Be Strong Việt Nam 24/7 quyên góp hơn 40 tỉ đồng giúp chống dịch COVID-19
Nhịp cầu nhân ái - Ngày đăng : 14:45, 30/07/2021
Bốn ngày sau khi Quỹ Sống phát đi lời kêu gọi hỗ trợ TP.HCM và các tỉnh thành trong cả nước chống dịch COVID, tính đến 18 giờ ngày 29.7, chương trình Be Strong Việt Nam 24/7 đã nhận được hơn 40 tỉ đồng (gồm tiền mặt và hiện vật) từ các tổ chức cá nhân đóng góp.
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, chị Hương Giang (tên thân mật là Jang Kều), Chủ tịch Quỹ Sống cho biết: “Ngoài tiền mặt, chúng tôi còn nhận được các trang thiết bị, vật dụng y tế, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm… ước tính trị giá hơn 20 tỉ đồng. Tổng trị giá các lô hàng mà Quỹ Sống đã gửi tặng các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến đầu của Sài Gòn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Phú Yên, Bình Dương… và lương thực thực phẩm cho các khu lao động nghèo, các khu cách ly lên đến hơn 40 tỉ đồng.
“Quan trọng hơn, chúng tôi luôn duy trì khả năng giải ngân hơn 95% mỗi ngày để đảm bảo việc trợ giúp được thực hiện khẩn cấp nhất, từ khâu xác định nhu cầu, kiểm tra thông tin, lên kế hoạch mua sắm, kế hoạch phân bổ, kế hoạch vận tải, trao và báo cáo. Tất cả được làm hết công suất trong mọi mọi khung giờ mỗi ngày.
Đặc biệt trong những ngày qua, nhóm “Tiếp sức tuyến đầu” của chương trình Be Strong Việt Nam 24/7 đã lên kế hoạch hỗ trợ cho các bệnh viện Chợ Rẫy, Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) 2 máy thở máy thở lớn Bennett B840 (đã đặt hàng, giao trong ngày 30.7), 5 máy đo huyết áp Omron và 100 máy Spo2 cho Bệnh viện đa khoa Sài Gòn, 2 máy HFNC và 10 bộ vật tư cho Bệnh viện tỉnh Long An.
Ngoài ra chương trình còn hỗ trợ hàng chục ngàn khẩu trang, thiết bị y tế, đồ bảo hộ cho các bệnh viện dã chiến Củ Chi, Cần Giờ, các bệnh viện Nhiệt đới, Từ Dũ, Gia Định, Đại học Y dược, Trung tâm Điều dưỡng bệnh nhân tâm thần ở TP.HCM.
Be Strong Việt Nam 24/7 đang tập trung vào hai hướng chính, gồm 2 chương trình “Tiếp sức tuyến đầu” và “Thực phẩm sẻ chia”. Trong đó “Tiếp sức tuyến đầu” hỗ trợ cho các bác sĩ, nhân viên y tế tuyến đầu trong việc tiếp cận những vật tư y tế cần thiết (đồ bảo hộ, khẩu trang, găng tay...) và các máy móc, thiết bị y tế thiết yếu.
“Thực phẩm sẻ chia” sẽ tập trung vào việc cung cấp thực phẩm và hàng hóa thiết yếu cho các nhóm dễ bị tổn thương, những người bị ảnh hưởng bởi các lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội.