
Không chỉ là một tướng soái đã dập tắt cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, Mã Viện còn là một viên quan thống trị hết sức thâm độc. Để dập tắt mầm mống chống đối của người dân nước Nam, Mã Viện đã vô hiệu hóa mọi phương tiện truyền đạt hiệu lệnh khởi nghĩa của các Lạc hầu Lạc tướng Việt, đồng thời hủy hoại trống đồng - vật biểu trưng cho nền văn minh Việt và cũng là biểu tượng quyền uy của giới lãnh đạo thời Hùng Vương.
Mã Viện ra lệnh tịch thu tất cả trống đồng của Lạc Việt để đúc “ngựa thép” dâng lên vua Hán. Hậu Hán Thư chép lại chuyện này như sau: “Viện cưỡi ngựa hay có tiếng nên khi ở Giao Chỉ, lấy được trống đồng Lạc Việt bèn đúc ngựa thép về dâng vua”.
Vấn đề không đơn giản như Hậu Hán Thư chép vì trống đồng không chỉ là nhạc cụ truyền thống dùng trong các lễ hội mà trống đồng còn là biểu tượng quyền uy tuyệt đối của các Lạc hầu, Lạc tướng thủ lĩnh quân trưởng của địa phương thời Lạc Việt.
Tiếng trống đồng là hiệu lệnh tập hợp của các thủ lĩnh người Việt. Mỗi khi nghe tiếng trống, người người kéo đến tụ họp.
Chính vì vậy, việc làm của Mã Viện là chủ trương trước sau như một của những kẻ xâm lược phương Bắc; bành trướng từ Mã Viện đời Đông Hán đến Gia Cát Lượng đời Tam Quốc, Âu Dương Ngụy đời Lục triều và Lưu Hiển đời Minh. Thời nào Hán tộc cũng tìm cách tịch thu phá hủy trống đồng Việt cổ, tịch thu tiêu hủy toàn bộ sách sử của nước ta nhằm hủy diệt ý chí chống giặc thù phương Bắc của người Việt.
Không chỉ là âm mưu thâm độc thông thường, họ Mã quyết tuyệt diệt nền văn minh của người nước Nam chủ yếu là do lo sợ các con cháu của Hai Bà Trưng sẽ nổi dậy trả thù, vì nếu không may mắn Viện khó có thể tiêu diệt được cuộc khởi nghĩa của hai bà.
Phần Mã Viện Truyện thuộc Hậu Hán Thư là một truyện viết ra để "ca ngợi công lao" của viên tướng người Đông Hán này, nhưng nó lại phần nào đó cho thấy sự thật sức mạnh của Hai Bà Trưng đã làm quan quân nhà Đông Hán sợ hãi như thế nào.
Vào thời điểm được vua Quang Vũ Đế (Lưu Tú) sai đi phương nam diệt Hai Bà Trưng thì Mã Viện đã 58 tuổi, khi đó y được xem là một trong những lão tướng già nhất trong triều. Việc phải cậy vào một vị tướng lão thành, sau khi mất 65 thành trì vào tay chị em Hai Bà Trưng cho thấy triều đình nhà Hán khi đó rất lo sợ hai bà và thiếu người thực tài dám đi đàn áp cuộc khởi nghĩa của người dân nước Nam.
Để "ép" họ Mã phải tuân chỉ mà đưa quân xuống phương Nam dập tắt cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, Quang Vũ Đế không những long trọng ủy thác sứ mạng, mà còn phong thêm chức tước tột bực cho Mã Viện. Toàn thể tướng tá tùy tùng cũng theo đó mà được gia phong.
Ấy vậy nhưng trước khi Mã Viện lên đường, một chi tiết trong Hậu Hán Thư cho thấy y vô cùng lo lắng, thậm chí là trối lại một câu với gia đình rằng: "Thôi thì làm tướng da ngựa bọc thây, hơn là chết tại xó nhà".
Sau khi xuất quân sang đánh Hai Bà Trưng, quân của Mã Viện gặp không ít khó khăn, thậm chí viên tướng chỉ huy thủy quân là Đoàn Chí cũng bị bệnh chết.
Thế nhưng sách sử Trung Quốc thường không nhắc tới những trận đánh quật khởi của Hai Bà Trưng trước đoàn quân đông hơn nhiều lần của Mã Viện. Thay vào đó, sử sách nước này lại nói rằng "binh lực thiên triều" bị hao tổn chủ yếu là do "Lam sơn chướng khí".
"Khí hậu ác độc của phương Nam đã làm cho binh sĩ Đông Hán tật bệnh nhiều, nào nước lụt, nào mưa nhiều, nắng hạ bốc lên như lửa đốt, trên trời diều hâu đang bay bỗng rớt xuống mà chết", theo Việt Sử Toàn Thư (trang 109).
Vì sự chống trả quật cường của người phương Nam nên sau khi chiến thắng trước Hai Bà Trưng, để tránh hậu họa về sau Mã Viện đã thực hiện nhiều hành động độc ác với người Việt.
Thiên Hà