Sản xuất công nghiệp tăng thấp nhất trong 7 tháng qua và nỗi lo đứt gãy sản xuất
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 09:40, 01/08/2021
Theo Tổng cục Thống kê, đại dịch COVID-19 lần thứ tư với biến chủng mới diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất công nghiệp trong tháng 7 và 7 tháng năm nay.
Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7.2021 chỉ tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất trong 7 tháng qua (trừ tháng 2 có số ngày làm việc ít nhất). Tính chung 7 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,9% so với 7 tháng năm 2020.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng nêu rõ, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg nên chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7.2021 giảm mạnh. Cụ thể, TP.HCM giảm 19,4%; Long An giảm 14,6%; Cà Mau giảm 13,7%; Đồng Tháp giảm 5,7%; Trà Vinh giảm 5,3%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 1,9%; Bến Tre giảm 0,2%.
Tuy nhiên, một số địa phương có chỉ số IIP tăng do một số khu công nghiệp quyết tâm không để đứt gãy chuỗi cung ứng, đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch bệnh với phương án 3 tại chỗ nên được phép hoạt động để tiếp tục thực hiện các đơn hàng sản xuất đã ký kết hợp đồng trước đó.
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng làn sóng dịch bệnh COVID-19 thứ 4 bùng phát, tập trung chủ yếu ở các tỉnh có số lượng lớn khu công nghiệp và doanh nghiệp trong các ngành chế biến chế tạo đã khiến hoạt động sản xuất bị gián đoạn. Nhiều doanh nghiệp phải dừng sản xuất, ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng, đặc biệt là các đơn hàng xuất khẩu khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn cung phục vụ sản xuất.
“Biến thể Delta với tốc độ lây lan nhanh, đặc biệt là lây ở các tỉnh, thành đông dân cư - nơi là động lực phát triển của nền kinh tế. Đợt dịch này ảnh hưởng lớn đến sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian vừa qua, đồng thời làm đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu…”, ông Thịnh nói.
Theo Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị các ngành công nghiệp trên thế giới có tính chất gắn kết chặt chẽ, hữu cơ, liên tục. Nếu Việt Nam không thể tận dụng cơ hội từ sự phục hồi kinh tế của các thị trường lớn và đánh mất các đơn hàng cung ứng cho các quốc gia này trong thời gian tới, từ đó gây ra sự đứt gãy của chuỗi sản xuất.
Trong trường hợp gián đoạn chuỗi giá trị toàn cầu, các nhà mua hàng và sản xuất lớn sẽ tìm kiếm sự bù đắp thiếu hụt chuỗi cung ứng từ quốc gia khác. Việc quay trở lại chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ cực kỳ khó khăn và cần phải có quá trình.
Các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm hơn 85% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, có tác động lan tỏa đến các ngành dịch vụ như ngân hàng, bảo hiểm, logistics... và đặc biệt là tạo việc làm cho hàng chục triệu lao động trực tiếp cũng như gián tiếp trong các ngành nghề liên quan. Theo đó, việc đứt gãy các chuỗi giá trị và cung ứng trong các ngành sản xuất trong nước sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an sinh xã hội cũng như kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn.
Vì vậy, Cục Công nghiệp cho rằng việc duy trì liên tục các chuỗi giá trị và cung ứng của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là cực kỳ quan trọng trong ngắn hạn cũng như đảm bảo phát triển kinh tế đất nước trong dài hạn.
Tuy nhiên, khi dịch bệnh bùng phát trở lại, tập trung chủ yếu ở các tỉnh có số lượng lớn khu công nghiệp và doanh nghiệp trong các ngành chế biến chế tạo đã khiến hoạt động sản xuất bị gián đoạn, nhiều doanh nghiệp phải dừng sản xuất, ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng, đặc biệt là các đơn hàng xuất khẩu.
Theo đề xuất của Cục Công nghiệp, đối với các doanh nghiệp phía Nam – với đặc thù sử dụng nhiều lao động nhập cư từ các địa phương khác, chỉ nên yêu cầu thực hiện phương châm “1 cung đường, 2 địa điểm”, không nên yêu cầu áp dụng phương châm “3 tại chỗ”. Trong đó, doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm xác nhận cung đường và địa điểm cho người lao động và cam kết chịu trách nhiệm trong trường hợp để xảy ra việc lây lan dịch bệnh.
Đồng thời, cần có quy định và hướng dẫn cụ thể về lộ trình dự kiến phục hồi sản xuất để các doanh nghiệp có kế hoạch về nhân sự, lao động và tài chính để hoạt động trở lại sau dịch.
Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM kiến nghị, chính quyền thành phố cần linh động trong thực hiện quy định mới, như đối với các nhà máy sản xuất có văn phòng điều hành tại trung tâm thành phố vẫn được phép hoạt động để giữ vai trò điều phối. Ngoài ra các hoạt động bảo trì, bảo dưỡng máy móc từ bên ngoài vào nhà máy trong thời gian tới cũng cần được duy trì để đảm bảo chất lượng sản xuất.
Chính phủ cũng nhiều lần nhấn mạnh không để đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng. Tiếp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1015/TTg-CN ngày 25.7.2021, để tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch COVID-19, Phó thủ tướng Lê Văn Thành có ý kiến: không kiểm tra tại các chốt kiểm soát dịch đối với phương tiện có giấy nhận diện có QR Code còn thời hạn do ngành giao thông vận tải cấp vận chuyển hàng hóa phục vụ xây dựng, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, tiêu dùng (trừ các hàng hóa cấm sản xuất, kinh doanh theo quy định) trên tất cả các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông liên huyện, giao thông đô thị trên phạm vi cả nước.
Trường hợp phương tiện không có giấy nhận diện có QR Code hoặc có nhưng hết thời hạn, thì thực hiện kiểm tra việc khai báo y tế và giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm với SARS-COV-2 đối với người trên phương tiện.
Về việc đảm bảo các chuỗi vận tải hàng hóa và xuất, nhập khẩu, Ban nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân cho rằng tình trạng lộn xộn, đứt gãy vận tải hàng hóa thời gian qua một phần xuất phát từ cách làm, cách hiểu và diễn giải các quy định phòng chống dịch hết sức khác nhau ở các địa phương. Văn bản chỉ đạo số 5187/VPCP-CN ngày 29/7/2021 của Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã tháo gỡ nhiều khúc mắc lớn liên quan tới tình trạng này.
Tuy nhiên, chuỗi tiêu dùng và chuỗi xuất, nhập khẩu còn liên quan tới hoạt động của nhiều bộ phận khác. Vì thế, Ban này và các hiệp hội xin kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo hoặc giao đầu mối các bộ ngành, địa phương, rà soát và áp dụng quy định, điều kiện đi lại thống nhất cho các nhóm nhân sự chuyên làm thủ tục xuất nhập khẩu, nhân viên cảng, nhân viên bốc xếp ... tương tự như nhóm vận chuyển hàng trong nội thành (shipper) giờ đã được tính toán các biện pháp quản lý để đi lại thực hiện công việc mà vẫn đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch.
Ngoài ra, Ban này cũng đề xuất Thủ tướng xem xét, đánh giá kỹ “quy trình vận tải an toàn - lái xe không tiếp xúc” mà Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logisitcs Việt Nam, Hiệp hội Ô tô - Vận tải Việt Nam đã kiến nghị, bởi việc sử dụng kết quả xét nghiệm sàng lọc COVID-19 (gồm cả kết quả xét nghiệm nhanh hay xét nghiệm PCR) như là giấy thông hành hiện nay, theo ý kiến nhiều chuyên gia y tế, là chưa đúng với bản chất ý nghĩa của việc xét nghiệm, và tiềm ẩn nhiều rủi ro.