ĐB Nguyễn Thị Thủy: Một số địa phương dùng biện pháp thái quá, cản trở người dân
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 10:30, 25/07/2021
Sáng 25.7, Quốc hội thảo luận tình hình kinh tế - xã hội và giải pháp phòng chống COVID-19.
Chống dịch nhưng không ngăn sông, cấm chợ
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) phân tích, thời gian qua nhiều địa phương đã có nhiều biện pháp phù hợp, hạn chế tối đa khó khăn cho người dân. Nhiều địa phương có cách làm sáng tạo, hiệu quả như xét nghiệm mẫu gộp, xét nghiệm ngẫu nhiên, qua đó không để mất giờ vàng trong chống dịch...
Tuy nhiên, một số địa phương áp dụng biện pháp thái quá, gây cản trở cho người dân, doanh nghiệp; không cho xe chở nông sản đi qua mặc dù có giấy xác nhận an toàn. Có doanh nghiệp phản ánh xe hàng được đi qua chốt kiểm soát dịch nhiều tỉnh, nhưng đến địa phương cuối cùng cần giao hàng thì phải quay đầu ra vì mỗi nơi một quy định khác nhau.
"Cả nước như một cơ thể sống quan hệ tuần hoàn chặt chẽ, nên không thể vì một chỗ bị bệnh mà cắt rời hết tất cả. Vấn đề đặt ra là cách ly mà không tách rời, đứt gãy nền kinh tế", bà Thủy nói.
Đại biểu Thủy đánh giá cao việc Chính phủ đã sớm chỉ đạo các địa phương này có sự điều chỉnh phù hợp để bảo đảm chống dịch nhưng không “ngăn sông cấm chợ”. Thái độ dứt khoát cùng biện pháp mạnh trên cả nước đã khiến người dân không còn coi thường dịch bệnh, thực hiện khai báo đầy đủ…
Bà Thủy cũng ghi nhận là việc xử lý nghiêm các vi phạm vừa qua đã khắc phục tâm lý chủ quan, coi thường, nhờn các quy định trong phòng chống dịch. Bà dẫn chứng những vụ việc điển hình như cách chức Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Hancinco ở Hà Nội hay rút khỏi danh sách ứng cử đại biểu HĐND như tại Hà Nam, thậm chí khởi tố nhiều vụ án hình sự làm lây lan dịch ra ngoài cộng đồng. “Thái độ dứt khoát cùng biện pháp mạnh đã có tác dụng răn đe”, bà Thủy khẳng định.
Vấn đề thứ ba về công khai lịch trình di chuyển chi tiết của bệnh nhân, theo đại biểu này, việc công khai lịch trình khiến nhiều người bệnh trở thành tâm điểm của việc thêu dệt, suy diễn, thậm chí bị ném đá trên mạng xã hội, gây tổn thương và ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống gia đình họ. Bà Thủy cho rằng đây không phải cách chúng ta cùng nhau vượt qua đại dịch.
Theo bà Thủy, sự chấp nhận gian khổ hy sinh của lực lượng tuyến đầu, sự hy sinh, chia sẻ của các địa phương… đã hỗ trợ cho các tỉnh có dịch thêm sức mạnh để kiểm soát và chiến thắng dịch bệnh. Không chỉ chung tay đóng góp về vật chất mà còn sự đồng lòng về tinh thần của mọi người dân, tổ chức, doanh nghiệp để chiến thắng đại dịch.
Thời gian tới, đại biểu kiến nghị Chính phủ triển khai phần mềm liên thông để kịp thời hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ngoài ra, cần rà soát sức chống chịu của doanh nghiệp để có biện pháp căn cơ trong thời gian sắp tới.
“Những khó khăn của nền kinh tế trong đại dịch đang ngấm ngàng càng sâu vào từng người lao động và từng doanh nghiệp nên quyết định của Đảng, Nhà nước trong tiếp tục triển khai gói hỗ trợ an sinh mới là một quyết sách kịp thời và hợp lòng dân”, đại biểu Thủy nói.
Chính phủ cần nghiên cứu giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng việc cách ly F1, F0 tại nhà cần linh hoạt, tuân thủ nghiêm túc việc cách ly; áp dụng khám bệnh từ xa trong mùa dịch; kiên định “5K+ vắc xin”…
“Vắc xin giúp ít người bị nhiễm hơn, nếu nhiễm thì ít bị nặng, tử vong hơn. Nhân dân cần tin tưởng và tham gia chương trình vắc xin”, ông Trí nói.
Ông Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) nhận định năng lực, sống chống chịu của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu ớt, nhất là trong bối cảnh đại dịch.
Ông Tiến phân tích, bình quân mỗi tháng trong nửa đầu năm nay có 11.700 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, cao hơn nhiều cùng kỳ. Trong đó, 622 doanh nghiệp vốn trên 100 tỉ đồng rút khỏi thị trường. Bình quân 3.836 doanh nghiệp thành lập mới, thấp hơn gần một nửa so với cùng kỳ.
"Chính phủ cần nghiên cứu, giải pháp không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh bớt khó khăn mà còn phải phục hồi, bứt phá", ông đề nghị.
Đề cập đến việc lập và triển khai các dự án đầu tư, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần đặc biệt quan tâm đến xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi tường, đề cao tính thực chất của báo cáo, tránh những báo cáo đánh giá một cách hời hợt, manh tính hình thức, thiếu thực chất.
Đồng thời, theo bà Mai, trong huy động các nguồn lực đầu tư cần phải có các giải pháp mang tính cụ thể; có căn cứ, có tính thuyết phục, có mục tiêu rõ ràng trong huy động vốn đầu tư thực hiện các dự án; tránh trình trạng đầu tư dàn trải, gây thất thoát, lãng phí.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cũng bày tỏ nhất trí cao với các nội dung được Chính phủ trình Quốc hội liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19, cho rằng những nội dung mà Chính phủ trình là khả thi, phù hợp, cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay. Tuy nhiên, Chính phủ cũng cần có những hoạt động kiểm soát chặt chẽ trong quá trình triển khai các chính sách phòng chống dịch, tránh tình trạng bị trục lợi trong thực hiện chính sách.
Bà Mai đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường hơn nữa việc thúc đẩy giải ngân gói 26 nghìn tỉ để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trên tinh thần công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng pháp luật…
Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cho biết từ cuối tháng 4 đến nay, người dân và doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng lớn của đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19, do đó đại biểu cho rằng kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh là yếu tố quan trọng và là mục tiêu lớn trong thời gian tới.
“Tôi cho rằng việc Quốc hội giao cho Chính phủ được áp dụng những biện pháp chưa có Luật là rất cần thiết”, Đại biểu Giang đề xuất.
Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) đồng tình với việc Quốc hội trao “thượng phương bảo kiếm” cho Chính phủ “ra trận” để phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian tới. “Với sự đồng hành của cả hệ thống chính trị và toàn dân, tôi tin tưởng cuộc chiến chống dịch sẽ thành công”, đại biểu Lâm nói.
Đại biểu tỉnh Bắc Giang khẳng định phải khống chế dịch bệnh càng nhanh càng tốt, bày tỏ đồng tình, tuyệt đối tin tưởng vào các giải pháp của Chính phủ. Theo đại biểu Lâm, phải tái cơ cấu toàn diện nền kinh tế, mỗi doanh nghiệp cần chủ động thích ứng linh hoạt trong dịch bệnh, có như vậy sự phát triển trong quý 4 mới là nền tảng để thực hiện tốt mục tiêu của cả năm 2021.