Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Gói 62.000 tỉ kết quả chưa được như mong muốn

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 15:09, 25/07/2021

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết việc hỗ trợ từ gói 62.000 tỉ - một gói hỗ trợ chưa có tiền lệ nhưng kết quả chưa được như mong muốn, tuy nhiên cũng đã hỗ trợ xấp xỉ 39.000 tỉ cho 14,4 triệu người.

Sẵn sàng chuẩn bị cho tình hình xấu hơn nữa

Thảo luận tại Quốc hội ngày 25.7, Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) chia sẻ, chưa bao giờ Bình Dương cũng như các tỉnh, thành phố khu vực phía nam bị “thương tổn” như trong hoàn cảnh dịch bệnh hiện nay.

“Chúng ta phải sẵn sàng chuẩn bị cho tình hình xấu hơn nữa, ý thức tự cứu mình của mọi người dân phải nâng lên ở mức cao nhất vì nguồn lực của Nhà nước là có hạn. Tình hình sản xuất trong tâm dịch vô cùng khó khăn. Phải đảm bảo “mục tiêu kép”; sản xuất trong các khu công nghiệp cũng cần sự liên kết; trung chuyển giữa nơi này đến nơi khác vẫn phải duy trì, không để đứt gãy nền kinh tế”, ông Nhân nói.

Ông Vũ Tiến Lộc (VCCI) cho rằng, kinh tế Việt Nam đang trải qua giai đoạn gian nan nhất trong nhiều thập kỷ vì COVID-19. Các biện pháp giãn cách xã hội tại địa phương để chống dịch, khiến doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ khó khăn.

Theo ông Lộc, doanh nghiệp đang chết dần, chết mòn, nhất là khu vực doanh nghiệp dịch vụ. Thậm chí, họ không có khả năng vực dậy sau đại dịch nếu không có biện pháp bứt phá hỗ trợ. Trong khi đó, những hỗ trợ vừa qua, chẳng hạn gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng, hay miễn, giãn thuế cho doanh nghiệp, giảm lãi suất...không đi vào cuộc sống được nhiều.

Ông Vũ Tiến Lộc đề nghị, chiến lược tiêm chủng vắc xin cần đẩy nhanh hơn, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất... để tránh đứt gãy kinh tế. Việt Nam cũng cần chuẩn bị điều kiện, lộ trình mở cửa lại nền kinh tế tương ứng với độ phủ tiêm chủng vắc xin.

Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung cho biết, trong những tháng đầu năm 2021, tỷ lệ thất nghiệp 2,52%, khu vực dịch vụ ảnh hưởng nặng nề. Một số ngành đã suy giảm trong năm 2020 nay tiếp tục suy giảm sâu hơn, khu vực lữ hành giảm sâu 54,8 %, doanh nghiệp dịch vụ, lưu trú giảm tiếp 2,7%, khu vực vận tải giảm 0,7%, 70.000 doanh nghiệp phải rút khỏi thị trường.

"Chúng ta đã hy sinh một phần tăng trưởng kinh tế để đảm bảo an toàn sức khỏe của người dân. Khu công nghiệp và người lao động đã đồng lòng thực hiện phương châm 3 tại chỗ “sản xuất tại chỗ, ăn ở tại chỗ, cách ly tại chỗ”, ông Dung nêu.

Đến nay, theo báo cáo và giám sát của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đã hỗ trợ 168,8 nghìn tỉ đồng cho các lực lượng trên.

"Về hỗ trợ theo Nghị quyết 42 gọi là gói 62.000 tỉ năm 2020, một gói hỗ trợ chưa có tiền lệ, mặc dù triển khai trong thời gian gấp, kết quả chưa được như mong muốn nhưng cũng đã hỗ trợ xấp xỉ 39.000 tỉ cho 14,4 triệu người thụ hưởng, riêng tiền mặt hỗ trợ trực tiếp 13.000 tỉ", Bộ trưởng cho biết.

Theo ông Dung, 63/63 địa phương tích cực triển khai hỗ trợ theo Nghị quyết 68. Với đợt dịch thứ 4, Chính phủ đã phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội kịp thời ban hành Nghị quyết 68 và Quyết định 23 hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Bộ trưởng cho biết, việc ban hành 12 chính sách là kịp thời, đúng, trúng đối tượng. Nhìn chung thủ tục triển khai chính sách thông thoáng, giảm 2/3 thủ tục, rút ngắn 2/3 thời gian so với Nghị quyết 42. Thậm chí có những chính sách không cần người lao động và người sử dụng lao động cung cấp hồ sơ mà dựa vào cơ sở dữ liệu đã có để hỗ trợ.

dao-ngoc-dung.jpg
Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung

Tính đến ngày 24.7, 63/63 địa phương đã ban hành kế hoạch, chủ trương và đang triển khai nghị quyết. Nhiều địa phương đạt kết quả cao.

Cụ thể, nhóm Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đã có 375 nghìn đơn vị sử dụng lao động với gần 11 triệu người lao động được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ tháng 7.2021 đến hết tháng 6/.022 với tổng số tiền (tạm tính) khoảng 4.300 tỉ đồng. Như vậy, chính sách này đã hoàn thành. Tất cả người điều trị F0 và cách ly F1 đã được hỗ trợ tiền ăn kịp thời.

Cơ quan bảo hiểm xã hội đã xác nhận cho 52.081 người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương tại 5.922 đơn vị sử dụng lao động làm cơ sở để UBND các cấp phê duyệt danh sách hỗ trợ. Đến nay, đã hỗ trợ 31.348 người lao động, tổng số tiền gần 62,7 tỉ đồng.

Các địa phương đang rà soát, thống kê để hỗ trợ các hộ kinh doanh. Đến nay, có khoảng 5.500 hộ kinh doanh tại các địa phương đã được hỗ trợ.

Ngân hàng đã triển khai tái cấp vốn, sau 1 tuần đã hoàn thiện hồ sơ và phê duyệt cho 62 hồ sơ đề nghị vay vốn, giải ngân 50,4 tỉ đồng, hỗ trợ 13.577 lao động, gấp 10 lần gói 62.000 tỉ.

“Chúng ta đề cao tính linh hoạt, sáng tạo, phân quyền mạnh cho địa phương quyết định về việc hỗ trợ. Đến nay, chính sách hỗ trợ đã được triển khai nhanh, có hiệu quả, nhất là ở các địa phương thực hiện giãn cách xã hội.

Ví dụ, tất cả lực lượng lao động bán vé số dạo từ Đà Nẵng đến Cà Mau với hàng trăm nghìn người đã được hỗ trợ. TP.HCM và nhiều địa phương đã ban hành và thường xuyên cập nhật đối tượng lao động tự do được hưởng chính sách”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin.

Bộ trưởng cũng cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã biểu dương lãnh đạo, cán bộ tại các ban ngành liên quan của TP.HCM, trong thời điểm giãn cách đã khắc phục khó khăn, với tinh thần chỉ đạo quyết liệt sáng tạo, trong 15 ngày đã đến từng nhà, gặp gỡ từng đối tượng, trực tiếp hỗ trợ cho 284.465 lao động tự do, đạt kết quả 100% với số tiền 426 tỉ đồng.

Đánh giá chung, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng thời gian tới, cần thực hiện các chính sách với phương châm càng khó khăn, càng phải quan tâm an sinh phúc lợi, không hy sinh tiến bộ công bằng xã hội để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường hơn nữa việc thúc đẩy giải ngân gói 26 nghìn tỉ để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trên tinh thần công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng pháp luật…

Lam Thanh