ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu: COVID-19 như tấm gương phản chiếu sắc nét những mặt tốt và mặt xấu của xã hội
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 11:01, 26/07/2021
"COVID-19 chỉ ra không ít lãnh đạo chưa xứng đáng"
Phát biểu trước Quốc hội, đại biểu quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Lân Hiếu cho rằng COVID-19 như tấm gương phản chiếu sắc nét những mặt tốt và mặt xấu của xã hội chúng ta. Ta thấy được những giá trị cốt lõi của con người, đó chính là sự đùm bọc trở che nhau trong cơn hoạn nạn. Những tấm gương hy sinh vì dân khiến ai cũng trân trọng và cảm phục.
Ông Hiếu nêu ví dụ về một vị ĐBQH khóa 14 không tái cử nhưng suốt 1 tháng qua không ngày nào không xông pha nơi tuyến đầu, kêu gọi, tiếp nhận, phân phối trang thiết bị chống dịch, nhu yếu phẩm cho người gặp khó khăn, thậm chí bỏ tiền túi cùng các nhà hảo tâm mua máy thở cho các bệnh viện dã chiến…; hoặc một phó trưởng khoa hồi sức của một bệnh viện lớn nhưng cả năm nay không có nổi 1 tuần ở nhà, chỗ nào dịch bùng phát đều có mặt.
Vậy nhưng, đại biểu này cho rằng đại dịch COVID-19 cũng chỉ ra một số lượng không nhỏ những người lãnh đạo chưa xứng đáng với vị trí mình nắm giữ.
“Có quá nhiều người lãnh đạo nói học tập theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh là 'ái quốc, thương dân' vậy nhưng rất nhiều lãnh đạo không thể hiện được điều này bằng hành động của mình. Thương dân thế nào mà ông Chủ tịch UBND phường 6, Q.Gò Vấp xây dựng cả chỉ tiêu phạt người dân ra đường vi phạm chỉ thị 16, còn ông phó chủ tịch phường khác lại không coi bánh mì là lương thực, thực phẩm thiết yếu nên phạt người dân ra đường…”, ông Hiếu nói.
Đại biểu Hiếu nhận xét COVID-19 đã làm trôi những vỏ bọc của những cá nhân không đủ năng lực, thiếu đạo đức cần phải loại bỏ trong hệ thống.
“Chúng ta cần những vị lãnh đạo năng động, kỹ trị và có đạo đức liêm chính để đưa đất nước vượt qua khó khăn. COVID 19 như một bài sát hạch từ trung ương đến địa phương. Có những vị lãnh đạo đủ tâm đủ tầm, sẽ có những chính sách mới, những quyết định hợp lòng dân nhưng cũng không mị dân, đánh bóng thương hiệu, vì thương dân nhưng phải ái quốc, phải vì sự phát triển bền vững của đất nước”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”
Theo ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu, người yếu thế đang ngày càng khó khăn, các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề với việc đứt đoạn chuỗi sản xuất mà vẫn phải lo an sinh cho người lao động.
Do đó cần có chính sách khẩn cấp để người dân đừng bi quan, cảm giác không còn chỗ nào bám víu trong cơn hoạn nạn. Một hành động rất nhân văn của Chính phủ có thể làm yên lòng những người dân đang oằn mình chống dịch, như giảm giá những mặt hàng thiết yếu xăng dầu, điện, nước…
Theo ông Hiếu, những nhà lãnh đạo kỹ trị là những nhà lãnh đạo biết lắng nghe các luận chứng khoa học rồi ra quyết định nhất quán của mình. Những chính sách dựa trên khoa học chắc chắn sẽ thống nhất từ trung ương đến địa phương vì tiêu chí của khoa học là khách quan, tường minh.
“Các tiêu chuẩn, quy định hướng dẫn sẽ mạch lạc rõ ràng, tránh tình trạng mỗi địa phương hiểu theo một cách, trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Không đánh địch, khống chế địch mà chỉ đuổi địch đi khỏi địa bàn mình hay là chiến lược cứ luôn chậm hơn 'địch' một bước…”, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu so sánh.
Trong đợt dịch bùng phát lần này, ông Hiếu cho rằng điều đáng lo ngại nhất là đó chính là người dân đã trải qua hơn 1 năm khó khăn, bao nhiêu dự trữ đã mang ra sử dụng, dẫn đến khi giãn cách cách ly không tuân thủ hướng dẫn như những đợt trước.
Hơn nữa các thông tin không kiểm chứng, không dựa vào khoa học như dịch bệnh không nguy hiểm, người trẻ không thể bị tử vong, hay các nước trên thế giới đã buông, sống chung với dịch… càng làm tâm lý người dân hoang mang. Mục tiêu kép trở thành mục tiêu đơn độc, đó là mặc kệ dịch bệnh, cứ phải kiếm tiền bằng mọi giá.
Hệ thống y tế 3 tầng điều trị
Theo đại biểu Hiếu, đây là lúc rất cần để cả hệ thống chính trị thống nhất phương pháp chống dịch trong giai đoạn mới này.
Nguyên tắc chung đó là giảm tối đa sự lây lan dịch bệnh, không để tỷ lệ tử vong vượt qua tỷ lệ chung của các nước trên thế giới và bảo đảm những hoạt động sản xuất đặc biệt quan trọng cho nền kinh tế đất nước. Để đồng thời thực hiện được 3 nguyên tắc này là vô cùng khó khăn.
Với mục tiêu thứ 1 cần áp dụng theo từng địa phương với mức lây lan dịch bệnh khác nhau. Ví dụ như không thể tiếp tục truy vết như trước tại Sài Gòn nhưng lại rất cần làm truy vết cách ly quyết liệt ở Hà Nội trong những ngày đầu thực hiện chỉ thị 16… Tất cả những chính sách áp dụng cần sự tư vấn của các nhà chuyên môn, không thể như chủ quan duy y chí của một vài vị lãnh đạo địa phương.
Ông Hiếu cho biết nguyên tắc giảm tỷ lệ tử vong đã được Bộ Y tế vạch ra khá rõ ràng. Đó là xây dựng hệ thống y tế 3 tầng. Tầng 1, các bệnh viện dã chiến chăm sóc các người nhiễm F0. “Tôi xin nhấn mạnh đây là người nhiễm vi rút chứ không phải bệnh nhân”, ông Hiếu nói.
“Họ không có triệu chứng nên nhiệm vụ chúng ta là không để bỏ sót các triệu chứng sớm khiến họ trở thành bệnh nhân thực sự. Chính vì vậy đã cách ly tập trung trong bệnh viện dã chiến cần thực hiện nghiêm túc với quy trình theo dõi chặt chẽ, điều kiện sinh hoạt phải đảm bảo. Nếu không được như vậy, ở những nơi dịch bùng phát mạnh có thể triển khai cách ly F0 tại nhà với các gói theo dõi ứng dụng khám chữa bệnh từ xa như đã và đang thực hiện ở Ấn Độ và mới đây là Myanmar.
Những người nhiễm không triệu chứng có nhà riêng đủ điều kiện cách ly cần được thực hiện gói chăm sóc, như nhân viên y tế điện thoại 2 lần mỗi ngày, sử dụng ứng dụng chuyên dụng để tự nhận biết các dấu hiệu nguy hiểm cách xử lý và video call với bác sĩ từ xa.
Tủ thuốc điều trị COVID-19 tại nhà sẽ được cung cấp đánh số và sử dụng theo hướng dẫn của các nhà chuyên môn. Cuối cùng khi bệnh trở nặng phát hiện bằng các phương tiện từ xa (bão hòa oxy cặp tay, máy đo huyết áp nhịp tim…) cần khẳng định có xe đến đón đưa bệnh nhân nhập viện”, ông Hiếu nêu.
Tầng 2 là các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện điều trị các bệnh nhân mức độ vừa chưa cần thở máy hay can thiệp lọc máu. Tuyến này cần nhất là đào tạo nhân viên y tế. Nắm chắc các khuyến cáo hướng dẫn mà Bộ Y tế cập nhật thường xuyên.
Theo đó, cần đánh giá mức độ bệnh chính xác để không chuyển tuyến quá sớm hay quá muộn. Ngoài trang bị kiến thức, chúng ta cần khẩn trương bổ sung cho tầng này máy oxy dòng cao, theo dõi, thuốc men trong danh mục điều trị COVID-19... Nguồn lực có thể từ ngân sách địa phương và các nhà hảo tâm.
Tầng 3 là tầng quan trọng mà chúng ta lại yếu nhất, đấy là các trung tâm điều trị bệnh nhân nặng nguy kịch. Cần khẩn trương hình thành các trung tâm này. Chỉ nhận và điều trị các bệnh nhân cần thở máy, lọc máu hay hỗ trợ ECMO… Nguồn lực của cả trung ương và địa phương cần tập trung ở đây để sao cho số giường ICU không thấp hơn 5% tổng số ca nhiễm ước tính.
Ví dụ như chúng ta ước tính sẽ có 100.000 ca nhiễm, cả nước cần 5.000 giường ICU chỉ dành cho COVID. Việt Nam tổng hiện có 400 máy lọc máu cấp cứu và 70 máy ECMO, nhưng Mỹ dân số gấp 3 lần Việt Nam hiện có tới 50.000 máy lọc máu cấp cứu và 3.000 máy ECMO. Vừa qua khi Mỹ dịch cao điểm, chết nhiều đến vậy vì không đủ máy. Việc bổ sung trung tâm cấp cứu bệnh nhận nặng và nguy kịch là việc cấp thiết hiện nay.
“Công cuộc chống dịch COVID-19 còn rất dài, vì vậy vẫn còn thời gian cho dù rất ngắn để rút kinh nghiệm những sai lầm vừa qua, nhanh chóng xây dựng một chính sách nhất quán khoa học sớm áp dụng trên phạm vi toàn quốc”, ông Hiếu nhấn mạnh.