PGS.TS Trần Hữu Tá - người học trò hiếu nghĩa, người thầy tâm huyết

Giáo dục - Ngày đăng : 10:49, 06/11/2016

Ở thời điểm mà các bài viết phản ánh bao chuyện xấu xa, tệ bạc trong quan hệ thầy trò trên mặt báo dễ làm người ta bi quan về tính bền vững và cao đẹp của Đạo học thì những câu chuyện về nghĩa thầy trò của thầy Trần Hữu Tá mà đám học trò chúng tôi được biết, dù nhỏ bé và bình dị cũng đã góp phần củng cố niềm tin vào truyền thống “tôn sư trọng đạo” vốn được xây đắp trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.
Nhà giáo Trần Hữu Tá (bên trái) chụp hình với tác giả

Viết về thầy Trần Hữu Tá – một nhà nghiên cứu nhiều tâm huyết, một người trí thức nhân hậu, có nhiều đóng góp cho nền học vấn nước nhà – tôi không muốn nói nhiều về học thuật. Điều này dành để các bạn đọc những trước tác của thầy. Tôi muốn nói về một điều khác: Nghĩa thầy trò cao đẹp mà suốt cả đời thầy chắt chiu, gìn giữ, nâng niu.

Ở thời điểm khi các bài viết phản ánh bao chuyện xấu xa, tệ bạc trong quan hệ thầy trò trên mặt báo dễ làm người ta bi quan về tính bền vững và cao đẹp của Đạo học thì những câu chuyện về nghĩa thầy trò của thầy Trần Hữu Tá mà đám học trò chúng tôi được biết, dù nhỏ bé và bình dị cũng đã góp phần củng cố niềm tin vào truyền thống “tôn sư trọng đạo” vốn được xây đắp trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, làm ấm lòng nhiều thế hệ đã, đang và sẽ đứng trên bục giảng. Trộm nghĩ: Nếu người trí thức Việt nào cũng hành xử được như thầy thì lo gì Đạo học nước nhà không vinh hiển. Vậy nên, xin mạo muội chia sẻ cùng bạn đọc những dòng này.

Người học trò hiếu nghĩa

Những người thầy lớn như GS Trần Văn Giàu, GS Trương Tửu, GS Lê Trí Viễn, GS Hoàng Như Mai... hẳn đều tự hào vì trong số hàng nghìn, hàng vạn học trò do mình đào tạo, có PGS.TS Trần Hữu Tá, người học trò hiếu nghĩa, luôn nỗ lực làm sáng danh thêm hình ảnh cao đẹp của các thầy và tôn vinh đạo nghĩa thầy trò. Theo gương những người thầy của mình, thầy Trần Hữu Tá đam mê nghiên cứu, học hỏi không ngừng “từ bục giảng đến văn đàn” để sáng tạo nên những công trình khoa học uy tín, trở thành một trong những tên tuổi lớn trong giới nghiên cứu giảng dạy văn học cả nước, một vị “trưởng lão trong làng văn”. Điều đáng quý là trong suốt cuộc đời mình, từ lúc còn thiếu niên cho đến khi đã bát tuần, người học trò Trần Hữu Tá vẫn luôn ghi tạc ơn sâu của các thầy; vẫn luôn hướng về các thầy bằng một tình cảm trong trẻo, nguyên sơ như nước nhớ nguồn.

Cách đối đãi vừa khiêm cung, lễ độ; vừa ân cần, tha thiết của thầy Trần Hữu Tá với những người thầy của mình thật đáng trân trọng. Với các GS Trần Văn Giàu, Lê Trí Viễn, Hoàng Như Mai... lúc đương nhiệm hay khi đã nghỉ hưu, thầy Tá thường xuyên thăm nom, chăm sóc; hàn huyên, tâm sự những lúc các thầy buồn; quan tâm đến từng bữa ăn, giấc ngủ những lúc các thầy đau yếu. Khi các thầy đã về cõi vĩnh hằng thì mối xúc động thiêng liêng lan tỏa trong từng trang viết. Đọc những bài thầy Trần Hữu Tá viết để tưởng niệm thầy mình như “Thầy Trần Văn Giàu của chúng tôi” (viết về GS Trần Văn Giàu), “Vĩnh biệt thầy của những bậc thầy” (viết về GS Lê Trí Viễn), “GS.NGND Hoàng Như Mai: Vị trưởng lão cuối cùng của ngành Văn đã ra đi!” (viết về GS Hoàng Như Mai)... người đọc không khỏi ngậm ngùi xúc động trước tình cảm thiêng liêng, tấm lòng trong sáng của một người học trò dành cho các thầy. Tình cảm ấy, tấm lòng ấy biết bao cao đẹp.

Người thầy nhân hậu và tâm huyết

Những người may mắn được học hay một lần được đàm đạo cùng thầy Trần Hữu Tá đều có chung một cảm nhận rằng tấm lòng thầy nhân hậu và bao dung quá, trái tim thầy cháy bỏng một nhiệt huyết lớn lao. Cả cuộc đời dạy học từ lúc còn là giảng viên một trường CĐSP ở Quảng Bình, giảng viên khoa Ngữ Văn trường ĐHSP Hà Nội, cho đến những năm tháng là giảng viên, Phó trưởng khoa, Trưởng khoa Ngữ Văn trường ĐHSP TP.Hồ Chí Minh… thầy luôn đau đáu một nỗi niềm rằng phải làm sao để nền giáo dục nước nhà được chấn hưng và phát triển, để sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy văn học đạt được nhiều thành tựu. Chính vì thế mà thầy Trần Hữu Tá luôn quan tâm bồi dưỡng, tạo điều kiện hết mức để những cán bộ nghiên cứu, giảng dạy trẻ phát huy năng lực.

Nhiều trí thức trụ cột của khoa Văn trường ĐHSP TP.Hồ Chí Minh hiện nay đều có công phát hiện, bồi dưỡng của thầy. Đối với học trò, thầy dường như chẳng nề hà thời gian, công sức. Thầy khuyến khích, động viên những học trò có năng lực, thầy quan tâm, giúp đỡ những học trò có hoàn cảnh khó khăn. Anh Nguyễn Văn Cải – một người bạn của tôi, hiện là Phó hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung, huyện Củ Chi – có kể rằng năm học 1998 -1999, khi anh mới bước chân vào khoa Văn trường ĐHSP TP.Hồ Chí Minh trong điều kiện vô cùng khó khăn, thiếu thốn, có lúc tưởng như không thể theo học tiếp được nữa, thầy đã dành trọn một buổi chiều để trò chuyện, động viên anh. Một lần, khi bị bệnh nằm ở bệnh viện Bình Dân, anh vô cùng ngạc nhiên và xúc động thấy thầy ân cần đến thăm giữa cái nắng trưa hè như đổ lửa. Những việc làm ấy nhỏ bé, bình dị thôi, nhưng đã khiến anh ghi nhớ suốt đời.

Với riêng tôi, tuy chỉ được học thầy một chuyên đề ngắn rồi sau đó bẵng đi gần chục năm trời mới có dịp gặp lại và được hầu chuyện cùng thầy, nhưng hình ảnh thầy trong tôi là một cái gì thiêng liêng lắm, không thể nào quên được. Hồi ấy khi tôi vừa chập chững vào đại học, có một cái gì rất hụt hẫng, đại học không giống như những gì tôi từng mơ ước và hình dung. Tôi cảm thấy mình bị lạc điệu, thậm chí có lúc đã nghĩ rằng mình lựa chọn sai lầm. Thế rồi thầy vào lớp, với một phong thái hiền hậu, nhẹ nhàng thầy tự giới thiệu về mình với cả lớp. Trong tôi như có một cái gì đó vỡ òa. Trần Hữu Tá, chẳng phải người chủ biên bộ SGK mà mình đã học thời phổ thông đó sao? Chẳng phải tác giả của những bài viết mà mình hay trích dẫn trong những bài văn thi học sinh giỏi đó sao? Vậy mà giờ đây, con người ấy lại ở ngay trước mắt mình, lại trực tiếp giảng bài cho mình nghe, không hề cao xa như mình tưởng mà rất gần gũi, chân tình.

Chuyên đề thầy Tá giảng cho chúng tôi năm ấy là “Tổng quan văn học Việt Nam” nhưng bên cạnh việc truyền đạt kiến thức, thầy còn hướng dẫn cho chúng tôi rất nhiều về phương pháp học ở đại học. Từ những bài giảng của thầy, tôi dần dần hòa nhập được với môi trường mới và tin vào sự lựa chọn của mình. Chỉ có một điều mà cho đến bây giờ tôi vẫn còn tiếc. Đó là lúc ấy tuy quý thầy lắm, nhiều lần muốn đến nhà thầy để được học tập, trao đổi nhiều hơn cùng thầy nhưng rồi cuối cùng tôi lại không dám. Sinh viên chúng tôi thời ấy kính trọng song cũng rất sợ thầy cô chứ không phải như bây giờ.

Nhiều năm sau đó, tôi mới có dịp gặp lại thầy trong một hội thảo do Bộ GD tổ chức ở Huế, thời gian ngắn ngủi chỉ đủ cho thầy trò chào hỏi nhau và lấy số điện thoại để liên lạc. Nhưng một buổi sáng, tôi bất ngờ nhận được điện thoại của thầy: “Minh ơi! Vĩnh Thắng (Tổng biên tập tạp chí Thế giới mới, một trong những học trò thân thiết nhất với thầy Trần Hữu Tá) vừa nhờ thầy biên tập bài viết của Minh. Bài viết khá lắm. Cố gắng phát huy em nhé. Chúc em thành công”. Những lời nói bình dị, chân thành mà chan chứa thương yêu ấy của thầy là những lời động viên rất lớn cho nghiệp dạy và nghiệp viết của tôi về sau.

Sau này, mỗi khi có dịp vào Sài Gòn tôi đều dành thời gian đến thăm thầy Trần Hữu Tá, để được trò chuyện cùng thầy. Thầy nói với tôi những suy tư, trăn trở của thầy về giáo dục. Thầy kể cho tôi nghe về chương trình “Tri ân và trưởng thành” cho học sinh lớp 12 trường Trương Vĩnh Ký – một hoạt động mang ý nghĩa nhân văn rất lớn do thầy sáng tạo từ thời còn là hiệu trưởng ngôi trường tư thục nổi tiếng này. Thầy khuyên tôi nên làm tiến sĩ, nên chuyển lên dạy ở đại học để phát huy năng lực của mình... Từ những câu chuyện của thầy, tôi trưởng thành thêm. Lòng tôi chợt hạnh phúc và bình yên đến lạ mỗi khi được đàm đạo cùng thầy.

Năm 2016, thầy Trần Hữu Tá cho in cuốn “Từ bục giảng đến văn đàn” viết về chân dung 25 người thầy đồng thời là 25 trí thức lớn của nền giáo dục Việt Nam hiện đại – trong đó có người là thầy, có người là đàn anh và cũng có người là bạn của thầy. Lần giở từng trang sách, người đọc không khỏi xúc động trước sự tri âm cũng như tình cảm thiết tha mà thầy gửi trong từng câu, từng chữ. Một anh bạn tôi ở Hà Nội sau khi đọc xong cuốn sách đã nói rất chân thành rằng “Còn một chân dung thứ 26 nữa. Đó là chân dung thầy Trần Hữu Tá”. Chân dung thứ 26 ấy đã không được thể hiện trong “Từ bục giảng đến văn đàn” nhưng lại đã, đang và sẽ mãi mãi tỏa sáng trong tim những người từng gắn bó với thầy như một giá trị giản dị thôi nhưng bền vững và cao quý.

(Phú Yên, tháng 10.2016)

Hồ Tấn Nguyên Minh