TP.HCM và bài toán chống dịch COVID-19 trong tình hình mới
Góc bình luận - Ngày đăng : 15:13, 02/08/2021
Những ngày qua, từng dòng người từ TP.HCM thi nhau đổ về các tỉnh thành trong sự hối hả với tâm trạng lo lắng. Phần lớn họ là công nhân bị thất nghiệp kéo dài, không có tiền để sinh sống do công ty đóng cửa bởi dịch bệnh hoặc quy định giãn cách xã hội. Nhiều đôi vợ chồng cùng con nhỏ đùm túm trên những chiếc xe máy chở đồ đạc cồng kềnh để về quê tránh dịch, chống đói. Có những gia đình phải đi xe máy cả nghìn cây số để về quê, đi đến đâu mệt, buồn ngủ thì nằm xuống bên vệ đường ngủ thiếp rồi thức lại đi tiếp. Có những người trên hành trình về quê trốn dịch ấy đã gặp phải tai nạn thương tâm. Nhìn cảnh ấy, nhiều người rất thương cảm xúc động.
Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo không để người dân tự ý về quê, tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi nơi lưu trú, ai ở đâu ở đó; còn TP.HCM thì kêu gọi người ở các tỉnh sinh sống tại TP nên ở lại và sẽ được tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Nói như thế để thấy rằng, cuộc sống người dân tại TP.HCM trải qua hơn 2 tháng giãn cách xã hội ở các mức độ khác nhau, nhất là những công nhân, đang thực sự rất bế tắc, nhiều người đã mất việc, không có thu nhập, không tiền để sinh sống, thậm chí nợ nần. Điều này cũng đồng nghĩa với mục tiêu kép mà chính phủ đặt ra là vừa chống dịch hiệu quả vừa đảm bảo phát triển kinh tế đang gặp thử thách.
Tuy nhiên, cuộc chiến với “giặc cô vy” vẫn còn tiếp diễn, chưa đến hồi kết thúc. Ngày 1.8 vừa qua, Chủ tịch UBND TP.HCM tiếp tục ban hành công văn số 2556/UBND- VX về việc tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội trên toàn thành phố để phòng chống dịch COVID-19. Theo đó, thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 sẽ kéo dài thêm 14 ngày, kể từ ngày hôm nay (2.8).
Có thể nói, đến lúc này, các nhà chuyên môn, các cơ quan quản lý nhà nước không ai có thể khẳng định khi nào dịch bệnh COVID-19 tại TP.HCM sẽ tới đỉnh và đi xuống, càng không thể biết được rằng khi nào dịch bệnh sẽ chấm dứt.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng ban chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 thừa nhận dịch bệnh COVID-19 vẫn còn tiếp tục căng thẳng, kéo dài cho đến khi có đủ vắc xin miễn dịch cộng đồng, hoặc có thuốc chữa trị, còn nếu không thì không thể nào bình thường được.
Ông Đam đã kêu gọi các địa phương dồn vắc xin, ưu tiên cho TP.HCM tiêm trước để tạo được miễn dịch cộng đồng. Phó thủ tướng cũng cho biết đây là điều rất cần thiết để kéo những công nhân ở các địa phương không phải về quê, mà ở lại TP để được tiêm vắc xin và đi làm tiếp.
Điều này có nghĩa rằng đã đến lúc TP phải tập trung tiêm vắc xin thật nhanh cho mọi người dân để tạo miễn dịch và đưa họ trở lại làm việc như bình thường, chứ không thể kéo dài như thế mãi.
Muốn vậy, theo các nhà chuyên môn, công tác chống dịch ở TP.HCM lúc này cần tập trung vào 3 vấn đề cơ bản, đó là tiêm vắc xin thật nhanh, tập trung điều trị ca mắc COVID-19 nặng và phong tỏa toàn TP (người dân TP chỉ không được ra bên ngoài TP, nếu ra phải có những quy định cụ thể và ngược lại) nhằm tránh lây dịch cho các địa phương khác, nhưng bên trong vẫn tổ chức hoạt động động bình thường với biện pháp 5K.
Thực tế hiện nay, TP.HCM đã thay đổi biện pháp chống dịch, thay vì tập trung vào công tác truy vết, cách ly, khoanh vùng, dập dịch như trước, TP đã tập trung vào điều trị các ca F0, hạn chế bệnh nhân mắc COVID-19 nặng và tử vong.
Riêng vắc xin, chưa tính đến việc Phó thủ tướng Vũ Đức Đam kêu gọi các địa phương nhường vắc xin cho TP.HCM, chỉ tính riêng con số mà Bộ Y tế công bố thì đến tháng 9.2021 này, TP được cung cấp ít nhất 5 triệu liều, cộng với số vắc xin mà TP đã mua được 5 triệu liều và vừa chuyển về 1 triệu liều. Với số lượng này, có thể nói TP đủ để tiêm cho người dân từ 18 tuổi trở lên.
Như vậy, bài toán chống dịch lâu dài của TP.HCM lúc này là phải tính đến việc đưa các hoạt động bên trong trở lại trạng thái bình thường (tất nhiên phải thực hiện biện pháp 5K), nhằm giúp người lao động không bị thất nghiệp, gặp khó khăn. Đây không chỉ là giải pháp chống dịch lâu dài mà còn đảm bảo mục tiêu kép mà Chính phủ đề ra.
Hơn lúc nào hết, trong lúc này người dân sống ở TP.HCM đang rất cần được làm việc, được mưu sinh, vì với họ thời gian “chiến đấu” dịch bệnh đã quá dài. Nhiều người đã kiệt quệ phải rời bỏ thành phố mà họ yêu thương, gắn bó, làm việc suốt nhiều năm qua, thậm chí còn tạo cho họ một cuộc sống tốt. Đó là điều mà bản thân những người lao động này không hề mong muốn nhưng do đã “lực bất tòng tâm”.