Nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư dự án trọng điểm ở Cần Thơ

Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 16:24, 23/07/2021

Là trung tâm ĐBSCL, Cần Thơ thu hút được các đại gia địa ốc lớn và các doanh nghiệp đầu tư các dự án trọng điểm.

Trước tháng 7.2021, Sở Xây dựng Cần Thơ có thông tin nhiều doanh nghiệp lớn muốn đầu tư vào TP này. Đó là những dự án lớn từ hàng trăm đến hơn 1600ha như cảng, hàng không, du lịch... Bên cạnh thông tin lạc quan, Cần Thơ còn có những khó khăn từ ngành chức năng và nhà đầu tư và dân trong vùng có dự án phải cố gắng lớn mới có kết quả tốt đẹp.

Nhiều doanh nghiệp lớn muốn đầu tư ở Cần Thơ

Trao đổi với ông Huỳnh Văn Sáu, Phó giám đốc Sở xây dựng TP Cần Thơ, ông cho biết, gần đây, có nhiều doanh nghiệp lớn, các tập đoàn BĐS, hàng không, cảnh biển, quan tâm khảo sát và xin chủ trương các dự án lớn ở Cần Thơ. Tuy nhiên, bước đầu doanh nghiệp chỉ mới
xin khảo sát, xin chủ trương đầu tư...

Từ giữa năm 2019, hội nghị về "Thu hút đầu tư tại Cần Thơ" đã công bố có nhiều doanh nghiệp đăng ký đầu tư lớn vào Cần Thơ, nhất là dự án BĐS, với số vốn đăng ký hơn 85.000 tỉ đồng. Trước tháng 7.2021 có nhiều doanh nghiệp lớn về Cần Thơ tìm hiểu, nghiên cứu cơ hội đầu tư như Hòa Phát, Sovico, T&T, Văn Phú Invest…

bds-can-tho(1).jpg
Thi công dự án khu dân cư ở Cần Thơ . Ảnh Văn Kim  Khanh

Theo đó, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo và Tập đoàn Sovico muốn đầu tư hàng loạt dự án BĐS lớn, quỹ đất dự kiến lên tới 2.600ha. Các dự án này bao gồm: Khu Logistic và Công nghiệp Hàng không Cần Thơ tại đường Võ Văn Kiệt, quận Bình Thủy quy mô khoảng 1.650 ha, giai đoạn 1 khoảng 350 ha; khu đô thị du lịch sinh thái Phong Điền, tọa lạc tại huyện Phong Điền, quy mô khoảng 1.000 ha ...

Tập đoàn Hoà Phát của tỷ phú Trần Đình Long gần đây cũng có quan tâm đến nhiều dự án dự án BĐS quy mô lớn ở Cần Thơ. Các dự án mà Hoà Phát muốn đầu tư là: Khu đô thị thương mại - dịch vụ tại TP Cần Thơ, tổng quy mô hơn 540 ha. Cụ thể, Khu đô thị thương mại - dịch vụ cao cấp tại quận Bình Thủy (452 ha); Khu đô thị thương mại - dịch vụ tại phường Phú Thứ, quận Cái Răng quy mô 88,2 ha; Khu đô thị thương mại - dịch vụ tại đường Lê Lợi và đường Trần Văn Khéo thuộc phường Cái Khế, quận Ninh Kiều (6,24 ha). Công ty CP Tập đoàn T&T (T&T Group) đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược trong các lĩnh vực: Bất động sản, du lịch - thương mại dịch vụ, thể thao, công nghiệp và logistics... tại TP Cần Thơ.

Những khó khăn cần nỗ lực từ nhiều phía

Trao đổi với ông Trương Vĩnh Thành, Phó tổng giám đốc Tập đòan Sao Mai An Giang về việc tập đoàn này đã từng đến Cần Thơ làm việc về đầu tư dự án, ông Thành cho biết, hiện nay Tập đoàn Sao Mai An Giang có đầu tư 1 dự án khu dân cư ở vòng xoay cầu Vàm cống khoảng 60ha. Chúng tôi đang triển khai giai đoạn khó nhất là giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, các dự án khác về khu dân cư ở Cần Thơ, chúng tôi có làm việc với các sở ngành Cần Thơ  nhưng chưa có kết quả.

Theo một cán bộ của Sở Xây dựng Cần Thơ, các dự án BĐS TP Cần Thơ cấp phép năm 2018, 2019, chủ đầu tư đang gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng do quy định của Luật đất đai năm 2013, dự án có từ 10 ha đất lúa trở lên, phải đượcc sự chấp thuận của Thủ tướng Chính Phủ. HĐND TP Cần Thơ đang làm các tờ trình Thủ tướng việc này, đương nhiên là các dự án phải chờ phê duyệt mới triển khai tiếp.

boi-hoan-giai-toa(1).jpg
đền bù, giải tỏa, tái định cư là việc khó khăn với chủ đầu tư  . Ảnh Văn Kim Khanh

Hiện nay, ngoài việc khảo sát có một số nhà đầu tư nóng lòng muốn Cần Thơ chấp thuận chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, quy hoạch tổng thể của Bộ Xây dựng đã tới thời kỳ điều chỉnh quy hoạch chung, theo quy định mới, điều chỉnh quy hoạch sau này của Bộ Xây dựng phải tích hợp thống nhất với Bộ Kế hoạch & Đầu tư. Như vậy, các dự án lớn ở Cần Thơ hiện nay nếu cấp phép, sau này nó sẽ có sự chênh lệnh giữa địa phương và quy hoạch chung của Bộ xây dựng và Bộ Kế hoạch & Đầu tư. Việc này sau có thể nảy sinh các rắc rối về pháp lý.

Có nhiều dự án BĐS hay dự án 350 ha, 1.000ha hoặc 1.600ha là niềm vui cho Cần Thơ nhưng vấn đề bồi hoàn, giải tỏa, tái định cư cho dân là vấn đề lớn. Ông Nguyễn Thành Nguyên, Phó giám đốc Ban quản lý dự án quận Cái Răng cho rằng, hiện nay bồi hoàn, giải tỏa, tái định cư các dự án là vấn đề khó, giá BĐS cao ngất. Trong khi đó, giá đề bù giải tỏa phải theo quy định, dân có đất trong dự án cứ đòi đền bù giá cao gấp năm, bảy lần. Một số người dân đòi đòi đất nông nghiệp lấy đất có hạ tầng của dự án với tỷ lệ 12-13%, nhưng điều này đã bị Thanh tra Chính phủ tuýt còi.

Ông Mai Như Toàn, Giám đốc Sở Xây dựng Cần Thơ cho rằng: “Thiết nghĩ, để tạo điều kiện phát triển, Cần Thơ phải xin Chính Phủ chủ trương về cơ chế đặc thù phát triển TP Cần Thơ, trong đó có việc quy chế về bồi thường, giải tỏa, tái định cư cho dân. Ổn định được việc này Cần Thơ mới có điều kiện triển khai dự án lớn”. Xem thế, đất Cần Thơ triển vọng tiềm năng nhưng đường đến với đất Cần Thơ còn nhiều khó khăn phải khắc phục. Đó là chưa nói sau dịch, các doanh nghiệp phần lớn sẽ khó khăn về tài chính, nhân lực.

Văn Kim Khanh