Tướng Nguyên nướng quân dưới chân thành Thăng Long
Giáo dục - Ngày đăng : 10:31, 04/10/2016
Các kỳ trước
Kỳ 1: Đại Việt đêm trước cơn bão kháng Nguyên Mông lần thứ 2
Kỳ 2: Đất Trung Quốc máu chảy thành sông, Đại Việt tọa sơn quan hổ đấu
Kỳ 3: Vua Trần dùng kế hoãn binh, nhà Nguyên không dám manh động
Kỳ 4: Ngoại giao ăn miếng trả miếng sòng phẳng giữa vua Trần Thánh Tông và Hốt Tất Liệt
Kỳ 5: Trần Hưng Đạo cạo đầu lừa sứ giả phương Bắc
Kỳ 6: Ngại Đại Việt, Nguyên Mông xua quân đánh Chiêm Thành
Kỳ 7: Đại Việt khẳng khái từ chối yêu sách phương Bắc, bảo vệ đồng minh
Kỳ 9: Nhà Nguyên huy động nhiều quân Hán khai chiến với Đại Việt
Kỳ 10: Vì sao nhà Trần phải hỏi ý kiến nhân dân trước khi đánh Nguyên?
Kỳ 11: Giặc Nguyên đổ quân như nước lũ, Hưng Đạo vương chia tướng giữ thành
Kỳ 12: 30 vạn quân Đại Việt quyết chiến 50 vạn quân Nguyên tại Vạn Kiếp
Sau trận Vạn Kiếp, chỉ trong ba ngày quân Nguyên đã kéo quân đến sông Hồng, bên đây sông chính là kinh thành Thăng Long. Ngày 17.2.1285, thủy bộ quân Nguyên đã tiến đến Gia Lâm, làm chủ nhiều nơi ở Bắc Giang, uy hiếp kinh thành từ cả hai mặt đông và đông bắc. Quân Nguyên tạm thời chưa thể tấn công ngay được vì quân Đại Việt đã củng cố được tuyến phòng thủ vững chắc, buộc địch phải bỏ thời gian hội quân đông đủ, chuẩn bị khí cụ vượt sông và công thành. Quân Đại Việt tuy đã chuẩn bị thế trận phòng thủ, thể hiện quyết tâm bảo vệ kinh đô nhưng hoàn toàn không hề có ý định cố thủ. Hưng Đạo vương đã trù tính hai phương án lớn. Hoặc là quân ta sẽ đánh bại quân Nguyên nhanh chóng và đuổi chúng về nước trong một trận, hoặc là sẽ rút lui bảo toàn lực lượng, chuyển sang trường kỳ kháng chiến, chờ đến khi quân địch mệt mỏi và thiếu thốn về hậu cần. Bằng chứng là quân Đại Việt đã cho sơ tán các kho lương thảo khỏi kinh thành Thăng Long. Không chuẩn bị lương thảo lâu dài trong thành, cũng tức là không chuẩn bị cố thủ lâu dài trong thành. Trong chiến lược phòng ngự chủ động của Hưng Đạo vương, ngài đã tiên liệu rằng bằng mọi giá, quân Đại Việt sẽ không để bị quân địch bao vây.
Tranh thủ thời gian ngắn ngủi chiến sự tạm lắng, vua Trần muốn sai sứ sang trại quân Nguyên, mượn tiếng đàm phán để dò xét quân tình địch. Vì hai quân đang giao tranh dữ dội, bá quan vẫn sợ quân Nguyên sẽ chém sứ, ai nấy đều ngần ngại chưa dám đi.
Vua Trần Nhân Tông đang trong nhất thời chưa tìm được người đi sứ thì có viên Chi hậu cục thủ Đỗ Khắc Chung tâu lên : “Thần hèn mọn bất tài nhưng xin được đi”.
Vua Trần cả mừng, nói rằng: “Ngờ đâu trong đám ngựa kéo xe muối lại có ngựa kỳ, ngựa ký như thế”.
Đỗ Khắc Chung mang thư sang trại giặc, vào trướng Ô Mã Nhi mà đưa thư. Đoạn đối thoại của Ô Mã Nhi và Đỗ Khắc Chung đã được Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép tỉ mỉ:
“Ô Mã Nhi hỏi: "Quốc Vương ngươi vô lễ, sai người thích chữ "Sát Thát", khinh nhờn thiên binh, lỗi ấy to lắm".
Khắc Chung đáp: "Chó nhà cắn người lạ không phải tại chủ nó. Vì lòng trung phẫn mà họ tự thích chữ thôi. Quốc Vương tôi không biết việc đó. Tôi là cận thần, tại sao lại không có?".
Nói rồi giơ cánh tay cho xem. Ô Mã Nhi nói: "Đại quân từ xa tới, nước ngươi sao không quay giáo đến hội kiến, lại còn chống lệnh. Càng bọ ngựa cản bánh xe liệu sẽ ra sao?".
Khắc Chung nói: "Hiền tướng không theo cái phương sách Hàn Tín bình nước Yên, đóng quân ở đầu biên giới, đưa thư tin trước, nếu không thông hiếu thì mới là có lỗi. Nay lại bức nhau, người ta nói thú cùng thì chống lại, chim cùng thì mổ lại, huống chi là người".
Ô Mã Nhi nói: "Đại quân mượn đường để đi đánh Chiêm Thành, Quốc Vương ngươi nếu đến hội kiến thì trong cõi yên ổn, không bị xâm phạm mảy may. Nếu cứ chấp mê thì trong khoảnh khắc núi sông sẽ thành đất bằng, vua tôi sẽ thành cỏ nát".
Khắc Chung về rồi, Ô Mã Nhi bảo các tướng rằng: "Người này ở vào lúc bị uy hiếp mà lời lẽ tự nhiên, không hạ chủ nó xướng là Chích, không nịnh ta lên là Nghiêu, mà chỉ nói "Chó nhà cắn người", thật giỏi ứng đối. Có thể nói là không nhục mệnh vua. Nước nó còn có người giỏi, chưa dễ mưu tính được".
Nói xong, Ô Mã Nhi sai quân đuổi theo Đỗ Khắc Chung toan bắt lại nhưng không kịp. Sáng sớm ngày 18.2.1285, Đỗ Khắc Chung về đến doanh trại báo cáo lại tình hình phía quân Nguyên mà ông quan sát được. Những thông tin này rất có giá trị, góp phần vào việc hoạch định kế sách chống giặc. Nhờ chuyến đi sứ đầy mưu trí và dũng cảm này, Đỗ Khắc Chung được trọng dụng và ban quốc tính, đời sau biết đến với tên Trần Khắc Chung. Về sau, Khắc Chung làm quan thăng đến chức Hành Khiển.
Ngay khi Trần Khắc Chung về đến trướng quân Đại Việt không lâu thì quân Nguyên dưới quyền Ô Mã Nhi cũng kéo quân tới đánh. Quân ta đã chuẩn bị trước nên đẩy lui được giặc, không cho chúng vượt sông, tiêu diệt được một bộ phận sinh lực địch.Quân Đại Việt lại dùng máy bắn đá bắn sang bờ bắc khiêu chiến. Sau đợt tấn công đầu tiên thất bại, ngay trong ngày 18.2.1285, Thoát Hoan kéo toàn bộ lực lượng mở đợt tấn công quy mô lớn trải dọc theo bờ sông Hồng. Trọng tâm cuộc tấn công của quân Nguyên là từ Gia Lâm vượt sông đánh vào căn cứ Đông Bộ Đầu. Vị trí của Đông Bộ Đầu thời bấy giờ nằm về phía đông nam chân thành Thăng Long. Tấn công mạnh vào nơi này, quân Nguyên thể hiện rõ ý đồ chặn đường rút quân về phía nam của quân Đại Việt. Hưng Đạo vương quan sát thế trận biết được toan tính của địch, phò xa giá và Thượng hoàng rút lui, để lại một số quân tướng thủ thành nhằm cầm chân và tiêu hao lực lượng địch càng nhiều càng tốt.
Mũi tên đỏ: Hướng quân Nguyên tấn công, mũi tên xanh: hướng quân Trần rút lui
Thoát Hoan cùng A Lý Hải Nha, hai tướng đứng đầu đội quân xâm lược đích thân đứng ra đốc chiến, khiến kỷ luật quân Nguyên rất vững. Bộ binh quân Nguyên bất chấp tên đạn bắn ra từ bờ nam sông Hồng và từ các thuyền trên sông, hết lớp này đến lớp khác liều chết bắc cầu phao vượt sông ồ ạt. Máy bắn đá và cung nỏ của quân Đại Việt bắn xối xả, gây cho địch rất nhiều thương vong nhưng cũng không cản nổi quân Nguyên vượt sông. Sang đến bờ nam rồi, chúng lại đổ máu lớn trước hàng rào gỗ bởi cung tên của quân Đại Việt. Tuy nhiên, quân công thành rất đông và khí thế rất dữ tợn, nhanh chóng phá thủng hàng rào gỗ để tiến gần đến chân thành, giáp chiến với quân thủ thành. Trong lúc này thì phần đông quân chủ lực Đại Việt và đầu não triều đình đã đi được khá xa trên đường rút lui về Thiên Trường – Trường Yên.
Thoát Hoan vẫn chưa hay biết rằng chủ lực ta đã rút gần hết, kéo đại quân sang bờ nam, đóng doanh lũy dưới chân thành, tiếp tục xua quân đánh thành. Thế trận tại Thăng Long đã định đoạt. Thuyền chiến Đại Việt đánh với quân Nguyên cũng quay mũi rút về nam, một số bỏ thuyền lên bộ để lẫn tránh rồi sau mới tìm đường về với đại quân. Chưa đầy một ngày, thành Thăng Long đã bị hạ, tất nhiên với một cái giá khá đắt cho quân Nguyên. Đến hôm sau, ngày 19.2 Thoát Hoan mới kéo quân vào trong nội thành. Bấy giờ hắn mới nhận ra Thăng Long đã là một tòa thành trống rỗng. Cung thất, kho tàng, dân chúng đều đã sơ tán. Vua tôi nhà Trần và quân đội cũng mất hút. Thoát Hoan vội phái truy binh tức tốc đuổi theo quân Đại Việt. Sau trận chiến, mặc dù quân Nguyên vẫn tổ chức yến tiệc mừng thắng trận, nhưng trong quanh cảnh trống vắng tiêu điều của thành Thăng Long, nỗi lo sợ sẽ giống như cái gương của Ngột Lương Hợp Thai khi trước đã hiện ra. Thoát Hoan ra ngoài thành đóng đại doanh, nghe ngóng tin tức của truy binh.
(còn tiếp)
Quốc Huy
10 phần về cuộc chiến vĩ đại chống Nguyên Mông lần thứ nhất