TP.HCM đang triển khai các khu điều trị dự kiến sẽ có 60.000 giường bệnh
Sự kiện - Ngày đăng : 20:47, 19/07/2021
Chiều 19.7, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM kết hợp với Sở Thông tin và truyền thông tổ chức họp báo thông tin về tình hình phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.
Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, hiện TP có khoảng 30.000 ca F0 và đang triển khai các khu điều trị với số giường dự kiến là 60.000. Nhiều bệnh viện dã chiến đang xây dựng mới được doanh nghiệp hỗ trợ hoàn toàn, đang từng bước hoàn thiện đưa vào sử dụng. Các khu tái định cư vẫn còn rộng, còn năng lực tiếp nhận, năng lực tiếp nhận F0 vẫn còn nhiều, tuy nhiên, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường nên vẫn cần có chuẩn bị.
Ông Nguyễn Hoài Nam khẳng định, hiện TP.HCM có 30.000 ca mắc COVID-19, nhưng ngành y tế cũng đã chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản 60.000 ca. Thậm chí cả bệnh viện Từ Dũ cũng có kế hoạch chia đôi để một nửa điều trị COVID-19, một nửa vẫn làm công tác khám chữa bệnh như bình thường. “Đến thời điểm hiện tại, số lượng máy thở đến nay đủ cho công tác điều trị, không có tình trạng thiếu máy thở, phải trang bị khẩn cấp”, ông Nguyễn Hoài Nam nói.
Theo bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, bệnh viện dã chiến là nơi điều trị F0 không triệu chứng, khi chuyển sang có triệu chứng thì chỉ cần dùng bình oxy và chuyển đi điều trị tại các bệnh viện. Do đó, tại bệnh viện dã chiến, ngành y tế có trang bị bình oxy, chứ không cần thiết có máy thở. Các bình oxy được trang bị đầy đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng.
Liên quan đến tình trạng F0 chờ nhập viện, ông Nguyễn Hoài Nam cho biết, trong giai đoạn đầu, ngành y tế xác nhận là chưa có sự đồng bộ, nên đã có sự điều chỉnh. Sau đó đã giao Trung tâm cấp cứu 115 điều phối tất cả các trường hợp F0 về điều trị. TP.HCM đã có kế hoạch tiêm vắc xin, người trên 65 tuổi và có bệnh nền sẽ tiêm ở bệnh viện chứ không tiêm ở các điểm tiêm phường, xã, thị trấn.
Về vấn đề nguồn lương thực, thực phẩm cho thành phố, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, thời gian qua, ngành công thương lo lắng vào thời điểm công bố giãn cách theo Chỉ thị 16 ở 19 tỉnh thành, sẽ xảy ra tình trạng người tập trung đông người để mua sắm. Sở đã tính toán chuẩn bị nguồn hàng, nhưng qua theo dõi thì không có tình trạng này, thậm chí tại các chợ truyền thống, lượng người tới mua và lượng hàng mua về cũng giảm. Có trường hợp hàng bán lưu động không bán hết, phải mang về. Do vậy áp lực lên các kênh phân phối những ngày qua đã tạm ổn.
Sáng 19.7, toàn TP.HCM chỉ còn 40 chợ truyền thống hoạt động, tới chiều cùng ngày tăng lên 44 chợ. Trong đó tích cực nhất là Bình Tân đã mở lại 5 chợ. “Thời gian tới, tiến độ mở lại chợ sẽ nhanh hơn. Nhờ áp lực mua sắm vài ngày qua có giảm xuống nên ngành công thương có thời gian ngồi lại để sắp xếp, nâng cao năng lực cung ứng hàng hóa. Trong đó ưu tiên phương thức bán hàng theo gói, combo để giảm thời gian chuẩn bị, giảm thời gian mua sắm”, ông Nguyễn Nguyên Phương thông tin.
Chiều cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng đã ký văn bản xem xét mở cửa trở lại hoạt động của một số chợ truyền thống. Trong đó yêu cầu là phải đảm bảo công tác phòng chống dịch, tập trung thí điểm cho mặt hàng thực phẩm tươi sống thiết yếu, từ đó rút kinh nghiệm và mở rộng.
Ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết, sáng 19.7 hai chuyến tàu đầu tiên từ miền Tây đã tháo bỏ ghế vận chuyển hành khách để vận chuyển hàng hóa lên TP.HCM. Tới đây, sẽ triển khai thêm việc này. Sở Công thương cũng vận động được nhiều đơn vị logistics có năng lực hiện chưa sử dụng tới tích cực tham gia việc kết nối, đưa hàng hóa về TP.HCM.
Liên quan đến sự chậm trễ của hai tàu chở hàng hóa từ miền Tây lên, ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết nguyên nhân là công tác logistics của đơn vị còn chậm do chưa có kinh nghiệm. Tàu này tuy là tàu cao tốc, nhưng tuyến đường thủy từ miền Tây lên TP.HCM có nhiều tàu thuyền nhỏ, khiến tàu này không thể chạy nhanh được.
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, mấy ngày vừa qua, tăng giá là do khó khăn của hệ thống phân phối trục trặc trong điều kiện dịch bệnh. Các chuỗi chợ truyền thống dừng hoạt động nhiều. Trong khi các hệ thống phân phối hiện đại vẫn thực hiện đúng cam kết bình ổn thị trường. Từ đó dẫn đến tình trạng “hai giá” – giá thị trường và giá trong siêu thị, người dân vào siêu thị mua hàng mang ra ngoài bán.
Ngày mai Sở sẽ làm việc với quản lý thị trường TP, tăng cường kiểm tra kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp găm hàng, đưa hàng ra ngoài bán. Tới đây khi các chợ hoạt động trở lại, nguồn cung tăng lên thì giá cả sẽ không còn cao như mấy ngày vừa qua.