Vì sao nhà Trần phải hỏi ý kiến nhân dân trước khi đánh Nguyên?
Giáo dục - Ngày đăng : 06:47, 23/09/2016
Các kỳ trước
Kỳ 1: Đại Việt đêm trước cơn bão kháng Nguyên Mông lần thứ 2
Kỳ 2: Đất Trung Quốc máu chảy thành sông, Đại Việt tọa sơn quan hổ đấu
Kỳ 3: Vua Trần dùng kế hoãn binh, nhà Nguyên không dám manh động
Kỳ 4: Ngoại giao ăn miếng trả miếng sòng phẳng giữa vua Trần Thánh Tông và Hốt Tất Liệt
Kỳ 5: Trần Hưng Đạo cạo đầu lừa sứ giả phương Bắc
Kỳ 6: Ngại Đại Việt, Nguyên Mông xua quân đánh Chiêm Thành
Kỳ 7: Đại Việt khẳng khái từ chối yêu sách phương Bắc, bảo vệ đồng minh
Kỳ 9: Nhà Nguyên huy động nhiều quân Hán khai chiến với Đại Việt
Càng gần đến ngày quân Nguyên tiến sang, không khí chuẩn bị kháng chiến càng tích cực. Để khích lệ lòng quân, Trần Hưng Đạo soạn Hịch Tướng Sĩ cho mọi người cùng đọc. Binh sĩ nghe lời hịch hết sức cảm khái, rủ nhau xăm lên cánh tay hai chữ Sát Thát để bày tỏ ý chí quyết chiến. Ông còn soạn Binh Thư Yếu Lược cho các tướng lĩnh học tập. Tháng 9.1284, Trần Hưng Đạo thừa lệnh vua Trần Nhân Tông tổ chức một cuộc tổng duyệt binh ở Đông Bộ Đầu, các quân vương hầu đều kéo đến tham dự rồi chia nhau đóng giữ các nơi xung yếu. Cho cuối năm 1284, ngay trước khi quân Nguyên tiến sang, những ngả đường quan trọng ở các tuyến biên giới đều có trọng binh trấn giữ.
Tại các vùng tây bắc, quân của các tù trưởng đã chuẩn bị chiến đấu. Thế lực họ Hà ở châu Quy Hóa trước đây đã có nhiều chiến công trong cuộc chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất, nay lại tiếp tục sản sinh ra những vị anh hùng mới. Hà Đặc bấy giờ là tù trưởng ở châu Quy Hóa, có trong tay hàng ngàn quân người Tày, sẽ là lực lượng đầu tiên đương đầu với quân Nguyên ở Vân Nam. Tù trưởng Trịnh Giác Mật ở châu Đà Giang cũng là một lực lượng đáng kể. Trịnh Giác Mật đã từng khởi binh chống lại triều đình năm 1280, được Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật chiêu dụ, Mật lại chịu phục tùng và sát cánh với triều đình Đại Việt.
Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật đóng ở lộ Tuyên Quang, giữ trại Thu Vật phòng quân Nguyên ở Vân Nam theo đường Quy Hóa đánh vào trung châu. Trần Nhật Duật là người tài năng kiệt xuất, tính cách nhu hòa, tinh thông ngôn ngữ và phong tục của nhiều tộc người nên rất được lòng các sắc dân thiểu số. Ông là cầu nối quan trọng giữ các lực lượng miền núi tây bắc và miền xuôi phía đông. Trong quân của Trần Nhật Duật có nhiều sắc dân cả trong và ngoài nước. Trong đó có nhiều người tài tuấn. Lựa chọn Trần Nhật Duật cho tuyến phòng thủ mặt tây bắc cho thấy cách dùng người rất hay của Trần Hưng Đạo và vua Trần.
Phần đông quân chủ lực Đại Việt dồn lên phía Lạng Châu để đề phòng quân Nguyên từ Ung Châu theo đường lớn đánh sang. Phạm Ngũ Lão cùng nhiều tướng khác đảm nhận tuyến biên giới đến ải Chi Lăng, bao gồm một loạt cửa ải Khâu Ôn, Khâu Cấp, Khả Li ... Quân của Phạm Ngũ Lão bố trí trận địa dựa vào các địa hình hiểm trở, có vai trò cố gắng tiêu hao lực lượng địch càng nhiều càng tốt khi chúng vừa phạm vào biên giới. Trần Hưng Đạo đóng đại doanh ở ải Nội Bàng. Xung quanh Nội Bàng là các cụm cứ điểm vệ tinh để ứng cứu nhau và liệu đường tiến thoái. Quản quân Nguyễn Nộn được lệnh đóng giữ châu Thất Nguyên. Hoài Thượng Hầu Trần Lộng đóng giữ vùng Tam Đái… Thủy quân ở Vạn Kiếp, Thăng Long đã bố trí sẵn để làm hậu viện cho các cụm phòng thủ phía bắc. Tại Thăng Long, vua Trần Nhân Tông tự mình cũng nắm giữ một lực lượng thủy quân mạnh để tiện ứng biến.
Thế trận phòng ngự do Hưng Đạo Vương sắp đặt là một thế trận phòng ngự đa tuyến, đa điểm, không dồn quân vào một chỗ mà bố trí nhiều nơi để linh hoạt đánh và rút cũng như cơ động hỗ trợ cho nhau. Trong thế trận này, sự cơ động của thuyền bè đóng vai trò rất quan trọng mà ta sẽ thấy sau. Trần Quốc Tuấn còn sai các thân vương tích cực đi mộ binh các xứ để làm lực lượng dự bị. Cùng với việc bố trí các lực lượng quân sự, thì các kho tàng hậu cần cũng được chuẩn bị sẵn ở nhiều nơi để đề phòng quan quân sẽ dùng tới trong các cuộc di tản.
Mặc dù việc binh bị đã chuẩn bị rất khẩn trương, vua Trần Nhân Tông vẫn mong muốn níu kéo hòa bình. Trong năm 1284, lần lượt 3 sứ đoàn sang Nguyên xin hoãn binh đều không mang lại kết quả. Thoát Hoan vừa hành quân xuống miền nam nước Nguyên để tiến sang Đại Việt, vừa sai sứ đòi vua Trần phải chuẩn bị lương thực, và phải lên cửa quan đón quân Nguyên vào nước để “đi đánh Chiêm Thành”. Vua Trần Nhân Tông bèn trả lời thư: “Từ nước tôi đến Chiêm Thành, đường thủy đường bộ đều không tiện”.
Để dò biết lòng dân, đầu năm 1285 (tháng Chạp năm Giáp Thân 1284 Âm lịch) Thượng hoàng Trần Thánh Tông cho mời các bô lão trong nước đến dự hội nghị tại điện Diên Hồng. Thượng hoàng ban yến và ân cần hỏi ý kiến của các bô lão nên đánh hay hòa trước thế giặc mạnh. Trong hội nghị ấy, các bô lão, những người đại diện cho lòng dân cả nước đã đồng thanh hô “Đánh !”. Muôn người một tiếng, lời như một miệng phát ra. Đó cũng là hiệu lệnh quyết chiến cho toàn dân tộc. Sử gia các đời đánh giá rất cao hội nghị Diên Hồng vì đó là một động thái chính trị rất sáng tạo và đột phá trong bối cảnh lịch sử thời Trung đại. Ngày nay, chúng ta gọi đó là tinh thần dân chủ.
Trần Thánh Tông thông qua hội nghị không chỉ dò biết được ý nguyện của nhân dân, mà hơn thế nữa là cho nhân dân biết được ý nguyện của họ đã được các nhà cai trị tôn trọng và lắng nghe. Sức ảnh hưởng của hội nghị này rất lớn, giúp cho dân chúng một lòng quyết chiến với quân đội triều đình. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư đã nhận xét : “Giặc Hồ vào cướp nước là nạn lớn nhất của đất nước. Hai vua hiệp mưu, bầy tôi họp bàn há lại không có kế sách gì chống giặc mà phải đợi đến ban yến hỏi kế ở các phụ lão hay sao? Là vì Thánh Tông muốn làm thế để xét lòng thành ủng hộ của dân chúng, để dân chúng nghe theo lời dụ hỏi mà cảm kích hăng hái lên thôi. Đó là giữ được cái nghĩa người xưa nuôi người già để xin lời hay vậy.”
Bấy giờ quân của Thoát Hoan đã tiến đến Ung Châu, quân Nguyên từ Vân Nam do Nạp Tốc Lạp Đinh (Naxirut Din) cũng đang sẵn sàng vượt biên giới. Tình thế vô cùng khẩn trương. Nhân dân trong nước ngoài việc cung cấp nhân lực, vật lực cho quân đội triều đình thì những người ở các làng xã cũng đã tự mình tổ chức cất giấu lương thực, lập các đội dân binh, các cụm chiến đấu tự vệ ở địa phương. Hầu hết dân chúng răm rắp làm theo mệnh lệnh triều đình: “Tất cả các quận huyện trong nước, nếu có giặc ngoài đến, phải liều chết mà đánh. Nếu sức không địch nổi thì cho phép lẩn tránh vào rừng núi, không được đầu hàng!”.
Cuối tháng 1.1285, quân Nguyên do Thoát Hoan và A Lý Hải Nha chỉ huy đã kéo đến biên giới nước ta, giáp với Lộc Châu (Lộc Bình, Lạng Sơn). Quân Đại Việt đã dàn sẵn trận địa để đợi giờ quyết chiến. Vua Trần sai người mang thư đến cho Thoát Hoan để nuôi cái chí kiêu ngạo của chúng: " Không thể tận mắt trông thấy cái hào quang của ngài, nhưng trong lòng lấy làm hoan hỉ. Nhân vì ngày trước có nhận được thánh chiếu nói rằng: "Sắc riêng cho quân ta không phạm vào nước ngươi", mà nay thì thấy ở Ung Châu doanh trạm cầu đường nối nhau san sát, trong lòng thật lấy làm kinh sợ, mong hãy xét rõ lòng trung thành, nếu có gì thiếu sót xin lượng thứ cho". ( theo Nguyên sử )
Thoát Hoan đưa thư hồi đáp với lời lẽ gian trá: “Sở dĩ hưng binh là để phạt Chiêm Thành, chứ không phải An Nam” (theo Nguyên sử)
Thư từ qua lại như thế nhưng không ảnh hưởng gì tới tiến độ hành quân của quân Nguyên. Ngày 27.1.1285, quân Nguyên chia làm hai đạo tiên phong mà tiến. Cánh phía tây do Bột Đa Cáp Đáp Nhĩ (Bolquadar), A Thâm chỉ huy tiến vào Khâu Ôn (Ôn Châu, Lạng Sơn ngày nay). Cánh phía đông do Tản Tháp Nhĩ Hải (Satartai Satardai), Lý Bang Hiến chỉ huy tiến vào Khâu Cấp (Lộc Bình, Lạng Sơn ngày nay). Thoát Hoan cùng A Lý Hải Nha dẫn đại quân theo sau cánh quân phía đông. Tại những những nơi Khâu Ôn, Khâu Cấp những trận chiến đầu tiên đã diễn ra. Cuộc chiến Đại Việt – Nguyên Mông chính thức bắt đầu.
(còn tiếp)
Quốc Huy