Số ca chết do COVID-19 ở Indonesia phá kỷ lục 4 lần trong tuần, Tổng thống Widodo vẫn định nới lỏng hạn chế

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 11:31, 24/07/2021

Indonesia đang hứng chịu một làn sóng lây nhiễm COVID-19 tồi tệ nhất do biến thể Delta gây ra, nhưng chính phủ đã nói đến việc nới lỏng các biện pháp hạn chế xã hội - động thái mà các nhà phân tích cho rằng phần lớn là do cân nhắc đến kinh tế.

Tác động của đợt bùng phát COVID-19 rất tàn khốc ở Indonesia, với những câu chuyện về những người dân cố gắng tìm giường bệnh, bình dưỡng khí và thuốc cho những người thân yêu trong tuyệt vọng. Số người chết vì COVID-19 của nước này đã phá kỷ lục 4 lần trong tuần này, lần gần nhất vào ngày 23.7 với 1.566 người chết.

Thế nhưng, chỉ hơn một tuần sau khi Indonesia ghi nhận số ca lây nhiễm COVID-19 hàng ngày cao nhất, Tổng thống Joko Widodo đã tuyên bố rằng các hạn chế hiện tại có thể được nới lỏng từ đầu tuần tới nếu các ca bệnh bắt đầu giảm.

Chuyên gia y tế nói gì?

Một số chuyên gia sức khỏe cộng đồng cho biết việc nới lỏng các hạn chế có thể là quá sớm và tiềm ẩn nguy cơ. Trong khi các ca mắc COVID-19 đã giảm, từ hơn 56.000 vào giữa tháng 7 xuống còn 49.000 vào ngày 23.7, các nhà dịch tễ học cho biết tỷ lệ xét nghiệm cũng giảm trong cùng thời gian, khiến rất khó để xác định liệu có sự sụt giảm ca bệnh thực sự hay không.

Theo Our World in Data, tỷ lệ tử vong của Indonesia hiện cao gấp 3 lần so với mức trung bình toàn cầu, với gần 2.500 người đã chết do COVID-19 trong tình trạng cô lập hoặc bên ngoài bệnh viện kể từ tháng 6, sáng kiến ​​dữ liệu độc lập Lapor COVID-19 cho biết.

so-ca-chet-do-covid-19-o-indonesia-pha-ky-luc-4-lan-trong-tuan-.jpg
Những người bốc mộ đeo thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) chôn quan tài tại một khu vực chôn cất do chính phủ cung cấp cho các nạn nhân COVID-19 ở thủ phủ Jayapura, tỉnh Papua, Indonesia ngày 20.7 - Ảnh: Reuters

Các hạn chế xã hội được áp dụng kể từ ngày 3.7 như làm việc tại nhà và các trung tâm mua sắm đóng cửa hiện chỉ giới hạn ở các đảo Java và Bali cũng như các "vùng đỏ" được chỉ định khác trên khắp đất nước.

Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Indonesia - Luhut Pandjaitan cho biết những điều này có thể được giảm bớt sớm nhất vào ngày 26.7 nếu các ca mắc COVID-19 tiếp tục giảm và các chỉ số khác được cải thiện. Ông Luhut Pandjaitan cũng nói "điều kiện xã hội học của người dân" sẽ được đưa vào quyết định.

Các nhà phân tích cùng các nguồn tin chính phủ Indonesia cho biết lo ngại về sinh kế của người nghèo và một loạt các cuộc biểu tình nhỏ trong tuần qua đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ bất ổn xã hội.

Với 60% lực lượng lao động trong khu vực phi chính thức, các chuyên gia cho rằng các cuộc biểu tình là biểu hiện của sự thất vọng, không nhất thiết là chống lại các hạn chế mà do nó đã gây ra khó khăn như thế nào cho họ để tồn tại.

Vắc xin có cung cấp con đường giải thoát khủng hoảng không?

Chính phủ Indonesia đang tin tưởng vào việc tiêm vắc xin, phần lớn do hãng Sinovac (Trung Quốc) cung cấp, để giúp giảm tác động của đại dịch.

Trong khi Indonesia làm việc chăm chỉ để bắt đầu chương trình tiêm chủng sớm, các rào cản về hậu cần, nguồn cung hạn chế và sự chần chừ tiêm vắc xin đã cản trở các mục tiêu. Đến nay chỉ có 6% dân số Indonesisa được tiêm chủng đầy đủ.

Cam kết đạt 400.000 lượt xét nghiệm mỗi ngày và tăng cường theo dõi liên hệ cũng đã giảm xuống, trong khi tỷ lệ dương tính với COVID-19 đạt trung bình 28,7% trong tuần qua.

Rủi ro tiềm năng nếu Indonesia nới lỏng hạn chế?

Chính phủ Indonesia phải đối mặt với hành động cân bằng khó khăn trong việc hoạch định chính sách để bảo vệ cả nền kinh tế và sức khỏe của 270 triệu người ở quốc gia rộng lớn đang phát triển này.

Thế nhưng khi các ca mắc COVID-19 gia tăng và các nghĩa địa đã lấp đầy, Indonesia đã phải đối mặt với những lời chỉ trích ngày càng tăng rằng họ đã ưu tiên kinh tế hơn sức khỏe của người dân. Ngược lại, việc không mở lại cũng mang lại rủi ro kinh tế.

Các nhóm sử dụng lao động đã cảnh báo về việc sa thải hàng loạt trừ khi các hạn chế được nới lỏng vào tuần tới, trong khi các tổ chức xếp hạng tín dụng cho rằng các hạn chế có thể thách thức mục tiêu của chính phủ là giảm thâm hụt tài chính và làm suy yếu trên xếp hạng.

Câu trả lời cho các vấn đề này còn phụ thuộc vào thời gian.

Các chuyên gia y tế công cộng khuyên rằng việc dỡ bỏ hạn chế quá sớm đồng nghĩa với việc hỗ trợ bổ sung gần đây được cung cấp cho các cơ sở y tế có thể nhanh chóng bị hủy hoại, đồng thời cho phép biến thể Delta lan rộng đến các vùng xa xôi thậm chí còn thiếu trang bị hơn để xử lý khủng hoảng sức khỏe.

Đến nay Indonesia ghi nhận tổng cộng 3.082.410 ca mắc COVID-19 với 80.598 người chết và 2.431.911 trường hợp phục hồi.

Nhân Hoàng