TP.HCM ghi nhận 5.480 ca dương tính với COVID-19 trong 24 giờ: Phần lớn ở khu cách ly, phong tỏa
Sự kiện - Ngày đăng : 19:05, 21/07/2021
Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết thông tin này trong buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch COVID-19 ở TP.HCM chiều 21.7.
Ông Nguyễn Hồng Tâm nói thêm: "Chúng tôi suy đoán những trường hợp này đã nhiễm từ trước và diễn tiến bệnh là F1 thành F0 chứ không có cơ sở để nói lây nhiễm trong khu cách ly".
Xét theo quận và huyện, Bình Chánh chiếm nhiều ca nhất (840), còn Củ Chi ít nhất với 17 ca.
Nếu cộng dồn trong đợt dịch này, quận Bình Tân và huyện Bình Chánh có nhiều ca mắc COVID-19 nhất.
Về F1 đang được cách ly tại nhà, ông Tâm nhận định đây là chủ trương đúng đắn và kịp thời của ngành y tế nhằm giảm tải cho khu cách ly. Người cách ly phải tuân thủ chặt chẽ điều kiện.
Số lượng F1 cách ly tại nhà có đăng ký qua phần mềm theo dõi F1 (VHD) là 125.
Theo ông Tâm, HCDC công bố hơn 2.000 trường hợp cách ly tại nhà nhưng chưa đăng ký trên VHD. Hiện 15 quận, huyện đã triển khai cách ly F1 tại nhà.
Về dịch bệnh trong khu công nghiệp, khu chế xuất, số ca dương tính với COVID-19 được phát hiện hôm nay là 10. Trong đó có 6 ca tại Khu chế xuất Tân Thuận, một ca ở Khu công nghiệp Đông Nam, 3 ca ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất.
Từ khi áp dụng chủ trương "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường 2 điểm đến" thì số ca mắc COVID-19 giảm mạnh. Theo ông Tâm, đây là ghi nhận đáng mừng vì trước đây mỗi ngày là vài trăm ca
Ông Tâm cho hay những ngày qua không phát sinh ổ dịch mới ở TPHCM và các ổ dịch cũ đang ổn định.
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết hiện TP.HCM có tổng cộng 35 bệnh viện điều trị COVID-19. Trong đó, 13 bệnh viện dã chiến được đánh giá từ 1 đến 13 với tổng số giường là 59.000. Hiện có 35.132 bệnh nhân COVID-19 được điều trị.
Thời gian qua, ngành y tế ghi nhận 4.827 bệnh nhân xuất viện. Dự báo thời gian tới số người xuất viện tăng (khoảng 1.000 ca/ngày).
Đến nay TP.HCM ghi nhận 332 ca tử vong do COVID-19 tích lũy từ đầu năm. Hầu hết trường hợp tử vong có bệnh nền như đái tháo đường, cao huyết áp, béo phì…
Ngày 21.7, Bộ Y tế cho biết Việt Nam ghi nhận 5.343 ca mắc COVID-19 trong nước tại TP.HCM (3.556), Bình Dương (964), Đồng Nai (170), Đồng Tháp (109), Tiền Giang (65), Long An (60), Hà Nội (42), Vĩnh Long (39), Khánh Hoà (38), Bến Tre (35), Cần Thơ (32), Tây Ninh (30), Phú Yên (26), Ninh Thuận (22), Bà Rịa - Vũng Tàu (18), Vĩnh Phúc (18), Đắk Lắk (17), Bình Phước (12), Kiên Giang (12), Trà Vinh (10), Hậu Giang (9), Bình Định (8), Bình Thuận (7), Hà Giang (6), Quảng Ngãi (6), Sóc Trăng (6), Nghệ An (5), Lâm Đồng (5), Đắk Nông (4), Bắc Ninh (4), Hưng Yên (3), Lạng Sơn (2), Gia Lai (1), Phú Thọ (1), Thanh Hóa (1).
Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27.4 đến nay, TP.HCM đã có tổng cộng 41.343 ca mắc COVID-19 được công bố.
Đợt dịch thứ 4 bùng phát với mức độ lây lan nhanh, diễn biến phức tạp đã gây nhiều khó khăn cho công tác phòng chống dịch. Căn cứ vào tình hình diễn biến dịch, TP.HCM sẽ cân nhắc để điều chỉnh và áp dụng linh hoạt các biện pháp phù hợp để nhanh chóng kiểm soát được dịch bệnh, nhanh chóng tách F0, F1 ra khỏi cộng đồng. Mỗi người dân hãy thực hiện tốt hơn nữa các quy định của Chỉ thị 16, đảm bảo giãn cách giữa người với người, giữa gia đình với gia đình, tổ dân phố với tổ dân phố,... hạn chế nhiều hơn nữa sự giao lưu, gặp gỡ giữa người với người.
TP.HCM: Cách ly tập trung F0 không triệu chứng ở khách sạn, nhà nghỉ, ký túc xá
Ngày 21.7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã ký công văn khẩn yêu cầu các quận huyện và TP.Thủ Đức ban hành quyết định thành lập các cơ sở cách ly tập trung cho các đối tượng F0 thuộc địa bàn quản lý.
Theo UBND TP.HCM, đây là biện pháp nhằm giảm tải cho các bệnh viện điều trị COVID-19 trước tình trạng dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại TP với số ca mắc lên đến hàng nghìn mỗi ngày.
Những người mắc COVID-19 được cách ly tập trung thay vì đưa vào các cơ sở điều trị COVID-19 là F0 (có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc xét nghiệm RT- PCR dương tính) không có triệu chứng, không béo phì, không có bệnh lý nền, hoặc có bệnh lý nền nhưng đã điều trị ổn định.
UBND TP.HCM yêu cầu các quận huyện và TP.Thủ Đức xây dựng khu cách ly F0 tập trung phải bố trí riêng biệt cho người xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính đang chờ kết quả xét nghiệm PCR và người xét nghiệm PCR dương tính.
Các khu cách ly F0 tập trung được sử dụng các cơ sở hạ tầng sẵn có ở các địa phương như ký túc xá, trường học, khu chung cư mới chưa đưa vào sử dụng, khách sạn, nhà nghỉ… Mỗi cơ sở cách ly F0 tập trung phải bố trí phòng sơ cứu với các trang thiết bị cơ bản, có bình oxy; bộ dụng cụ cấp cứu cơ bản; các dụng cụ theo dõi sức khỏe như nhiệt kết, máy đo huyết áp, ống nghe, thiết bị đo độ bão hòa oxy trong máu qua da (SpO2), phương tiện phòng hộ cá nhân, khẩu trang, thuốc hạ sốt…
Riêng bình oxy, mỗi cơ sở cách ly F0 tập trung phải có từ 5 đến 10 bình để có thể cho nhiều người bệnh cùng thở một lúc trong lúc chờ chuyển người bệnh đến bệnh viện điều trị COVID-19.
Những khu cách ly F0 tập trung này phải có bác sĩ, điều dưỡng với số lượng phù hợp quy mô của cơ sở cách ly tập trung từ nguồn lực nhân viên y tế của bệnh viện, trung tâm y tế quận huyện và nguồn lực y tế tăng cường do Sở Y tế TP.HCM điều động; khuyến khích vận động nguồn lực y tế tư nhân và các bác sĩ nghỉ hưu có sức khỏe tốt.
Ngoài ra, UBND TP.HCM cũng quy định thời gian cách ly F0 tập trung được thực hiện 7 ngày, nếu kết quả xét nghiệm PCR vào ngày thứ 7 âm tính hoặc dương tính có tải lượng vi rút thấp (giá trị CT nhỏ hơn hoặc bằng 30) thì cho người bệnh về cách ly, theo dõi tại nhà. Trong trường hợp sau 7 ngày, F0 vẫn còn dương tính với tải lượng vi rút có giá trị CT lớn hơn 30, tiến hành thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên mỗi 2 ngày sau đó cho đến khi có xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính thì tiếp tục cho người bệnh về cách ly, theo dõi tại nhà.
Với các F0 mới phát hiện, không có triệu chứng lâm sàng sẽ được xem xét cách ly tại nhà, nếu kết quả xét nghiệm RT- PCR có giá trị CT dưới hoặc bằng 30 và hội đủ các điều kiện theo quy định của ngành y tế.