4 cái khó 'bó' siêu thị
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 08:12, 23/07/2021
Chiều 22.7, tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương đã làm việc với các hệ thống phân phối tại TP.HCM là Saigon Co.op, MM Mega Market, Vinmart, Aeon, Lotte Mart để nắm bắt tình hình cung cầu, giá cả hàng hóa và các khó khăn, vướng mắc của hệ thống phân phối.
Qua khảo sát thực tế thị trường, lắng nghe các ý kiến từ đại diện doanh nghiệp, tổ công tác đã ghi nhận các hệ thống phân phối đang gặp 4 khó khăn lớn.
Thứ nhất là chi phí phát sinh tăng. Nguyên nhân là doanh nghiệp phải chịu thêm các chi phí trong tình hình dịch bệnh như chi phí xét nghiệm, chi phí cách ly cho nhân viên, chi phí vệ sinh, khử trùng… Đơn cử như hệ thống Lotte có khoảng 3.000 nhân viên, cứ 3 ngày phải test 1 lần, với chi phí test lên đến 900 triệu đồng.
Thứ hai là các hệ thống đang gặp vấn đề khó khăn về kho dự trữ hàng trong trường hợp có người lao động tại kho mắc COVID-19, kho dự trữ phải đóng cửa nên cần có phương án về kho dự trữ thay thế.
Thứ ba là một số nhà cung cấp mặt hàng rau quả, trứng gà vịt... chưa đáp ứng đủ nhu cầu đặt hàng của siêu thị.
Thứ tư là các hệ thống siêu thị đang thiếu nhân công làm việc (lái xe, nhân viên kho hàng, đóng gói, sơ chế, bán hàng...) do nhiều người lao động bị mắc COVID-19.
Trước thực tế này, Bộ Công Thương cho biết sẽ có kiến nghị Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cần có hướng dẫn cụ thể khi áp dụng siết chặt chỉ thị 16/CT-TTg để các địa phương, bộ ngành liên quan chủ động xây dựng kịch bản ứng phó cho phù hợp, hiệu quả. Ngoài ra có sự hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối tháo gỡ khó khăn về nguồn nhân lực (thiếu nhân viên bán hàng, nhân viên logistic, lái xe...), chi phí xét nghiệm cho nhân viên.
Bộ Công Thương cũng yêu cầu các địa phương có chỉ đạo thống nhất việc thực hiện các quy định của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Y tế để tạo thuận lợi nhất cho hoạt động lưu thông hàng hóa thiết yếu.
Đáng chú ý, cũng trong chiều 22.7, tại buổi làm việc với Phó thủ tướng Võ Đức Đam - Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cam kết bảo đảm việc cung ứng nguồn hàng hóa thiết yếu cho TP.HCM và các tỉnh thành phía nam.
Tuy nhiên, ông Hải cho rằng việc đóng cửa các chợ đầu mối, chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM đã làm tăng áp lực cho các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại và người dân khó tiếp cận nguồn hàng. Thực tế, TP.HCM đang thiếu các địa điểm để tập kết hàng hóa thay thế cho chợ đầu mối. Do đó, các tỉnh, thành phố khác cần cân nhắc việc đóng cửa chợ đầu mối, chợ truyền thống, tránh trường hợp người dân khó tiếp cận nguồn hàng.
Thứ trưởng cũng đề nghị Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế cần làm rõ, hướng dẫn cụ thể các quy định khi áp dụng việc siết chặt Chỉ thị 16/CT-TTg để các địa phương, bộ ngành liên quan chủ động xây dựng kịch bản ứng phó cho phù hợp, hiệu quả.