TP.HCM chỉ có 32 chợ truyền thống đang hoạt động
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 21:00, 21/07/2021
Số liệu của Sở Công Thương TP.HCM cũng cho thấy 205/237 đang chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động do liên quan đến các ca nhiễm, ca nghi nhiễm hoặc không đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch (202 chợ truyền thống và 3 chợ đầu mối). Ngày 21.7, thành phố ngưng hoạt động 1 chợ là chợ An Hội, quận Gò Vấp do liên quan ca nhiễm tại đây.
Một số chợ sau khi đóng cửa để thực hiện các công tác phòng chống dịch như khử khuẩn, xét nghiệm, truy vết… đã khôi phục hoạt động như: chợ Nguyễn Tri Phương (quận 5) ngày 1.7, chợ An Đông (quận 5) khu vực kinh doanh thực phẩm ngày 17.7. Quận 11 có chợ Bình Thới và chợ Phú Thọ; quận Bình Tân có chợ Kiến Thành; huyện Bình Chánh có các chợ Tân Đoàn Việt, Bà Lát, Qui Đức và chợ tạm ấp 4 Vĩnh Lộc A cũng đã mở cửa trở lại.
Hiện TP.HCM cũng tổ chức 4 điểm bán nhỏ. Điển hình như tại quận 12, UBND các phường triển khai cho các tiểu thương tổ chức gian hàng để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trên các tuyến đường rộng.
Tại phường Tân Thới Nhất, Ban Quản lý chợ Lạc Quang tổ chức thực hiện gian hàng lưu động dọc tuyến đường Dương Thị Giang, đoạn qua dự án 36,2 ha thuộc khu phố 4, phường Tân Thới Nhất với 20 gian hàng nhu yếu phẩm (có thể tăng, giảm tùy theo điều kiện). Tại phường Tân Hưng Thuận, các thương nhân tổ chức bán hàng tại giao lộ đường DN6 và đường DN5 thuộc khu dân cư An Sương.
Tại huyện Củ Chi, địa phương này tổ chức gian hàng tại khu vực sân bóng xã Hòa Phú. Tiểu thương chợ Hòa Phú tổ chức kinh doanh (10 hộ) tại lối ra vào theo hướng 1 chiều, giãn cách giữa các gian hàng 5 mét. Khu vực xã Bình Mỹ, hộ kinh doanh trên địa bàn phường tổ chức kinh doanh (10 hộ), lối ra vào theo hướng 1 chiều.
TP.HCM sẽ có ứng dụng đặt lịch đi chợ
Trước tình trạng này, chiều 21.7, Sở Công Thương TP.HCM vừa có văn bản hỏa tốc gửi các đơn vị về việc hướng dẫn tổ chức hoạt động các chợ bảo đảm an toàn để cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân trên địa bàn.
Trong đó, Sở Công Thương đề nghị UBND TP.Thủ Đức và các quận huyện, các đơn vị quản lý chợ căn cứ theo điều kiện, tình hình thực tế để tăng cường các biện pháp phòng chống COVID-19.
Các chợ phải kiểm soát số lượng người ra vào thông qua việc phát phiếu, quét mã QR đến và đi bằng ứng dụng “Vietnam Health Declaration” và các ứng dụng khác phù hợp theo khuyến cáo của cơ quan y tế. Đồng thời, rà soát, bố trí khu vực để giãn cách vị trí giữa các tiểu thương, tận dụng các khu vực trống trong chợ như khu kinh doanh thức ăn, sân chợ... để tổ chức khu vực kinh doanh phù hợp.
Đặc biệt, Sở Công Thương đề nghị tiểu thương treo bảng niêm yết giá, giá cả niêm yết rõ ràng, phù hợp để khách hàng thuận tiện trong mua sắm. Song song đó là nghiên cứu, áp dụng phương án phân chia tần suất đi chợ của người dân trong khu vực với việc áp dụng “thẻ ra vào chợ” để kiểm soát số lượng, phân bổ số người đến theo khung giờ.
Các địa phương căn cứ điều kiện thực tế tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn để phân chia tần suất đi chợ cách 2 ngày/lần hoặc cách 3 ngày/lần. Mỗi hộ gia đình sẽ được phát 10 hoặc 15 thẻ vào chợ/30 ngày.
Ngoài ra, Sở Công Thương phối hợp với Sở Thông tin - Truyền thông đang triển khai mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức hoạt động các chợ truyền thống. Theo đó, các cơ quan này triển khai thí điểm mô hình “app đặt lịch đi chợ dành cho người dân” (thí điểm tại chợ Tân Chánh Hiệp, quận 12); mô hình “tổng đài đặt lịch đi chợ” (thí điểm tại chợ Bình Thới, quận 11). Sau khi triển khai thí điểm sẽ đánh giá, hiệu chỉnh (nếu cần) và triển khai nhân rộng đến các chợ truyền thống trên địa bàn.
Đối với các điểm tập kết và trung chuyển hàng hóa tạm thời tại các chợ đầu mối, Sở Công Thương yêu cầu tổ chức thực hiện theo phương án được phê duyệt về bố trí địa điểm và chuẩn bị tổ chức điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa từ các tỉnh về TP.HCM.
Các phương tiện vận chuyển khi ra vào chợ phải thực hiện phun xịt khử khuẩn; phải đảm bảo tuân thủ các quy định của Bộ Giao thông vận tải, Sở Giao thông vận tải trong phân luồng, tổ chức lưu thông, vận chuyển hàng hóa. Thực hiện phun xịt tiêu độc, khử khuẩn và vệ sinh môi trường toàn bộ khu vực sau khi kết thúc trung chuyển hàng hóa mỗi ngày.
TP.HCM chỉ cho phép tổ chức tập kết và trung chuyển hàng hóa, tuyệt đối không giải quyết lưu đậu tập kết và trung chuyển hàng, vận chuyển tập kết rác vào trạm ép rác, giữ gìn vệ sinh chung. Khu vực lưu trú, khu vực ăn uống, khu vực vệ sinh cho các đối tượng khác nhau phải đảm bảo phương án 3 tại chỗ và quy định 5K của Bộ Y tế, các điều kiện an toàn trong công tác phòng, chống dịch…