Nhật Bản cấp phép cho phương pháp ông Trump từng dùng chữa COVID-19

Thông tin Y học - Ngày đăng : 13:34, 20/07/2021

Bộ Y tế Nhật Bản đã cấp phép khẩn cấp đặc biệt cho phương pháp điều trị COVID-19 của Công ty Dược phẩm Regeneron.

Ngày 19.7, một loại kháng thể được phát triển bởi Công ty Dược phẩm Regeneron có trụ sở tại Mỹ đã được Bộ Y tế Nhật Bản cấp phép khẩn cấp, mở ra cơ hội mới trong điều trị COVID-19.

Được phát triển bởi Roche, phương pháp điều trị đã được thực hiện cho cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump khi ông mắc COVID-19 vào năm ngoái. Phương pháp này đã nhận được giấy phép sử dụng khẩn cấp từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) vào tháng 11.2020.

“Đây là một bước tiến lớn. Việc điều trị sẽ được thực hiện chủ yếu cho những bệnh nhân nhập viện có nguy cơ diễn tiến nghiêm trọng”, Bộ trưởng Y tế Nhật Bản Norihisa Tamura cho biết.

db364d91-af2b-4fa1-bba5-4141e7966bc1.jpeg

Phương pháp điều trị này được gọi là RENG-COV2 là sự kết của hai kháng thể đơn dùng casirivimab và imdevimab, là các protein chống lại sự xâm nhập của vi rút vào tế bào con người. Hỗn hợp này khiến vi rút khó đột biến và khó thoát khỏi các kháng thể này. Kháng thể này được dành cho những bệnh nhân có nguy cơ tiềm ẩn chẳng hạn như mắc các bệnh mãn tính hoặc béo phì, với các triệu chứng từ nhẹ đến trung bình. Nó được dùng cho cả người lớn và trẻ em nặng từ 40kg trở lên. Việc điều trị bằng kháng thể này có hiệu quả với biến chủng Delta.

Theo Regeneron, một cuộc thử nghiệm lâm sàng cho thấy loại kháng thể này làm giảm 70% nguy cơ nhập viện và tử vong ở những người có nguy cơ cao. Ngoài ra, một thử nghiệm do Đại học Oxford thực hiện trên 10.000 bệnh nhân cho thấy rằng phương pháp này làm giảm tỷ lệ tử vong xuống 1/5 và rút ngắn thời gian nhập viện khoảng 4 ngày ở những bệnh nhân COVID-19.

Takeshi Urano, giáo sư khoa Y tại Đại học Shimane cho biết: “Các phương pháp điều trị hiện nay thường dành cho các trường hợp nặng, vì vậy phê duyệt một lựa chọn cho các trường hợp nhẹ đến trung bình sẽ mở ra nhiều lựa chọn chăm sóc hơn”. Việc ngăn ngừa các ca bệnh nhẹ hơn cũng sẽ giúp giảm bớt áp lực y tế.

Nhưng vẫn còn một số lo ngại về tác dụng của phương pháp điều trị này. Hỗn hợp kháng thể được báo cáo là dẫn đến các triệu chứng tồi tệ hơn ở một số bệnh nhân yếu, có lượng oxy trong máu cao và cần máy thở. Các thử nghiệm lâm sàng cũng chưa xác định được hiệu quả của nó ở những bệnh nhân đã xuất hiện các triệu chứng trong 8 ngày hoặc lâu hơn.

Ba phương pháp điều trị COVID-19 khác cũng đang được phát triển tại Nhật bao gồm: remdesivir của Gilead Sciences, dexamethasone và baricitinib của Eli Lilly.

Đan Thuỳ