Đọc câu Kiều lẳng lơ, càng thấy tiếng Việt diệu kỳ

Giáo dục - Ngày đăng : 11:51, 06/10/2016

Tôi thích những bài hát mang âm hưởng dân ca của Phạm Duy, tôi yêu truyện Kiều của Nguyễn Du vì những lời lẽ rất tự nhiên nhưng cũng hết sức trau chuốt bóng bẩy. Và từ nhạc Phạm Duy, từ truyện Kiều của Nguyễn Du, từ bao tác phẩm của thời Lý - Lê - Trần... mà tôi yêu tiếng Việt vô cùng.

Nhà văn hóa Phạm Quỳnh nổi tiếng với câu "Tiếng ta còn, nước ta còn" nhưng trước câu đó là câu: "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn". Phạm Duy trong bài Tình ca đã mở đầu bằng lời: "Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời người ơi" và trong bài, ông không quên nhắc lý do yêu đầu tiên là: "Một yêu câu hát truyện Kiều, lẳng lơ như tiếng sáo diều làng ta".

Khi nghe bài Tình ca, nhiều lần tôi tự hỏi tại sao Phạm Duy lại viết "Truyện Kiều, lẳng lơ như tiếng sáo diều làng ta". Cái chữ "lẳng lơ" ấy thật tuyệt vời vì nó vừa so sánh, vừa tả cảnh, vừa tả tình, vừa cảnh mà vừa tình thì thật khó dùng từ nào thay thế được. Tôi nghĩ rằng nếu dùng bất một từ nào đó dù là Hán Việt hay mượn từ ngôn ngữ Anh, Ý, Nga... thì cũng không thể hay mà tình tứ như chữ "lẳng lơ". Chỉ trong tiếng Việt mới có từ "lẳng lơ" hay đến thế.

Khi phát âm chữ l (lờ) bạn có thấy lưỡi mình lơ lửng trong miệng không? Thử đi và bạn sẽ thấy thật tuyệt, lưỡi lơ lửng trong miệng, diều lơ lửng cùng tiếng sáo trên không trung và tâm hồn cũng lơ lửng theo cánh diều. Đậm chất dân ca, cả một khung trời quê thư thái yên bình vô tư lự trong một câu thơ, một ý thơ.

Thực sự thì tôi thích thay từ này bằng từ "lả lơi" như cánh cò để nghe có màu sắc dân ca hơn từ "lẳng lơ". Nhưng có lẽ Phạm Duy dùng từ "lẳng lơ" còn để tả ai đó trong truyện Kiều chăng. Người như Phạm Duy thì khó mà dùng từ sai lắm.

Trong truyện Kiều có rất nhiều lần Nguyễn Du viết những câu thơ kỳ diệu như vậy. Kể ra rất nhiều nhưng tôi rất thích câu thơ mà đầu lưỡi rung lên lơ lửng như tiếng sáo diều lẳng lơ.

Dưới trăng quyên đã gọi hè

Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông

4 chữ "lửa lựu lập lòe" quá thần kỳ. Nó không chỉ tạo ra điểm sáng trong bức tranh đêm hè giữa tiếng quyên kêu mà còn nhóm lửa trong lòng, tiếng lập lòe trong miệng phát ra trong người ngâm vậy. Chẳng trách mà người xưa thường ví von người nói hay thì nghe như tiếng róc rách của suối, như nhả ngọc phun châu.

Tôi thích những bài hát mang âm hưởng dân ca của Phạm Duy, tôi yêu truyện Kiều của Nguyễn Du vì những lời lẽ rất tự nhiên nhưng cũng trau chuốt bóng bẩy đó. Và từ Phạm Duy, từ truyện Kiều của Nguyễn Du, từ bao tác phẩm của thời Lý - Lê - Trần... mà tôi yêu tiếng Việt vô cùng.

Anh Tú