Hà Nội ghi nhận 119 ca nhiễm COVID-19 trong ngày 30.7
Sự kiện - Ngày đăng : 21:17, 30/07/2021
Trong 41 ca mới ghi nhận thì có tới 21 ca tại cộng đồng và 20 ca tại khu cách ly tập trung, chủ yếu phân bố theo quận huyện: Đống Đa (9); Quốc Oai (6); Hai Bà Trưng (5); Thanh Trì (4); Đông Anh (4); Nam Từ Liêm (2); Ba Đình (2); Mê Linh (2); Thanh Oai (1); Thanh Xuân (1); Đan Phượng (1); Thường Tín (1); Hoài Đức (1); Thạch Thất (1); Mỹ Đức (1).
Đáng chú ý nhất chính là các ca khám sàng lọc cộng đồng như ở Quốc Oai đã phát hiện dương tính với COVID-19. Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27.4.2021): 1.100 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 663 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 437 ca.
Trao đổi với phóng viên ngay trong chiều 30.7, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết hiện nay các ca bệnh nhiễm COVID-19 rất phức tạp vì đã lây lan trong cộng đồng khá nhiều. Mặc dù đã thực hiện lệnh giãn cách nhưng số ca khám sàng lọc cộng đồng vẫn tăng lên trong những ngày gần đây. Bên cạnh đó, còn nhiều chùm ca bệnh vẫn đang ghi nhận nhiễm mới liên quan đến nhà thuốc 95 Láng Hạ, chùm liên quan đến TP.HCM, chùm liên quan Bệnh viện Phổi Hà Nội, chùm ở Tân Mai - Hoàng Mai...
"Ngành y tế Hà Nội đã ghi nhận các ca nhiễm cộng đồng nên rất lo lắng dịch có thể bùng phát như ở TP.HCM, đặc biệt khi nguy cơ dịch COVID-19 xâm nhập vào các bệnh viện là khá lớn. Việc giãn cách đã khiến cho ngành y tế kiểm soát được một phần số lượng bệnh nhân và chính người dân phải có ý thức hơn nữa trong việc thực hiện đúng chỉ thị và yêu cầu của chính phủ. Hiện nay chỉ có mỗi việc thực hiện nghiêm quy định 5K là biện pháp ngăn chặn hiệu quả nhất. Bên cạnh đấy, việc đẩy mạnh tiêm vắc xin cho người dân sẽ sớm tạo ra miễn dịch cộng đồng để sớm ngăn chặn được sự lây lan của dịch bệnh", PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho hay.
Trả lời về việc thực hiện cách ly F1 và F0 tại nhà, vị chuyên gia này cho rằng nếu cơ sở vật chất ở nhà đáp ứng đầy đủ thì người dân hoàn toàn có thể thực hiện việc cách ly tại nhà như các tỉnh thành khác để có sự chủ động hơn, chăm sóc sức khỏe được an toàn hơn. Sự thí điểm này sẽ có kết quả tốt nếu dịch bệnh lỡ có bùng phát thì chúng ta vẫn chủ động hơn trong việc kiểm soát bệnh của người dân, chặn đứng nguồn lây lan của dịch bệnh. "Hà Nội nên triển khai thí điểm cho cách ly F1 tại nhà, với điều kiện phải đảm bảo đúng theo quy định của Bộ Y tế. Hiện Bộ Y tế đã có hướng dẫn cụ thể về việc cách ly F1 tại nhà. Việc thưc hiện này vừa để thí điểm, vừa như một hình thức tập dượt sẵn sàng cho tình huống khi các ca bệnh nhiều lên".
Còn theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thì cho rằng việc chuẩn bị cho hệ thống y tế điều trị cho các bệnh nhân nặng mắc COVID-19 là khẩn thiết nhất lúc này. Tất cả các quốc gia đều cảnh báo không thể chủ quan với biến thể Delta. "Phải kiên định với việc phát hiện, cách ly, khoanh vùng khi phát hiện ca nhiễm là việc làm hiệu quả nhất trong phòng chống dịch bệnh. Tổ chức y tế thế giới vẫn yêu cầu các quốc gia phải tăng cường xét nghiệm để sớm đưa ca mắc ra khỏi cộng đồng, để kiểm soát lây nhiễm. Hiện chúng ta đã phân phát các vắc xin tới các tỉnh thành để tiêm cho người dân và Bộ Y tế đã liên tục nhắc nhở các tỉnh thành nâng mức cảnh báo phòng chống dịch lên mức rất cao, phải chuẩn bị kịch bản cho tình huống xấu có thể xảy ra. Mỗi địa phương cần xây dựng các kịch bản phòng chống dịch phù hợp, để tránh khi dịch xảy ra lại lúng túng, bị động, đặc biệt trong điều trị.
Bộ Y tế đã có hướng dẫn phân tầng điều trị, các địa phương cần chủ động lên phương án chuẩn bị theo các tầng, đặc biệt lưu ý hệ thống hồi sức trong cơ sở điều trị ở tầng cao nhất, bởi hiện vấn đề này đang là điểm yếu của điều trị ở nhiều tỉnh, thành phố. Trong chuẩn bị và thiết lập hệ thống hồi sức cần chú trọng rà soát ngay hệ thống oxy, máy thở. Đặc biệt các tỉnh miền núi phía Bắc phải thực hiện ngay nội dung này, không có tâm lý chủ quan, tránh bị động khi có dịch xảy ra trên địa bàn”, Bộ trưởng khẳng định.