TP.HCM giãn cách xã hội, mua thực phẩm online tăng đột biến

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 11:28, 22/07/2021

Nhu cầu mua sắm online các mặt hàng lương thực, thực phẩm của người dân TP.HCM tăng đột biến trong những ngày TP giãn cách xã hội.

Sở Công Thương TP.HCM cho biết, ngày 21.7, lượng khách mua sắm tại chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi giảm nhẹ so với sáng ngày 20.7. Cơ cấu giỏ hàng cân đối giữa các mặt hàng, không còn tình trạng mua tập trung một số mặt hàng để tích trữ.

Song, trong những ngày qua lại ghi nhận nhu cầu mua sắm online của người dân TP.HCM tăng đột biến khi TP đang thực hiện giãn cách xã hội vì tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Cụ thể, người tiêu dùng TP.HCM đã chuyển mạnh sang mua thực phẩm tươi sống, đồ dùng thiết yếu... trên các kênh bán hàng trực tuyến để tránh tiếp xúc trực tiếp nơi đông người ở chợ, siêu thị, cửa hàng bách hóa.

ladpgswedc4p6nxnartnazw-828-69-9574-4285-1594175344_6f4b6.jpg
Lượng đơn hàng online tăng mạnh tại TP.HCM trong những ngày giãn cách xã hội - Ảnh: T.N

Các sàn thương mại điện tử cho biết các loại thực phẩm tươi sống được tiêu thụ rất nhanh theo ngày. Sàn Tiki ghi nhận khoảng 10 tấn rau của quả và 10.000 đơn hàng/ngày đối với mặt hàng thiết yếu, các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu trên Shopee đã tăng mạnh khoảng trên 30 tấn/ngày.

Trong khi đó, sàn thương mại điện tử Lazada cho biết sản lượng trung bình 5-10 tấn/ngày đối với rau xanh và thực phẩm chế biến. Sàn Vosco ghi nhận tính đến ngày 17.7 có hơn 150 tấn rau củ quả đã được tiêu thụ tại 34 điểm bán lưu động tại 20 quận huyện của TP.HCM. Sản lượng đơn đặt hàng trên online tiếp tục tăng cao. Vì vậy, đơn vị này sẽ tiếp tục tăng lượng hàng nhập đầu vào, dự kiến 60-80 tấn/ngày, đảm bảo cung ứng và bình ổn giá cho thị trường TP.HCM.

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử (Bộ Công Thương) cho biết: "Với tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp như hiện nay, việc tổ chức phân phối tại các kênh truyền thống, mở lại các chợ truyền thống là vô cùng quan trọng và bên cạnh đó kênh thương mại điện tử đang góp phần hỗ trợ cho kênh phân phối truyền thống, giúp người dân có thể mua sắm một cách thuận lợi tại nhà và giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm. Tổ Công tác tiền phương của Bộ Công Thương trực tại TP.HCM đang tập trung chỉ đạo công tác để tháo gỡ các khó khăn, đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho người dân TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tiếp tục cùng với các sàn thương mại điện tử để đảm bảo nguồn cung hàng hóa, kể cả việc đưa từ khu vực miền Trung, miền Bắc vào trong Nam".

Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ cho rằng, nhằm giảm thiểu việc tiếp xúc trực tiếp, đảm bảo các biện pháp an toàn trong giao dịch hàng hóa, người dân nên sử dụng các phương thức đặt hàng trực tuyến, đặt hàng qua điện thoại… thay vì mua hàng tại các điểm bán truyền thống.

Sở cũng đề nghị các doanh nghiệp phân phối hàng hóa, doanh nghiệp hoạt động thương mại điện tử đẩy mạnh các hoạt động đặt hàng trực tuyến, giao hàng tại nhà, thanh niên đi chợ thay người lớn tuổi... thực hiện các biện pháp an toàn trong giao nhận hàng hóa.

Tin và ảnh: Tuyết Nhung