Cho đến khi hạnh phúc...
Giáo dục - Ngày đăng : 06:32, 19/11/2016
(Kính tặng thầy Hồ Tấn Nguyên Minh – Người thầy kính mến của đời tôi)
- Minh Nhi đâu, Minh Nhi đã đến lớp chưa?
- Cô Nhi hôm nay đâu rồi?
- Lại đi học trễ, vào lớp đi…
Không ai hiền với tôi như thế. Mà bản chất của một đứa nghịch phá và bất nguyên tắc thì càng hiền với nó, nó càng nhây. Minh Nhi là tên của tôi, mấy câu trên kia đều là mấy câu thầy tôi hay lặp đi lặp lại mỗi khi bước vào lớp. Tôi ngồi bàn cuối, phía ngoài cùng, và thường thì chẳng mấy khi thầy thấy chỗ đó có người.
Tôi biết sợ, nên tôi muốn nghỉ thì toàn lựa tiết thầy để nghỉ, trễ thì chọn tiết thầy mà trễ. Biết mình không tốt nên chẳng mấy khi tôi dám nhìn thầy, thầy gọi lại hỏi han tôi cũng run bắn lên. Tôi cũng chẳng hiểu tại sao mình hay đi học trễ mà vẫn được tha thứ, các bạn trong lớp tỏ ra bực mình vì thái độ học tập của tôi. Tôi bị càu nhàu suốt.
Cái này là bài thú tội thì có, không phải khoe đâu, tôi biết mình sai rồi, thật đấy.
Tôi không giao tiếp được suốt ba năm trung học phổ thông…
Tôi vẫn nhớ như in một cô bé cách đây chưa lâu ghét học đến phát khùng lên!
Ghét học thì ghét lớp, ghét cả giáo viên, tóm lại chỉ muốn bỏ trốn, muốn tự do, muốn phiêu bạt giang hồ. Nhưng ước mơ chỉ là mơ ước, tôi có một trái tim nhút nhát và yếu ớt vô cùng…
Đấy. Cứ như thế thôi. Để thời gian trôi…
Thầy luôn tha thứ…
Tôi thi xong đại học và bỗng muốn gặp thầy. Tôi định hẹn gặp thầy nhưng vòng vo mãi chẳng dám buông lời. Thầy hiểu tôi lắm, nên cuối cùng tôi cũng được có một cuộc hẹn tại một quán café tao nhã. Tôi đã soi gương và đi lòng vòng trong nhà, bình thường nhìn thầy còn không dám, ngồi nói chuyện thế thì biết nói cái gì nhỉ? Nhưng rồi cũng nói được, nói với thái độ hiền khô luôn kìa. Tôi ấp úng, thầy thì khoan thai như không khí biển. Buổi nói chuyện ấy có phần kỳ quặc. Đây là lần đầu tiên tôi nói chuyện với người lớn, lần đầu tiên tôi nhận ra có ai đó biết rất nhiều chuyện của mình và không hề bực mình với mình một tí nào cả, dù trông tôi đáng ghét lắm chứ, gầy nhom, tái xanh, lại câng câng từ bản chất.
- Em cảm thấy cuộc sống quá bất công và đen tối, em ghét cái kiểu mọi người xu nịnh nhau và lừa dối nhau.
- Em cảm thấy cô đơn, em ước gì ba mẹ có thể trở lại. Em không còn tin vào tình yêu nữa…
- Có một số giáo viên có nhân cách không tốt. Em ghét thầy cô!
- Em không hiểu tại sao chúng em phải học quá nhiều thứ phức tạp và không ứng dụng được như thế!
- Em rất tủi thân vì thầy đã quá hiền dịu với em. Dù sao em cũng đã quen nghe các thầy cô khác cằn nhằn rồi…
Tôi kể lể rất nhiều, thầy chỉ nói tôi hãy nhìn đời bằng một con mắt khác. Nếu để tôi bây giờ gặp tôi khi ấy, có lẽ tôi đã chửi mắng nó thậm tệ.
Nhưng thật ra sự cải hoán không nằm ở những câu nặng lời, mà từ trái tim đến trái tim. Tôi chợt nhận ra sự nhẹ nhàng và khoan dung từ phía người đối diện - một người đàn ông bình thường, xuất thân nghèo khổ giờ đây đang là tấm gương của bao người, được bao người nể trọng về tài năng, cốt cách mà vẫn thư thái, gần gũi như vậy.
Tôi thích được như thế không? Có chứ!
Tôi muốn nụ cười thanh thản từ tâm của thầy có thể biến thành vật chất để tôi tóm lấy, giành lấy tận hưởng vài hôm rồi mang trả lại.
Còn tôi trông mất sinh khí biết bao. Một đứa con gái đang tuổi nở hoa mà trông vật vờ như một cái xác. Làm thế nào để tâm hồn mình toát ra được như thế nhỉ, tôi bắt đầu băn khoăn và hỏi thầy, thầy trả lời tôi thế này:
- Em không thay đổi được cuộc sống chung đâu, cuộc sống chung cũng không thay đổi được em, trừ khi em thay đổi chính mình trước thì tự tất cả sẽ thay đổi.
Câu nói có vẻ triết lý ấy tôi không hiểu được ngay.
Tôi khăn gói vào Sài Gòn một năm, sống xa nhà và bắt đầu ngao du thiên hạ như tôi ao ước, không bố mẹ quản lý, lịch học thoải mái, ăn ở tự do.
Tôi tham gia nhiều khóa học về động lực và kỹ năng, tôi gọi rất nhiều người là thầy và tôi biết ơn họ sâu sắc.
Tôi bắt đầu thay đổi. Tôi có nhiều bạn bè, được nhiều người yêu mến. Tôi cũng bắt đầu bày tỏ tình cảm với bạn thân, gia đình và nhận lại vô số thứ không đong đếm được.
Tôi vẫn nhớ tôi những ngày đầu ở Sài Gòn. Tôi lướt web tìm cách thay đổi bản thân, tôi nhận được thông tin một số khóa học, hoạt động, và chỉ cần tôi cho rằng có lẽ tôi sẽ thay đổi được, tôi lại làm thêm kiếm tiền tham gia.
Cái câu ngày ấy thầy nói rằng “Em không thay đổi được cuộc sống chung đâu, cuộc sống chung cũng không thay đổi được em, trừ khi em thay đổi chính mình trước thì tự tất cả sẽ thay đổi”, thật ra chưa bao giờ tôi lẩm nhẩm trong miệng cho nhớ, vậy mà nó tự nhiên đi vào tiềm thức. Tôi đã tin. Tôi tin rằng nếu tôi thay đổi được mình tôi sẽ thay đổi được tất cả mọi thứ trên đời. Sự bao dung của thầy đã trở thành tất cả những gì tôi có.
Tôi đã bỏ những bước đi vội vàng, bỏ mái tóc lòa xòa che mặt và cái đầu lúc nào cũng cúi gằm xuống đất, tôi đã học cách mỉm cười trước khi ngủ và mỗi sáng thức dậy. Một ngày nọ, tôi nhận ra nụ cười của tôi hình như đã toát lên cái phong thái mà tôi khao khát ngày xưa.
Tôi lại gặp thầy những dịp về nhà và kể thầy nghe cách tôi thay đổi. Thầy gật gù khen: khá lắm, khá lắm! Trông em rất khá ! Mà kể thì ngắn, chứ làm thì lâu. Làm mới thấy kỳ diệu lắm các bạn ạ.
Thỉnh thoảng nói chuyện với mọi người, tôi lại kể: Nhi có một người thầy, người ấy chưa bao giờ trách móc Nhi, dù Nhi đã, Nhi đã…
Một chặng đường, một người thầy. Tôi chân thành cảm ơn cuộc đời vì những người thầy có lòng đã nắm tay biết bao con người mà chỉ cho họ thấy ánh sáng. Hôm nay cầm bút viết một cái gì đó về tấm lòng thầy, tự nhiên trong đầu tôi lại hiện lên rõ mồn một hình ảnh thầy như một ký ức vô cùng sâu sắc mãi không bao giờ phai mờ hay quên lãng được.
Hôm vừa rồi thầy nhắn tin cho tôi:
- Lúc này em khỏe không? Công việc và học tập thế nào?
Tôi trả lời, mắt rưng rưng:
- Dạ em khỏe, yêu đương và công việc thuận lợi, gia đình em cũng thế, em hạnh phúc lắm… Em hạnh phúc rồi, thầy ơi…
(Tháng 11.2016)
Hà Minh Nhi