Giới quản lý chứng khoán Mỹ ra thêm quy định với công ty Trung Quốc

Chuyển động - Ngày đăng : 10:25, 01/08/2021

Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) dự định yêu cầu công ty Trung Quốc muốn lên sàn chứng khoán Mỹ phải cung cấp thông tin bổ sung.

“Trước diễn biến gần đây tại Trung Quốc và rủi ro tổng thể, tôi đã yêu cầu nhân viên tìm kiếm thông tin nhất định từ các nhà phát hành nước ngoài hợp tác với công ty hoạt động tại Trung Quốc trước khi tuyên bố đăng ký của họ có hiệu lực”, Chủ tịch SEC Gary Gensler cho biết.

Với quy định mới thì công ty Trung Quốc có thể phải công khai cả niêm yết thông qua mô hình sở hữu đặc biệt (Variable Interest Entities - VIE) – cấu trúc kinh doanh hợp pháp làm vỏ bọc phục vụ mục đích nào đó. Lâu nay họ thường dùng VIE để né tránh loạt hạn chế niêm yết nước ngoài do Bắc Kinh đặt ra.

Ông Gensler nói: “Tôi lo rằng nhà đầu tư bình thường không nhận ra mình nắm giữ cổ phiếu của một thực thể vỏ bọc thay vì một công ty hoạt động ở Trung Quốc”.

https___d1e00ek4ebabms.cloudfront.net_production_0378aac2-8a0e-40c3-b95a-4fcb5cc7e63d.jpg
Giới đầu tư chịu nhiều rủi ro với chứng khoán Trung Quốc - Ảnh: The Financial Times

Động thái mới nhất từ SEC được thực hiện khi giới lập pháp Mỹ gia tăng áp lực yêu cầu siết chặt quản lý hoạt động niêm yết của công ty Trung Quốc. Mới đây một nhóm nghị sĩ đảng Cộng hòa gửi thư kêu gọi ông Gensler hành động nhằm ngăn chặn thiệt hại mà nhà đầu tư phải hứng chịu giống như trong vụ việc Didi Global - cơ quan quản lý Didi Chuxing - bị Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) xử lý khiến cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trên sàn chứng khoán New York của họ lao dốc.

Chuyên gia Andrew Bishop thuộc công ty tư vấn độc lập Signum Global Advisors đánh giá cao động thái từ SEC: “Nếu SEC không hành động sớm thì phía Quốc hội Mỹ sẽ ban hành luật, tạo ra rào cản lâu dài khó vượt qua với những đợt IPO của công ty Trung Quốc sau này”.

Dựa trên quy định mới, ngoài công khai hoạt động niêm yết qua VIE, công ty Trung Quốc còn phải nêu rõ rủi ro mà sẽ gặp trong trường hợp chịu sức ép pháp lý từ giới chức Trung Quốc. Họ cũng cần cho biết liệu giới chức Trung Quốc chấp nhận hay từ chối việc đăng ký niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ của công ty.

Nếu công ty Trung Quốc không giao tài liệu kiểm toán cho cơ quan quản lý Mỹ kiểm tra, vi phạm quy định kiểm toán thì sẽ bị hủy niêm yết. Đối tượng đầu tiên mà SEC yêu cầu bổ sung thông tin là công ty có hoạt động đáng kể tại Trung Quốc.

Cẩm Bình