'Nếu suy giảm miễn dịch, bạn có thể cần tiêm liều vắc xin COVID-19 thứ 3'

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 07:02, 26/07/2021

Các quan chức y tế liên bang Mỹ đang xem xét liệu liều vắc xin thứ ba có cần thiết với một số người hay không khi số ca COVID-19 tăng đột biến.

Cố vấn y tế của Tổng thống Joe Biden - Tiến sĩ Anthony Fauci nói rằng những người Mỹ đã được tiêm vắc xin đầy đủ có hệ miễn dịch bị tổn thương có thể sẽ cần một mũi tiêm nhắc lại. Tin tức này được đưa ra khi số ca mắc COVID-19 của Mỹ tiếp tục tăng do sự xuất hiện của biến thể Delta siêu lây truyền.

Chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm Mỹ nói với CNN hôm 25.7 rằng mũi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 thứ ba có thể xảy ra với một số người Mỹ: “Cụ thể, những người bị suy giảm hệ thống miễn dịch, những bệnh nhân cấy ghép, hóa trị ung thư, mắc các bệnh tự miễn dịch, đang theo phác đồ ức chế miễn dịch sẽ là đối tượng dễ bị tổn thương và có thể cần tăng cường liều tiêm thứ 3".

Đây là bình luận khác với của chính Tiến sĩ Fauci, Giám đốc Viện dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia, hồi đầu tháng này rằng không cần thiết phải tiêm mũi nhắc lại để bổ sung cho các liều vắc xin trước đó.

Hôm 25.7, Tiến sĩ Fauci cho biết Ủy ban Cố vấn về Thực hành Tiêm chủng của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đang xem xét dữ liệu có thể đề xuất lần tiêm thứ ba, đặc biệt là các nghiên cứu sơ bộ cho thấy khả năng miễn dịch ở những người được tiêm chủng đang suy yếu. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng tình hình vẫn còn rất nhiều diễn biến.

Đó là một công việc đang được tiến hành. Nó phát triển giống như rất nhiều khu vực khác của đại dịch”, Tiến sĩ Fauci nói về quan điểm của CDC về việc liệu một mũi tiêm nhắc lại vắc xin có cần thiết hay không.

neu-suy-giam-mien-ban-co-the-can-tiem-lieu-vac-xin-thu-33.jpg
Cố vấn y tế Nhà Trắng - Tiến sĩ Anthony Fauci

Dữ liệu ban đầu từ nghiên cứu của Bộ Y tế Israel chỉ ra rằng vắc xin Pfizer chỉ có 39% hiệu quả ngăn ngừa nhiễm bệnh ở nước này trong khoảng thời gian từ ngày 20.6 đến ngày 17.7, giảm từ 95% trong tháng 1 đến đầu tháng 4, dù lưu ý rằng 2 liều vắc xin vẫn có hiệu quả hơn 90% trong việc ngăn ngừa bệnh nặng do vi rút gây ra.

Một nghiên cứu thứ hai ở Anh cho thấy rằng vắc xin Pfizer có hiệu quả 88% trong việc ngăn ngừa bệnh có triệu chứng từ biến thể Delta sau hai mũi tiêm, tương đương với hiệu quả với chủng Alpha chiếm ưu thế trước đó.

Về việc liệu có cần một vắc xin tăng cường để cải thiện tỷ lệ hiệu quả hay không, Tiến sĩ Fauci nói rằng Ủy ban Cố vấn về Thực hành Tiêm chủng sẽ “tiếp tục xem xét dữ liệu có thể thúc đẩy chúng tôi theo hướng đó”.

Israel đã bắt đầu sử dụng liều thứ ba của vắc xin Pfizer cho những người bị suy giảm miễn dịch nhưng chưa công bố rộng rãi vào thời điểm này.

Các quan chức y tế trên toàn thế giới ngày càng báo động về biến thể Delta, có khả năng lây truyền cao hơn các SARS-CoV-2 trong quá khứ. Theo CDC, chủng này hiện chiếm khoảng 80% tổng số ca COVID-19 mới ở Mỹ, tăng từ khoảng 30% vào giữa tháng 6.

Sự lây lan của biến thể Delta trùng hợp với sự gia tăng toàn cầu về tổng số ca bệnh. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số ca mắc COVID-19 mới được báo cáo mỗi ngày đã tăng khoảng 12% trong tuần qua, từ 400.000 lên 490.000.

Tại Mỹ, nơi gần 50% người Mỹ đủ điều kiện vẫn chưa được tiêm vắc xin, các ca COVID-19 tăng đột biến nhất là ở các bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn như Florida, Texas và Missouri, Tiến sĩ Fauci cho biết hôm 25.7. Đến nay, Mỹ ghi nhận tổng cộng 35.199.465 ca mắc COVID-19 với 626.762 người chết.

Giống như chúng ta có hai thế giới ở nước Mỹ. Chúng ta có bộ phận chưa được tiêm chủng rất dễ bị tổn thương, và chúng ta có phần tiêm chủng được bảo vệ tương đối”, ông Fauci nói với CNN.

Phóng viên Alyse Stanley (người Anh) cho hay: "Bây giờ, tôi rơi vào một trong những đối tượng dễ bị tổn thương mà Fauci đã đề cập. Nhờ một căn bệnh di truyền đáng yêu, tôi đã thường xuyên dùng thuốc để ngăn hệ thống miễn dịch ngu ngốc bị tấn công kể từ khi tôi còn là một thiếu niên. Thành thật mà nói, tôi rất vui khi được tiêm một lần nữa. Tôi nói hãy tiêm cho tôi càng nhiều mũi tăng cường càng tốt".

Nhân Hoàng