Vắc xin Pfizer chỉ hiệu quả 39% giúp người dân Israel không nhiễm biến thể Delta

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 12:43, 23/07/2021

Theo Bộ Y tế Israel, vắc xin COVID-19 của Pfizer chỉ có hiệu quả 39% trong việc giữ cho người dân không bị nhiễm biến thể Delta dễ lây lan ở nước này trong những tuần gần đây, nhưng đã cung cấp lá chắn mạnh mẽ chống lại việc nhập viện và các dạng nghiêm trọng hơn của vi rút.

Theo một báo cáo hôm 22.7 của Bộ Y tế Israel, vắc xin Pfizer (Mỹ) đã cung cấp 88% khả năng bảo vệ khỏi nhập viện và 91,4% chống lại bệnh nặng cho một số lượng không xác định những người được nghiên cứu trong khoảng thời gian từ ngày 20.6 đến ngày 17.7.

Báo cáo nói rằng dữ liệu có thể bị sai lệch do các cách kiểm tra khác nhau giữa những nhóm người được tiêm vắc xin so với những người chưa được tiêm chủng.

Biến thể Delta lần đầu tiên xuất hiện ở Ấn Độ và đang lan rộng trên toàn cầu khi các chính phủ chạy đua để tiêm chủng cho người. Delta đôi khi lây nhiễm cho những người đã được tiêm vắc xin đầy đủ phòng COVID-19.

vaccine-pfizer-chi-hieu-qua-39-giu-cho-nguoi-dan-khong-nhiem-delta.jpg
Pfizer chỉ có hiệu quả 39% trong việc giữ cho người dân Israel không bị nhiễm biến thể Delta

Sự gia tăng đột biến ca mắc COVID-19 đã buộc một số quốc gia phải trì hoãn hoặc suy nghĩ lại kế hoạch nới lỏng các biện pháp hạn chế với các hoạt động kinh doanh, hoạt động và du lịch.

Israel là một trong những quốc gia tiêm vắc xin ngừa COVID-19 nhanh nhất thế giới, với 57% dân số được tiêm chủng đầy đủ, nhưng gần đây đã chứng kiến ​​sự gia tăng các ca nhiễm trùng do Delta. Các trường hợp nghiêm trọng cũng tăng lên, nhưng vẫn chỉ là một phần nhỏ so với mức đỉnh đầu năm nay.

Thủ tướng Naftali Bennett đã kêu gọi các tổ chức dự trữ vắc xin (cho khoảng 1,1 triệu người) triển khai tiêm chủng, gọi đây là cách hiệu quả nhất để đánh bại chủng Delta.

Chính phủ Israel cũng đã khôi phục một số hạn chế với các sự kiện trong nhà và có kế hoạch cấm các chuyến bay đến một số quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm gia tăng, bao gồm cả Anh và Síp.

Hôm 6.7 vừa qua, Israel cũng báo cáo về việc giảm hiệu quả của vắc xin Pfizer trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng và các bệnh có triệu chứng. Thế nhưng, Israel cho biết vắc xin này vẫn có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa các bệnh nghiêm trọng.

Sự suy giảm đồng thời với sự lây lan rộng của biến thể Delta và chấm dứt của các hạn chế về giãn cách xã hội ở Israel.

Ngày 6.7, Bộ Y tế Israel cho biết hiệu quả của vắc xin Pfizer - BioNTech trong việc ngăn ngừa cả nhiễm trùng và bệnh có triệu chứng đã giảm xuống còn 64% kể từ ngày 6.6. Thế nhưng, vắc xin này có hiệu quả 93% trong việc ngăn ngừa các trường hợp nhập viện và bệnh nặng do COVID-19.

Tăng thời gian giữa 2 mũi tiêm vắc xin Pfizer có thể tăng cường hệ miễn dịch

Theo nghiên cứu của Đại học Oxford (Anh), việc kéo dài thời gian giữa hai mũi tiêm vắc xin Pfizer có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch chống lại COVID-19.

Nghiên cứu này có thể giúp cung cấp thêm thông tin về các chiến lược tiêm chủng vắc xin chống lại biến thể Delta vốn đang làm giảm hiệu quả của vắc xin nếu chỉ được tiêm một mũi, còn nếu tiêm đầy đủ 2 mũi hiệu quả sẽ tăng cao.

Các tác giả nghiên cứu của Đại học Oxford cho biết: “Sau khi tiêm đủ 2 mũi vắc xin, nồng độ kháng thể cao gấp đôi nếu như khoảng thời gian giữa 2 mũi lâu hơn”.

Các kháng thể trung hòa được cho là đóng một vai trò quan trọng trong khả năng miễn dịch chống lại COVID-19, nhưng không phải là hoàn toàn, các tế bào T cũng đóng một phần vai trò.

Nghiên cứu cho thấy mức độ tế bào T tổng thể thấp hơn 1,6 lần nếu khoảng cách giữa 2 mũi tiêm Pfizer từ 3 - 4 tuần, nhưng tỷ lệ này sẽ cao hơn ở khoảng cách dài, giúp hỗ trợ miễn dịch dài hạn.

Các tác giả nghiên cứu nhấn mạnh rằng 1 trong 2 cách dùng vắc xin để tạo ra kháng thể mạnh và phản ứng tế bào T được nghiên cứu trên 503 nhân viên y tế.

Các phát hiện này ủng hộ quan điểm rằng, dù mũi vắc xin thứ 2 là cần thiết để bảo vệ cơ thể con người trước biến thể Delta nhưng việc kéo dài thời gian tiêm mũi 2 có thể cung cấp khả năng miễn dịch lâu bền hơn.

Vào tháng 12, nước Anh đã kéo dài khoảng cách giữa các mũi vắc xin lên 12 tuần dù Pfizer cảnh báo rằng không có bằng chứng nào chứng minh cho việc nên kéo dài khoảng cách thêm hơn 3 tuần.

Anh hiện khuyến nghị khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 8 tuần để cơ thể con người tạo ra hệ miễn dịch chống lại biến chủng Delta nhanh hơn.

“Tôi nghĩ 8 tuần là khoảng thời gian tuyệt vời”, Susanna Dunachie, trưởng nhóm nghiên cứu Đại học Oxford nói.

Phát hiện mới này có thể giải tỏa phần nào sự lo lắng của các quốc gia đang khan hiếm nguồn cung vắc xin và phải trì hoãn tiêm mũi thứ 2 cho người dân.

Nhân Hoàng