Nhật Bản sử dụng sức mạnh công nghệ vào Olympic Tokyo 2020 như thế nào?
Thể thao - Ngày đăng : 13:17, 22/07/2021
Ngay sau khi Tokyo được chọn là thành phố đăng cai Thế vận hội Olympic 2020, với sự hỗ trợ nhiệt tình của các công ty trong lĩnh vực công nghệ cao, Nhật Bản đã quyết định biến sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh thành sự kiện được tổ chức bởi những công nghệ tiên tiến nhất từ trước đến nay.
Chính phủ Nhật đã lên kế hoạch cho một cuộc triển lãm để giới thiệu 200 công nghệ mới với những chiếc tàu ngầm thám hiểm biển sâu và máy bay thám hiểm mặt trăng do hãng Toyota và cơ quan vũ trụ Nhật Bản phát triển. Triển lãm đã được khai mạc vào đầu tuần này tại thủ đô Tokyo nhưng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều khách nước ngoài đã không thể chiêm ngưỡng những công nghệ mới này.
“Thế vận hội có thể là cơ hội để Nhật Bản thể hiện những bước tiến lớn trong khoa học công nghệ. Đó chính là điều chúng tôi đã làm khi Tokyo đăng cai Thế vận hội vào năm 1964 khi chúng tôi giới thiệu những chiếc tàu cao tốc đầu tiên. Tôi đoán rằng thành tựu chúng tôi đã đạt được sẽ khiến Thế vận hội tiến về phía trước. Có lẽ đó là điều thực sự nên ăn mừng”, Morinosuke Kawaguchi, cựu giảng viên tại Học viện Công nghệ Tokyo chia sẻ.
Đối với khoảng 90.000 vận động viên, quan chức, nhà báo và tình nguyện viên tham dự Olympic Tokyo lần này, những công nghệ mới như phương tiện không người lái, hệ thống nhận dạng khuôn mặt cho đến robot giúp việc sẽ mang đến cho họ những cái nhìn mới mẻ về những gì công nghệ mang lại cho cuộc sống trong tương lai.
Sự trỗi dậy của máy móc
Lễ khai mạc vào ngày 23.7 tới đây sẽ phô diễn sức mạnh công nghệ của Nhật Bản khi kết hợp những bản nhạc J-pop với các nhân vật truyện tranh, anime và trò chơi điện tử được yêu thích trên thế giới như Pikachu và Astro Boy. Do những hạn chế bởi đại dịch COVID-19, người ta dự đoán rằng phần lớn chương trình sẽ được tổ chức trực tuyến.
Trong thời gian chuẩn bị cho Olympic, hãng Toyota đã và đang triển khai xe điện tự động e-Palette để đưa đón các vận động viên và quan chức từ Làng Olympic đến các địa điểm thi đấu. Lần đầu tiên ra mắt vào năm 2018, e-Palette không người lái đã được thiết kế để áp dụng cho các ứng dụng MaaS (một dịch vụ đi lại) trong tương lai gần.
Mỗi e-Palette có thể chở tối đa 20 người, chúng được cung cấp năng lượng bởi các bộ pin litthium-ion có thể sạc đủ dùng chạy được 150km. Toyota, một trong những nhà tài trợ chính của Olympic Tokyo 2020 đang sử dụng 3.700 phương tiện và sản phẩm di động để vận chuyển các vận động viên, 90% trong số đó chạy bằng điện.
Các robot ở mọi hình dạng và kích cỡ cũng được triển khai ở khắp các địa điểm tổ chức Olympic. Chúng được sắp đặt vào việc gặp gỡ, chào hỏi các phái đoàn đến sân bay của Tokyo.
Các phiên bản được điều khiển từ xa của các linh vật Olympic lần này là Miraitowa và Someity cũng sẽ có mặt tại một số địa điểm. Chúng được trang bị camera cho phép nhận dạng biểu hiện trên khuôn mặt và phản hồi lại bằng một cái gật đầu, bắt tay và chớp mắt.
Bên cạnh đó, robot di động ảo T-TR1 của Toyota giống như một màn hình dọc lớn với một camera được gắn trên đầu, nó sẽ giúp điều hướng các địa điểm Olympic và tương tác với các vận động viên. Robot hỗ trợ giao hàng sẽ cung cấp đồ ăn thức uống cho những người bên trong sân vận động và giúp mọi người tìm được chỗ ngồi thích hợp và cung cấp các thông tin cần thiết.
Đặc biệt, rô bốt hỗ trợ sự kiện hiện trường sẽ tự động thu thập những mũi lao hoặc những cú bóng trong các buổi thi đấu. Người ta dự đoán rằng chúng sẽ giúp đẩy nhanh cuộc thi.
Nhận dạng khuôn mặt
Đối với các vận động viên và quan chức trên các chuyến bay của ANA, Swiss International Air Lines và Lufthansa, công nghệ nhận dạng khuôn mặt do NEC phát triển sẽ hỗ trợ trong việc làm thủ tục an ninh. Hệ thống sử dụng chứng nhận sinh trắc học cho phép hành khách lên máy bay mà không cần xuất trình hộ chiếu hoặc vé.
Công nghệ này tiên tiến đến mức nó thậm chí có thể hoạt động với độ chính xác 99,9% khi một nửa khuôn mặt bị che lại. Một phát ngôn viên của NEC cho biết bên cạnh sự tiện lợi, nó còn giúp ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh vì người dùng không phải tháo khẩu trang khi bước vào các văn phòng, sân bay và sân vận động.
Để sử dụng hệ thống này, hành khách đăng ký hình ảnh khuôn mặt của mình trên cơ sở dữ liệu và nhìn vào màn hình khi chuẩn bị lên chuyến bay. Hệ thống sử dụng các điểm đánh dấu sinh trắc học để xác nhận danh tính, chủ yếu là mắt. Toàn bộ quy trình này chỉ mất 1 giây, theo NEC.
Hệ thống này cũng có kế hoạch triển khai tại nhiều sân bay trên thế giới trong những tháng tới.
An ninh là một trong những mối quan tâm lớn nhất đối với ban tổ chức Olympic Tokyo. Với một khinh khí cầu được trang bị camera giám sát hiệu suất cao sẽ được thả bay ở một số sự kiện được tổ chức. Chúng giúp cảnh sát theo dõi các luồng giao thông, cũng như phát hiện ra các vụ tai nạn hoặc bất kỳ dấu hiệu của các hoạt động nguy hiểm.
Tấn công mạng
Các nhà tổ chức cũng đang theo dõi chặt chẽ khả năng xảy ra một số hình thức tấn công mạng. Tháng trước Trung tâm sẵn sàng cho sự cố và chiến lược an ninh mạng quốc gia (NSIC) cho biết tin tặc có thể truy cập vào dữ liệu của 170 người tham gia Thế vận hội.
Thế vận hội đã từng là mục tiêu của tấn công mạng trong quá khứ, với phần mềm độc hại “Kẻ hủy diệt Olympic”. Phần mềm này đã tấn công hệ thống mạng Thế vận hội mùa đông 2018 ở Pyeongchang (Hàn Quốc) và gây ra các vấn đề lớn bao gồm ngăn chặn vé được phát hành. Tại Thế vận hội Rio, các điểm truy cập wifi giả được thiết lập để lén lút ăn cắp thông tin cá nhân của khán giả.
Để đảm bảo cho việc này không bị lặp lại, NISC đã cùng với các nhà cung cấp dịch vụ như công ty điện lực, Kirch có trụ sở tại Tokyo đã chuẩn bị các kế hoạch ứng phó với các cuộc tấn công mạng. “Nhật Bản đã chuẩn bị kỹ lưỡng nhất có thể nhưng chúng ta không bao giờ lường trước được một cuộc tấn công cho đến khi nó xảy ra. Không ai có thể chuẩn bị sẵn sàng về mọi thứ”.