ĐBQH kiến nghị Bộ TNMT vụ Công ty Công Lý chịu thuế ‘oan’ hơn 26 tỉ đồng

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 13:58, 23/07/2021

Sau khi xem xét hồ sơ, ông Nguyễn Quốc Hận, Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu quốc hội (ĐBQH) tỉnh Cà Mau có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà.

Liên quan đến Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý (gọi tắt là Công ty Công Lý, trụ sở đặt tại đường Nguyễn Tất Thành, P.8, TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau), bị thuế ‘oan’ hơn 26 tỉ đồng mà Một Thế Giới đã thông tin, công ty này đã cầu cứu đến Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau.

dsc_0255.jpg
Từ khi giao DA, Công ty Công Lý bỏ tiền xây dựng kè chống sạt lở hơn 70 tỉ đồng - Ảnh: Hoàng Văn

Hàng loạt vấn đề o ép doanh nghiệp

Trong văn bản gửi Bộ trưởng Bộ TNMT, ông Nguyễn Quốc Hận, Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau cho biết, sau khi nhận đơn của Công ty Công Lý, đoàn xác minh và làm việc với các cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau. Qua đó đoàn xác định, yêu cầu của Công ty Công Lý là chính đáng nên có văn bản gởi ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ TNMT xem xét lại các vấn đề có liên quan đến Dự án (DA) Nhà máy Điện gió khu du lịch Khai Long - Cà Mau giai đoạn 1.

Qua hồ sơ Công ty Công Lý cung cấp, việc giao khu vực biển của cơ quan quản lý Nhà nước là chưa đầy đủ bởi chưa được Bộ TNMT kiểm tra thực địa (được thể hiện tại điều 2 của quyết định 2115/QĐ- BTNMT). Cho đến nay, Công ty Công Lý vẫn chưa được kiểm tra thực địa thì đồng nghĩa với việc chưa được sử dụng là do cơ quan Nhà nước chưa thực hiện đầy đủ thủ tục là kiểm tra thực địa. Như vậy mà vẫn buộc Công ty Công Lý phải thực hiện nghĩa vụ thuế thì liệu có hợp lý?

Đến ngày 7.10.2017, Công ty Công Lý đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty Super Wind Energy để thực hiện DA giai đoạn 1. Ngày 9.3.2018, Thủ tướng Chính phủ ký công văn số 321/TTg-CN đồng ý điều chỉnh nhà đầu tư và nguồn vốn thực hiện DA. Trên cơ sở đó, Công ty Công Lý đã đề nghị cấp thẩm quyền thực hiện điều chỉnh các hồ sơ, thủ tục có liên quan theo quy định. Trong đó có việc đề nghị sửa đổi, bổ sung quyết định số 2115 của Bộ TNMT về giao khu vực biển chuyển từ Công ty Công Lý sang Công ty cổ phần Super Wind Energy Công Lý 1.

cl.jpg
Văn bản mà Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau gửi Bộ trưởng Bộ TNMT - Ảnh: Hoàng Văn

UBND tỉnh Cà Mau cũng có nhiều văn bản đề nghị nhưng cho đến nay vẫn chưa có cơ quan chức năng nào giải quyết cụ thể. “Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý nhưng các Bộ, ngành chưa phối hợp thực hiện thì làm sao công ty sử dụng mặt nước biển, thực hiện DA được nhưng vẫn bị tính thuế?”, công văn ghi rõ.

Ông Hận cho biết thêm, bất cập thứ ba là DA Nhà máy Điện gió khu du lịch Khai Long - Cà Mau giai đoạn 1 của Công ty Công Lý thực hiện trên địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn ở địa bàn xã Đất Mũi, H.Ngọc Hiển nhưng không nhận được sự ưu đãi.

“Với địa bàn xa xôi khó khăn trong thu hút đầu tư, đồng thời góp phần cho việc huy động mọi nguồn lực đầu tư chống sạt lở bờ biển, Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ trưởng Bộ TNMT xem xét: Chỉ thu tiền sử dụng khu vực biển trên diện tích khu vực biển mà Công ty Công Lý đã thực tế sử dụng.

Bộ trưởng Bộ TNMT chỉ đạo cho các cơ quan chuyên môn có liên quan phối hợp với công ty thực hiện các bước kế tiếp theo ý kiến tại công văn số 321/TTg-CN ngày 9.3.2018 của Thủ tướng Chính phủ và tiến hành kiểm tra thực địa để công ty triển khai dự án”, văn bản đề nghị.

Yêu cầu chính đáng nhưng chưa được giải quyết dứt điểm

Liên quan đến kiến nghị của Công ty Công Lý, ông Lâm Văn Bi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau có văn bản khẳng định: Đến nay, Bộ TNMT vẫn chưa sửa đổi chủ đầu tư mới của DA theo như quyết định ngày 9.3.2018 của Thủ tướng Chính phủ nên chủ đầu tư mới không thể triển khai DA. Trong khi đó Công ty Công Lý - chủ đầu tư cũ lại bị tính thuế tiền sử dụng khu vực biển là không hợp lý.

“UBND tỉnh xét thấy kiến nghị của Công ty Công Lý là có cơ sở để xem xét. Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều văn bản đề nghị Bộ, ngành Trung ương xem xét kiến nghị của Công ty Công Lý; đồng thời có nhiều báo cáo đăng ký làm việc với Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho tỉnh Cà Mau, trong đó, có DA nêu trên.

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian dài (từ ngày được Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh nhà đầu tư và nguồn vốn thực hiện DA đến nay), UBND tỉnh chưa nhận được văn bản giải quyết dứt điểm về giao khu vực biển cho DA”, ông Bi khẳng định.

cl-1.jpg
Văn bản Công ty Công lý gửi "cầu cứu" Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau - Ảnh: Hoàng Văn

UBND tỉnh Cà Mau nhận thấy việc thu tiền thuế đối với diện tích chưa được bàn giao, thay đổi chủ đầu tư mới đối với Công ty Công Lý là không hợp lý và có nhiều mâu thuẫn. Ngày 24.7.2020, UBND tỉnh đã ban hành báo cáo số 218/BC-UBND phục vụ làm việc vói Tổ Công tác Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam. Đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ TNMT và các Bộ, ngành có liên quan xem xét một số khó khăn, vướng mắc của DA.

Tỉnh kiến nghị Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam xem xét, tham mưu Bộ TNMT phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn việc thu tiền sử dụng khu vực biển đối với DA xét đến các yếu tố khách quan như: có quyết định giao nhưng thực tế Công ty Công Lý chưa khai thác, sử dụng khu vực biển. Thời gian cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết kiến nghị của Công ty Công Lý kéo dài (điều chỉnh, bổ sung quyết định giao khu vực biển), đảm bảo đúng quy định và phù hợp với tình hình thực tế, hài hòa giữa nhà nước và doanh nghiệp, giao khu vực biển cho nhà đầu tư mới để sớm được thực hiện DA…

Không biết bao giờ DA được triển khai? Việc Bộ TNMT chưa xem xét, giải quyết yêu cầu chính đáng của Công ty Công Lý gây thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp và ảnh hưởng thực hiện DA trọng điểm trên địa bàn tỉnh Cà Mau...

Theo hồ sơ được ông Tô Hoài Dân, Tổng giám đốc Công ty Công Lý cung cấp, ngày 14.1.2016, Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 90/TTg-KTN về việc chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy Điện gió Khai Long - Cà Mau giai đoạn 1. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư dự án trên.

Đến ngày 14.6.2016, Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Linh Ngọc ký quyết định số 2115 giao khu vực biển cho Công ty Công Lý. Nhằm thực hiện đúng tiến độ của dự án, Công ty Công Lý kêu gọi đầu tư và được đối tác ở Thái Lan đồng ý. Ngày 9.3.2018, Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 321/TTg-CN đồng ý điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy Điện gió khu du lịch Khai Long - Cà Mau giai đoạn 1 và nhà đầu tư thực hiện dự án là Công ty cổ phần Super Wind Energy Công Lý 1. Vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư chiếm 15% tổng mức đầu tư và vốn vay Ngân hàng Bangkok Thái Lan chiếm 85% tổng mức đầu tư.

Trong văn bản trên, Thủ tướng Chính phủ ghi rõ: “Giao cho UBND tỉnh Cà Mau giám sát các bên liên quan thực hiện nghĩa vụ tài chính phát sinh trong quá trình điều chỉnh Chủ đầu tư Dự án theo đúng quy định của pháp luật”. Như vậy, theo văn bản trên, các quyết định trước đó không còn hiệu lực như quyết giao khu vực biển cho Công ty Công Lý.

“Nếu thực hiện theo đúng trình tự pháp luật thì các quyết định trước ngày 9.3.2018 đều vô hiệu. Thế nhưng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Cục Thuế tỉnh Cà Mau đề nghị Công ty Công Lý nộp thuế đến nay hơn 26 tỉ đồng cho DA này, trong khi quyết định thay đổi chủ sở hữu được Thủ tướng Chính phủ ký vào tháng 3.2018”, ông Dân viện dẫn.

Hoàng Văn