Tăng hàng hóa cho TP.HCM gấp 5 lần, miền Nam triển khai mô hình đi chợ hộ
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 06:49, 21/07/2021
Trong 2 ngày 19.7 và 20.7, Tổ Công tác đặc biệt Bộ Công Thương do Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải trực tiếp chỉ đạo đã tiếp nhận nhiều ý kiến của người dân liên quan đến việc cung ứng hàng hóa thiết yếu, đồng thời kết nối các đơn vị vận tải, hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng hóa vào TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
Bộ Công Thương dẫn báo cáo của Tổ công tác cho biết trên cơ sở có hướng dẫn và tạo “luồng xanh” cho phương tiện vận tải, Sở Công Thương, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã phối hợp với các tỉnh, thành lân cận xây dựng phương án và tổ chức vận chuyển hàng hóa thiết yếu bằng đường thủy (luồng xanh đường thủy) và áp dụng ngay trong ngày 19.7.
Theo đó đã huy động 5 tàu cao tốc để vận chuyển hàng hóa bình quân khoảng 20 tấn hàng hóa/mỗi chuyến tàu. Lộ trình của các chuyến tàu này sẽ đi từ cảng, bến thủy nội địa thuộc các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre và Vĩnh Long theo sông Tiền đến kênh Chợ Gạo qua sông Vàm Cỏ (hoặc theo hướng kênh Nước Mặn nối sông Cần Giuộc) đến sông Soài Rạp qua sông Nhà Bè tiếp nối Sông Sài Gòn đến Bến Bạch Đằng và ngược lại.
Ngay trong ngày 19.7, chuyến hàng đầu tiên bằng tàu Greenline từ Tiền Giang về Thành phố được triển khai thuận lợi, đưa gần 20 tấn rau củ quả về Thành phố để cung ứng vào hệ thống Bách Hóa Xanh.
Lượng hàng hóa bổ sung cho TP.HCM tăng gấp 3-5 lần
Về cung ứng hàng hóa thiết yếu cho TP.HCM, Hệ thống siêu thị MM Mega Market, Bộ Công Thương cho biết đã tăng lượng hàng hóa dự trữ thiết yếu gấp 3-4 lần (gồm thực phẩm và phi thực thẩm) dự trữ hiện tại và lượng hàng hóa thiết yếu đang đặt nhà cung cấp giao tăng 60-70 ngày so với bình thường.
Tổng Công ty Thương Mại Sài Gòn SATRA cho biết đã huy động lượng hàng hóa thiết yếu tăng lên gấp 4-5 lần so với bình thường. Nguồn hàng dự trữ tại kho hiện nay đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong khoảng 3 tuần (trước đây là 1 tháng). Về giá cả hàng hóa được giữ ổn định từ đầu tháng 7 đến nay, một số mặt hàng có biến động khỏang 3-5% do chi phí vận chuyển tăng.
Hệ thống siêu thi Saigon Co.op cũng đã dự trữ nguồn hàng hóa thiết yếu như gạo, đường, mắm, muối tại các hệ thống siêu thị khoảng 45 ngày bán hàng, tại các trung tâm phân phối là khoảng 2 tháng. Hệ thống siêu thị cam kết đầy đủ nguồn hàng, giá cả không tăng, đặc biệt là giá các mặt hàng thiết yếu trong danh sách bình ổn của thành phố. Lượng rau về TP.HCM bình quân là khoảng 700 tấn, thịt là 150 tấn/ngày.
Hệ thống siêu thị Vinmart và Vinmart + cung cấp khoảng 100-120 tấn thịt/ngày, 270-300 tấn rau củ/ngày, 50-70 tấn trái cây/ngày, 80-100 tấn thủy hải sản/ngày. Siêu thị khẳng định lượng hàng tại hệ thống siêu thị đủ cung ứng cho người tiêu dùng. Hiện nay, hệ thống đang dự trữ lượng hàng hóa tăng 300% so với bình thường, tương ứng khoảng 40-60 ngày tiêu thụ.
Hiệp hội vận tải TP.HCM cũng cho biết đã bố trí 5.000 xe được cấp giấy thông hành, sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp, siêu thị trong khâu lưu thông, vận chuyển. Đồng thời, Hiệp hội cam kết không tăng giá và sẵn sàng hỗ trợ về chi phí vận chuyển hàng hóa cho doanh nghiệp.
Hiện hàng hóa tại các hệ thống phân phối ở TP.HCM được cung ứng đầy đủ, không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, giá cả ổn định. Các hệ thống phân phối cũng tăng thời gian bán hàng để phục vụ người dân, tăng cường nhận đặt hàng qua điện thoại, qua online và giao tận nhà, áp dụng việc mua giới hạn một số loại hàng hóa được bình ổn giá để ngăn tình trạng người mua số lượng lớn để ra ngoài bán lại.
Các tỉnh phía Nam: Hàng hóa dồi dào
Theo ghi nhận của Tổ Công tác, tỉnh Đồng Tháp có 43/182 chợ, 1/9 siêu thị, 6/52 cửa hàng tiện lợi đã ngưng hoạt động để đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Tuy nhiên, tỉnh đã huy động 54 đơn vị tham gia cung ứng hàng nông sản để đảm bảo nguồn cung cho thị trường. Các siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu, sức mua giảm do người dân hạn chế ra ngoài.
Người dân được thông báo rộng rãi về các điểm bán hàng tạm dừng hoạt động để đi mua hàng hóa ở các chợ, cửa hàng lân cận, triển khai mô hình đi chợ hộ, bán hàng online,...
Tỉnh An Giang hiện có 4 chợ (Châu Phú có 3 chợ và 1 chợ An Phú) nằm trong khu vực phong toả và chưa hoạt động trở lại. Các chợ còn lại, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích vẫn mở cửa hoạt động bình thường. Tỉnh có 20 chợ (Long Xuyên: 8 chợ; Châu Thành: 12 chợ) và 16 xã, 2 thị trấn của huyện Chợ Mới thực hiện phát phiếu đi chợ vào các ngày chẵn hoặc lẻ.
Trong ngày 20.7, hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm,… có nguồn cung dồi dào. Giá các loại thực phẩm tươi sống trong ngày nhìn chung có tăng nhẹ hơn so với ngày thường. Theo đánh giá của Tổ Công tác, đến nay nhìn chung, tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nguồn cung hàng thực phẩm (kể cả thực phẩm tươi sống như rau, củ, quả) dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân nhưng ít người mua. Giá bán ở siêu thị, cửa hàng tiện lợi không tăng.
Tại các chợ truyền thống thì đa số còn hoạt động, chỉ ở những tỉnh có nhiều người nhiễm COVID-19 như: Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Long An, nhiều chợ phải đóng cửa, đến nay vẫn hoạt động bình thường, bán đầy đủ các loại hàng hoá, giá giảm so với ngày trước khi thực hiện giãn cách. Tuy nhiên, việc vận chuyển hàng hoá từ các địa phương về TP.HCM và từ phía TP.HCM tới các địa phương vẫn còn khó. Do vậy, Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương vẫn tiếp tục phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Y tế và các địa phương để tháo gỡ.