Đại sứ Anh tại LHQ: 27 triệu/54 triệu dân Myanmar có thể mắc COVID-19 trong 2 tuần tới

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 08:16, 30/07/2021

Hôm 29.7, Đại sứ của Anh tại Liên Hợp Quốc cảnh báo rằng một nửa trong số 54 triệu người Myanmar có thể mắc COVID-19 trong hai tuần tới.

Myanmar đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi quân đội lật đổ chính phủ dân cử do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo vào ngày 1.2, với các cuộc biểu tình và giao tranh giữa quân đội với lực lượng dân quân mới thành lập diễn ra thường xuyên.

Mỹ, Anh và các nước khác đã áp đặt các lệnh trừng phạt với các nhà cầm quyền quân sự Myanmar vì cuộc đảo chính và đàn áp người biểu tình ủng hộ dân chủ, trong đó hàng trăm người đã thiệt mạng.

"Cuộc đảo chính đã dẫn đến sự sụp đổ gần như hoàn toàn của hệ thống y tế và các nhân viên y tế đang bị tấn công, bắt giữ", Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc - Barbara Woodward phát biểu trong cuộc thảo luận không chính thức của Hội đồng Bảo an về Myanmar.

Bà nói: “Thực tế, vi rút đang lây lan trong dân chúng rất nhanh. Theo một số ước tính, trong hai tuần tới, một nửa dân số Myanmar có thể bị nhiễm COVID-19”.

mot-nua-trong-54-trieu-dan-myanmar-co-the-mac-covid-19-trong-2-tuan-toi(1).jpg
Một tình nguyện viên điều chỉnh mặt nạ dưỡng khí của bệnh nhân COVID-19 ở thị trấn Kale, vùng Sagaing, Myanmar ngày 5.7 - ảnh: Reuters

Truyền thông nhà nước Myanmar đưa tin hôm 29.7 rằng nhà cầm quyền quân sự đang tìm kiếm sự hợp tác nhiều hơn với các quốc gia khác để ngăn chặn COVID-19.

Các ca mắc COVID-19 ở quốc gia Đông Nam Á này đã gia tăng kể từ tháng 6.2021, với 4.980 ca mắc COVID-19 và 365 trường hợp tử vong được báo cáo vào 28.7, theo dữ liệu của Bộ Y tế được trích dẫn trên các phương tiện truyền thông. Các dịch vụ y tế và tang lễ khiến số tiền phải trả cao hơn nhiều.

Là người phát biểu cho chính phủ dân sự được bầu, Đại sứ Myanmar tại Liên Hợp Quốc - Kyaw Moe Tun nói tại cuộc thảo luận của Hội đồng Bảo an: “Để việc tiêm chủng COVID-19 diễn ra suôn sẻ, hiệu quả và cung cấp hỗ trợ nhân đạo, sự giám sát chặt chẽ của cộng đồng quốc tế là điều cần thiết. Do đó, chúng tôi muốn đề nghị Liên Hợp Quốc, đặc biệt là Hội đồng Bảo an khẩn trương thiết lập một cơ chế giám sát do Liên Hợp Quốc lãnh đạo để tiêm vắc xin COVID-19 hiệu quả và hỗ trợ nhân đạo diễn ra suôn sẻ”.

Myanmar gần đây đã nhận được thêm 2 triệu loại vắc xin từ Trung Quốc, nhưng mới chỉ tiêm được cho khoảng 3,2% dân số của mình, theo Reuters.

Hôm 28.7, Tờ Global New Light of Myanmar do quân đội Myanmar điều hành cho biết nước này đang tìm kiếm giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.

Tờ báo dẫn lời Thống tướng Min Aung Hlaing phát biểu tại cuộc họp tăng cường hợp tác quốc tế rằng Myanmar nên tìm nguồn hỗ trợ tài chính từ quỹ ứng phó COVID-19 do ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) lập nên.

Myanmar đang làm việc với ASEAN cùng một số quốc gia thân thiện, song tờ Global New Light of Myanmar không cung cấp thông tin chi tiết.

Tình hình ở Myanmar rất tồi tệ khi khủng hoảng chính trị xảy ra đúng lúc dịch bệnh hoành hành. Nhiều bệnh viện vốn không được trang bị tối tân nay lại lâm vào cảnh thiếu nhân lực do đội ngũ nhân viên y tế nghỉ việc tham gia biểu tình.

Việc hạn chế người dân ra khỏi nhà không thể ngăn số ca mắc COVID-19 tăng mạnh.

Đến nay Myanmar ghi nhận 289.333 ca mắc COVID-19 với 8.552 người chết. Trong 24 giờ qua, quốc gia Đông Nam Á báo cáo 5.234 ca COVID-19 mới với 342 người chết. Thế nhưng, con số trên thực tế có thể cao hơn rất nhiều.

Sơn Vân